Năm ngoái Mỹ bắt đầu cảnh báo đồng minh về rủi ro khi sử dụng sản phẩm của Huawei, đồng thời khuyên ngăn các nước dồng minh không sử dụng thiết bị của công ty này. Giới học thuật tại Mỹ cũng bắt đầu cân nhắc tới việc từ chối hợp tác với Huawei cũng như từ chối nhận đầu tư và quyên tặng từ Huawei. Gần đây nhất, một cơ sở giáo dục bậc cao tại Mỹ là Trường Đại học Minnesota (University of Minnesota) cũng đã tạm dừng hợp tác với Huawei.

huawei
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ngày 28/2, tờ Minnesota Daily thuộc Đại học Minnesota đưa tin, Phó Hiệu trưởng phụ trách về nghiên cứu khoa học của trường là ông Chris Cramer đã nói trong một bản ghi nhớ gửi đến Viện trưởng các học viện hôm 14/2 rằng, phía nhà trường sẽ không tiếp tục nhận viện trợ từ Huawei, không tiếp tục ký hợp đồng nghiên cứu với Huawei, không tiếp tục chuẩn bị triển khai bất cứ trao đổi thông tin nào với Huawei.

Huawei đã bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố vì liên quan đến các hành vi đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và lừa đảo tổ chức tài chính và nhiều cáo buộc khác.

Bản ghi nhớ chỉ ra, với những lo ngại được nêu ra trong các bản cáo trạng này, Đại học Minnesota tin rằng việc đình chỉ hoạt động qua lại với Huawei là điều đúng đắn.

Lệnh cấm sẽ tiếp tục đến khi vấn đề an ninh kinh tế quốc gia được giải quyết

Ông Joseph Konstan, Phó Viện trưởng Học viện Công trình và Khoa học thuộc Đại học Minnesota chia sẻ, đối với Đại học Minnesota mà nói, việc tạm dừng mối quan hệ với Huawei là một bước tiến khác thường và vô cùng nghiêm túc. Nhưng xét theo tình hình hiện nay, điều này là có ý nghĩa.

“Tôi cho rằng, dựa vào những truy tố mà công ty này đang đối mặt và trong trường hợp bất thường này, làm như thế là công bằng”, ông nói.

Ông còn nói thêm, Huawei đã tài trợ cho nghiên cứu của trường thông qua Quỹ Đại học Minnesota. Do chỉ lệnh tạm dừng này, nên dự án CSE vốn được Huawei cung cấp tài chính sẽ không tiếp tục nhận tài trợ từ Huawei trong tương lai nữa.

“Họ (Huawei) bày tỏ sự quan tâm tới công nghệ internet và các công nghệ tiến tiến”, ông nói.

Bản ghi nhớ nói, lệnh cấm của Đại học Minnesota sẽ kéo dài đến khi “vấn đề an ninh kinh tế quốc gia được giải quyết”.

Nhiều trường đại học dừng hợp tác với Huawei

Chính phủ Liên bang Mỹ không khuyến khích công ty Mỹ hợp tác với Huawei hoặc mua thiết bị của công ty này, đồng thời cảnh báo công nghệ của Huawei có thể bị Trung Quốc dùng cho hoạt động gián điệp.

Tháng 6 năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục Betsy DeVos, cảnh báo nếu các trường đại học hợp tác với Huawei, thì có thể tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Bức thư này cho biết, việc Huawei có mối quan hệ hợp tác với các đại học tại Mỹ là một mô hình chủ yếu trong chiến lược lấy về công nghệ từ nước ngoài của chính quyền Trung Quốc, đồng thời cũng kêu gọi Bộ Giáo dục Mỹ tiến hành điều tra mối quan hệ giữa Huawei và các cơ sở giáo dục bậc cao tại Mỹ.

Đại học Minnesota không phải là cơ cấu học thuật đầu tiên giữ khoảng cách với Huawei. Hơn 10 trường đại học khác tại Mỹ cũng đã chọn lập trường tương tự. Theo Hãng tin Reuters, Đại học Wisconsin-Madison đang thẩm tra việc liệu nhà cung cấp của trường có tuân thủ Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) hay không. NDAA đã được ký thành luật vào tháng 8 năm ngoái, đạo luật này cấm đơn vị nhận tài trợ từ chính quyền liên bang sử dụng thiết bị của Huawei.

Đại học Oxford và Đại học California phân hiệu tại Berkeley đều tuyên bố chấm dứt hợp tác nghiên cứu mới với công ty Huawei. Gần đây, một ngôi trường nổi tiếng thế giới là Đại học Stanford cũng tiết lộ, đã ngừng hợp tác nghiên cứu mới với Huawei cũng như ngừng nhận các khoản quyên tặng.

Đại học California phân hiệu tại Berkeley đã dỡ bỏ hệ thống hội nghị video của Huawei đang sử dụng trong trường. Đại học California phân hiệu tại Irvine cũng loại bỏ 5 thiết bị video và âm thanh do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất.

Huệ Anh

Xem thêm: