Cựu Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần này, vạch trần cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng các biện pháp kinh tế để cưỡng ép các quốc gia dân chủ. Buổi điều trần này do Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về ĐCSTQ (Select Committee on the CCP) tổ chức, với trọng tâm là đối phó với các hành động gây áp lực kinh tế của Bắc Kinh nhắm vào các đồng minh dân chủ của Mỹ.

Scott Morrison Prime Minister o
Cựu Thủ tướng Úc Scott Morrison (Nguồn: Eesan1969/ Wikimedia)

Morrison: ĐCSTQ tìm cách cô lập Mỹ và phá hoại liên minh chống cộng

Ủy ban cho biết buổi điều trần sẽ diễn ra vào ngày 24/7 (thứ Tư, giờ miền Đông nước Mỹ), với chủ đề “Đối phó với sự cưỡng ép kinh tế của ĐCSTQ đối với các quốc gia dân chủ” (Countering the Chinese Communist Party’s Economic Coercion Against Democracies). Ngoài ông Morrison, một nhân chứng khác sẽ tham gia điều trần là cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Australian Financial Review (AFR), ông Morrison cho biết: “Tôi luôn tin rằng, dù chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) có thể thay đổi phương thức, nhưng mục tiêu chiến lược của họ vẫn không đổi: đó là tìm cách cô lập nước Mỹ khỏi các đồng minh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và làm suy yếu hệ thống liên minh vốn cực kỳ quan trọng trong việc đối phó với những tuyên bố và hành động của ĐCSTQ.”

Trong thời gian ông Morrison tại nhiệm, quan hệ Úc – Trung đã xấu đi nhanh chóng vì nhiều tranh cãi. Năm 2018, Úc cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G do lo ngại an ninh quốc gia, khiến quan hệ song phương căng thẳng. Đến năm 2020, ông Morrison kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19, sau đó Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc, bao gồm rượu vang và lúa mạch, đồng thời hạn chế nhập khẩu thịt bò, than đá và nho. Cả Chính phủ Mỹ và Úc đều gọi những hành động này là “cưỡng ép kinh tế” (economic coercion).

Theo AFR, ông Morrison chỉ ra rằng Bắc Kinh có ý đồ thống trị thị trường toàn cầu và bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh, thông qua các biện pháp như “trợ cấp sản xuất quy mô lớn để triệt tiêu đối thủ, giành thế thống trị”. Ông cho biết, đây là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng suốt hai thập niên qua trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng và đất hiếm.

Từ bắt nạt sang ve vãn, mưu đồ của ĐCSTQ không thay đổi

Ông Morrison cho rằng, mặc dù kể từ năm 2024 ĐCSTQ đã lần lượt dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Úc, nhưng chiến lược cốt lõi của họ không thay đổi, chỉ là chuyển từ hình thức bắt nạt sang chiến thuật ve vãn và thu phục bằng sức hấp dẫn.

Ông nói với AFR: “Kế hoạch trước đây của Trung Quốc (ĐCSTQ) là cô lập chúng tôi bằng cách bắt nạt; kế hoạch hiện tại là cô lập chúng tôi bằng sự ve vãn và sức quyến rũ.”

Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ hiệp ước tàu ngầm AUKUS và cơ chế Đối thoại An ninh Bộ tứ Mỹ – Úc – Nhật – Ấn (Quad). Đây là những trụ cột quan trọng cho an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khi các chiến thuật “vùng xám” của ĐCSTQ thất bại, họ sẽ quay sang sử dụng lợi ích vật chất, sự ve vãn và ảnh hưởng mềm để gây tác động.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel trong nhiệm kỳ của mình cũng nhiều lần lên án hành vi cưỡng ép kinh tế của ĐCSTQ, và từng đề xuất Mỹ cùng các đồng minh nên thành lập một liên minh kiểu NATO trong lĩnh vực kinh tế. Liên minh này sẽ đảm bảo các nước có thể cùng nhau phản ứng khi có thành viên bị tấn công kinh tế, qua đó giảm thiểu nguy cơ bị ĐCSTQ cô lập hoặc gây sức ép.

Năm 2023, ông Emanuel từng gọi cưỡng ép kinh tế là “công cụ lâu dài và tàn nhẫn nhất trong kho vũ khí của ĐCSTQ”.

Buổi điều trần lần này diễn ra trong bối cảnh liên minh Mỹ – Úc đang đối mặt với những thách thức chiến lược mới. Dư luận đang theo dõi cách Úc cân bằng giữa việc tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và đối phó với sức ép chính trị cũng như cám dỗ kinh tế ngày càng tăng từ Bắc Kinh.