Đài Loan để mắt tới hệ thống tên lửa HIMARS nhằm đối phó Trung Quốc
- Tiến Minh
- •
Quân đội Đài Loan có kế hoạch trang bị hơn hai chục Hệ thống Tên lửa Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất để “tiêu diệt, phá hủy và làm tê liệt” lực lượng của kẻ thù xâm lược, theo một ngân sách mới được đệ trình lên quốc hội đảo quốc hôm thứ Tư.
Nội các của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gần đây đã đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng 14% lên 19,41 tỷ USD cho hai năm tới trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Theo các nhà lập pháp, quân đội đang yêu cầu 1,07 tỷ USD – gần gấp đôi kế hoạch năm 2022 – để mua sắm các vũ khí chính xác tầm xa từ Hoa Kỳ.
Lực lượng mặt đất của hòn đảo sẽ đặt mua 29 hệ thống HIMARS M142, nhiều hơn 18 chiếc so với kế hoạch ban đầu. Quân đội cũng đang đặt hàng 84 tên lửa của Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140 (tăng từ 64 tên lửa), và 864 tên lửa chính xác để sử dụng với các bệ phóng HIMARS gắn trên xe tải.
Sau khi yêu cầu mua được thực hiện, Đài Loan dự kiến sẽ nhận được lô HIMARS đầu tiên gồm 11 hệ thống vào năm 2024. Quân đội đặt mục tiêu hoàn thành gói mua này vào năm 2027.
Các khả năng tấn công chính xác tầm xa sẽ giúp bù đắp cho những thách thức về hậu cần khi tiếp tế và củng cố quân đội tiền tuyến trên các đảo xa xôi, vốn chỉ cách bờ biển Trung Quốc vài dặm, hoặc khi cung cấp hỗ trợ trên khắp các khu vực xung đột ở Đài Loan.
“Do đó, giải pháp tốt nhất là hỗ trợ hỏa lực xuyên khu vực ngay lập tức để tiêu diệt, phá hủy và làm tê liệt lực lượng đổ bộ của đối phương bằng hỏa lực tầm xa, chính xác, cơ động cao và trên diện rộng”, tuyên bố của Đài Loan cho hay.
Quân đội Đài Loan đã chuyển sang HIMARS sau khi hủy bỏ kế hoạch mua 40 xe pháo tự hành M109A6 “Paladin”, một thỏa thuận trị giá 750 triệu USD được chính quyền Biden thông qua một năm trước.
Vào tháng 5, Hoa Kỳ đã thông báo cho Đài Loan về việc có thể sẽ chậm trễ trong việc hoàn thành đơn đặt hàng do dây chuyền sản xuất đang quá tải. Điều đó có nghĩa là hòn đảo sẽ không được chuyển giao các hệ thống cho đến ít nhất là năm 2026. Washington đề xuất nhiều hệ thống phóng tên lửa dẫn đường (GMLRS), như HIMARS, như một giải pháp thay thế.
Các kế hoạch triển khai thêm HIMARS sẽ phù hợp với mong muốn của Washington đối với việc Đài Bắc đầu tư nhiều hơn vào các khả năng “phi đối xứng” để răn đe và phòng thủ trước Trung Quốc.
Các nhà hoạch định quốc phòng nói rằng, Đài Loan nên triển khai các loại vũ khí phi đối xứng rẻ hơn, có tính cơ động cao và chính xác, như Ukraine đã làm để chống lại lực lượng Nga xâm lược kể từ tháng Hai.
Lầu Năm Góc cho biết kể từ tháng 6, Mỹ đã cung cấp cho Kyiv 16 bệ phóng HIMARS và tiếp tục huấn luyện các nhóm quân Ukraine sử dụng chúng. Lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng các hệ thống này một cách hiệu quả, tấn công các sở chỉ huy và cơ sở lưu trữ đạn dược của Nga.
Trong khi các tên lửa HIMARS do Ukraine đang sử dụng có tầm bắn giảm xuống còn 80 dặm, với việc Kyiv cam kết không bắn vào lãnh thổ Nga để không làm leo thang thêm xung đột, các bệ phóng của Đài Loan sẽ có khả năng bắn ở phạm vi hiệu quả dự kiến khoảng 300km.
Tiến Minh (theo Newsweek)
Từ khóa căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan HIMARS Đài Loan mua HIMARS