Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng việc các quốc gia siết chặt chính sách nhập cư và kiểm soát biên giới có thể dẫn đến sự sụp đổ của Liên minh châu Âu (EU). Bà Merkel nêu ý kiến này sau khi Berlin đưa ra động thái mới nhằm hạn chế dòng người xin tị nạn.

shutterstock 1616183872
Angela Merkel (Ảnh: Alexandros Michailidis / Shutterstock)

Bà Merkel đã đưa ra nhận định này tại Diễn đàn Báo chí Tây Nam ở thành phố Neu-Ulm vào tuần trước. Bà Merkel có mặt tại sựu kiện này nhằm giới thiệu hồi ký của mình mang tên “Tự Do” (Freedom).

Tôi không tin rằng chúng ta có thể chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp một cách quyết đoán tại biên giới Đức–Áo hoặc Đức–Ba Lan… Tôi luôn ủng hộ các giải pháp mang tính châu Âu”, bà Merkel nói khi được hỏi về các biện pháp mới được nội các của Thủ tướng Friedrich Merz thông qua.

Các chính sách mới, được Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt công bố đầu tháng Năm này, cấm nộp đơn xin tị nạn tại tất cả các cửa khẩu biên giới trên bộ của Đức – một sự đảo ngược hoàn toàn so với chính sách mở cửa biên giới mà bà Merkel thực thi vào năm 2015. Tuy nhiên, chính sách vẫn có ngoại lệ đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Theo bà Merkel, động thái này đang đe dọa đến quyền tự do đi lại trong EU cũng như tính toàn vẹn của khu vực Schengen – khu vực cho phép đi lại không cần thị thực giữa phần lớn các quốc gia thành viên. Bà khẳng định rằng mọi cải cách về nhập cư và di chuyển nên được nhất trí ở cấp độ EU.

Nếu không, chúng ta có thể chứng kiến sự sụp đổ của châu Âu,” bà Merkel cảnh báo.

Chính sách “mở cửa” năm 2015 của bà Merkel từng vấp phải phản ứng dữ dội từ giới chính trị, trong đó nhiều người chỉ trích đây là một “thảm họa” khi hơn một triệu người di cư được phép vào Đức trong cao điểm của cuộc khủng hoảng tị nạn 2015–2016.

Đức vẫn là điểm đến hàng đầu của người xin tị nạn trong EU. Theo thống kê của EU, trong năm 2023, Đức nhận được hơn 237.000 đơn xin tị nạn – chiếm khoảng một phần tư tổng số đơn trong toàn khối.

Ông Merz đã cam kết sẽ siết chặt kiểm soát biên giới trong chiến dịch tranh cử trước cuộc bầu cử sớm diễn ra vào tháng Hai, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu ‘Sự lựa chọn khác vì nước Đức (AfD)’ – nổi tiếng với quan điểm chống nhập cư – đang gia tăng mạnh mẽ.

AfD đứng thứ hai với 20,8% số phiếu bầu, nhưng đã bị các đảng chính thống loại khỏi các cuộc đàm phán liên minh và quá trình thành lập chính phủ.

Đầu tháng này, Cơ quan Tình báo Nội địa Đức (BfV) đã chính thức xếp AfD vào danh sách “tổ chức cực đoan đã được xác nhận.”

Quyết định của BfV sau đó đã tạm thời bị đình chỉ do các thách thức pháp lý và phản ứng tiêu cực từ công chúng, tuy nhiên, các quan chức cấp cao – bao gồm cả các thành viên trong liên minh cầm quyền – vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ sở pháp lý để tiến tới lệnh cấm chính thức đối với đảng AfD.

Đầu tuần này, cảnh sát Đức cảnh báo rằng lực lượng chức năng có thể chỉ thực thi được các quy định mới “trong vài tuần nữa” do áp lực ngày càng lớn đối với nhân sự tại biên giới – bất chấp việc đã triển khai thêm 3.000 cảnh sát để hỗ trợ 11.000 người hiện đang làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu trọng yếu.

Phạm Duy, theo RT