Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã đề xuất một dự luật yêu cầu thủ đô Washington, D.C. hủy bỏ mối quan hệ “thành phố kết nghĩa” với Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâm nhập vào Mỹ thông qua hợp tác cấp địa phương.

id14517103 EpochImages 3930591874 xl
Vào ngày 25/9/2024, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ, ông John Moolenaar, đã có bài phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) ở Washington, D.C. (Ảnh: Madalina Vasiliu / Epoch Times

Theo trang web của Đặc khu Columbia (Washington, D.C.), thành phố hiện đang duy trì quan hệ thành phố kết nghĩa với 15 thành phố trên toàn cầu, bao gồm Brussels, Paris, Seoul và Bắc Kinh.

Chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ (Select Committee on the CCP), Dân biểu Đảng Cộng hòa bang Michigan – ông John Moolenaar, đã đưa ra tuyên bố hôm thứ Năm (ngày 17/7) rằng: “Tại Washington, D.C., công dân của chúng ta được hưởng quyền tự do ngôn luận, quyền kiến nghị và quyền tụ họp; trong khi ở Bắc Kinh dưới sự cai trị của ĐCSTQ, người dân Trung Quốc hoàn toàn không có những quyền này.”

Với tư cách là người đề xướng chính của dự luật, ông Moolenaar cho biết: “Trong số các quốc gia có quan hệ thành phố kết nghĩa với Washington, D.C., tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc là tồi tệ nhất, điều này khiến mối quan hệ này đặc biệt đáng lo ngại.”

Dự luật có tên gọi là “Dự luật Liêm chính Thành phố Kết nghĩa của Đặc khu Columbia” (District of Columbia Sister City Integrity Act) sẽ cấm chính quyền Washington, D.C. thiết lập quan hệ thành phố kết nghĩa với bất kỳ khu vực nào thuộc các “quốc gia thù địch” (foreign adversary countries). Theo nội dung dự luật, các quốc gia này hiện bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Iran.

Đồng tác giả của dự luật, nữ Dân biểu Đảng Cộng hòa bang New York – Elise Stefanik, chỉ ra rằng ĐCSTQ đã “vũ khí hóa” cái gọi là quan hệ thành phố kết nghĩa.

Bà nói: “ĐCSTQ đã vũ khí hóa các quan hệ đối tác ‘thành phố kết nghĩa’ để thúc đẩy chiến dịch thông tin sai lệch độc hại của họ tại Washington, tạo điều kiện cho Trung Quốc xâm nhập chính quyền của chúng ta và mở rộng tuyên truyền sai lệch.”

Theo nội dung dự luật, các mối quan hệ thành phố kết nghĩa hiện tại giữa chính quyền Washington, D.C. với các khu vực thuộc các quốc gia này sẽ phải chấm dứt trong vòng 180 ngày sau khi dự luật được thông qua. Nếu không, Washington, D.C. sẽ bị cắt các khoản tài trợ liên bang và ngân sách dùng cho các hoạt động ngoại giao quốc tế.

Mối quan hệ thành phố kết nghĩa giữa Washington, D.C. và Bắc Kinh bắt đầu từ năm 1984, khi đó người ta kỳ vọng ĐCSTQ sẽ thay đổi và người dân Trung Quốc sẽ được nếm trải hương vị tự do. Tuy nhiên, sự lạc quan này đã tan biến chỉ sau 5 năm, khi xảy ra cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 4/6/1989.

Vào năm 1989, cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn đã diễn ra, trong đó hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên và các nhà hoạt động cải cách đã bị quân đội ĐCSTQ sát hại.

Ngày 4/6 năm nay, ông Moolenaar cùng 13 nghị sĩ khác đã gửi thư chung cho Thị trưởng Washington, bà Muriel Bowser, kêu gọi bà xem xét lại mối quan hệ thành phố kết nghĩa này.

Trong bức thư (liên kết), họ nhấn mạnh rằng hy vọng ban đầu khi thiết lập mối quan hệ này nay đã không còn tồn tại, thay vào đó, nó đã trở thành công cụ để ĐCSTQ thâm nhập vào chính quyền địa phương của Mỹ.

Bức thư viết: “Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, các quyền tự do dân sự và chính trị ở Trung Quốc đang bị đàn áp ngày càng nghiêm trọng ở mọi cấp độ.”

Các nghị sĩ cũng đề cập rằng, thị trưởng Bắc Kinh thời điểm đó – ông Trần Hy Đồng – không chỉ là người ký kết thỏa thuận kết nghĩa năm 1984 mà còn là người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh trong thời gian xảy ra cuộc thảm sát Thiên An Môn.

“Dù ông ấy đóng vai trò chính trong cuộc đàn áp đẫm máu đó, đến nay tên ông ta vẫn được khắc trên tấm biển dưới Cổng Hữu nghị (Friendship Archway) tại thủ đô của chúng ta. Việc Washington, D.C. tiếp tục duy trì quan hệ kết nghĩa với Bắc Kinh là đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ, chẳng khác nào đang công khai hậu thuẫn cho một chính quyền chống lại những giá trị ấy.” – bức thư viết.

Các nghị sĩ cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các mối quan hệ thành phố kết nghĩa của Trung Quốc đều do “Hiệp hội đối ngoại hữu hảo Nhân dân Trung Quốc” điều phối, cơ quan này trực thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (Bộ Mặt trận Thống nhất) Trung ương của ĐCSTQ và phải được Bộ Ngoại giao ĐCSTQ phê chuẩn. Những thỏa thuận này thực chất là công cụ để thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ, đã đi lệch khỏi mục đích ban đầu là tăng cường giao lưu nhân dân.

Trong thư, các nghị sĩ yêu cầu thị trưởng phản hồi trước ngày 4/7. Tờ Epoch Times bản tiếng Anh đã liên hệ với văn phòng bà Bowser (Thị trưởng Đặc khu Columbia) để yêu cầu bình luận.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từng chỉ ra rằng các quan hệ “thành phố kết nghĩa” là một trong những công cụ được Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương ĐCSTQ sử dụng để thâm nhập vào chính quyền các bang và địa phương của Mỹ.

Ngoài ra, ĐCSTQ không chỉ sử dụng mối quan hệ cấp địa phương này để thao túng ảnh hưởng mà còn để xuất khẩu hoạt động đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến. Theo một báo cáo trước đó của tờ Epoch Times, một tài liệu nội bộ của ĐCSTQ năm 2017 đã chỉ đạo rõ ràng rằng các quan chức phải “tận dụng tối đa” quan hệ thành phố kết nghĩa để “thu hẹp không gian hoạt động ở nước ngoài của Pháp Luân Công một cách hiệu quả”.

Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện Phật gia, kết hợp giữa tu tâm và rèn luyện thể chất, đã bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo trong suốt 26 năm qua.

Năm 2024, Thứ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Mã Triều Húc cho biết hiện có tổng cộng 286 thỏa thuận thành phố kết nghĩa giữa Trung Quốc và Mỹ. Các mối quan hệ này ngày càng gây ra lo ngại ở nhiều nơi tại Mỹ.

Năm ngoái, bang Indiana đã thông qua một đạo luật cấm thiết lập thành phố kết nghĩa với các quốc gia bị liệt kê là “quốc gia thù địch”. Mặc dù luật không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng phần lớn các mối quan hệ kết nghĩa của bang này là với các thành phố Trung Quốc.

Thống đốc bang Arkansas, bà Sarah Huckabee Sanders, cũng đã ký thông qua một đạo luật liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/7, cấm rõ ràng việc thiết lập quan hệ thành phố kết nghĩa với các thành phố của Trung Quốc.