NAFTA có thể bỏ Mexico và trở thành hiệp định song phương Mỹ – Canada
- Tân Bình
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã tuyên bố rằng nếu các cuộc đàm phán cải tổ NAFTA thất bại, ông có thể sẽ biến nó thành hiệp định thương mại song phương Mỹ – Canada, bỏ qua Mexico.
Đại diện ba nước Mexico, Canada và Hoa Kỳ tham gia vòng đàm phán thứ 3 về cải cách NAFTA tại Ottawa, Ontario, Canada hôm 27/9.
BBC cho hay Tổng thống Mỹ nói rằng nếu không thể đạt được thỏa thuận thay đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thì hiệp đình này sẽ kết thúc.
“Có khả năng chúng tôi không thể thỏa thuận được, và cũng có khả năng là có thể. Tôi cho rằng ông Justin hiểu rằng nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận, nó [NAFTA] sẽ phải bị hủy, và như thế cũng không sao”, ông Trump nói.
Phát biểu trên của ông Trump được đưa ra tại Tòa Bạch Ốc nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Mỹ.
Trả lời một câu hỏi của phóng viên, ông Trump nói rằng ông sẽ xem xét hiệp định thương mại với Canada và không có Mexico. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh thêm rằng cả Washington và Toronto đều muốn bảo vệ lực lượng lao động của mình.
Theo BBC, vòng đàm phán về cải cách NAFTA đang rơi vào bế tắc, do Mexico phản đối việc Mỹ tăng phần trăm các bộ phận sản xuất tại Hoa Kỳ trong ngành sản xuất ôtô.
Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray, phát biểu trước vòng đàm phán mới nhất, rằng chấm dứt NAFTA có thể gây tổn hại tới mối quan hệ Mỹ – Mexico và phá vỡ sự hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quan trọng như đấu tranh chống buôn bán ma túy.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Trudeau nói rằng ông tin tưởng quá trình đàm phán NAFTA sẽ vẫn kết thúc “với thắng lợi của cả ba bên”.
Tuy nhiên, ông Trudeau cũng cho biết Canada phải “sẵn sàng đối mặt với bất kỳ điều gì” nếu những nỗ lực để hiện đại hóa hiệp định 23 năm tuổi này gặp trục trặc.
Theo BBC, tổng thương mại toàn khối NAFTA đã đạt 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2016.
Các quan chức của Mỹ và Mexico đều nói rằng họ muốn kết thúc tái đàm phán NAFTA vào tháng 12 tới.
Vấn đề hiện tại của NAFTA là gì?
Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ gồm 3 thành viên là Hoa Kỳ, Canada và Mexico, gọi tắt là NAFTA, có hiệu lực chính thức vào năm 1994. Hiệp định này giảm thuế quan giao dịch nội khối cho hầu hết các mặt hàng thương mại và dịch vụ. NAFTA cũng thiết lập các quy định về an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp.
Kể từ khi hiệp định này được ký kết, thương mại giữa ba nước đã tăng lên gấp hơn 3 lần. Mối quan hệ chính trị nội khối cũng được tăng cường mạnh mẽ.
Bên cạnh việc ông Trump muốn cải cách tổng thể NAFTA để mang lại lợi ích tốt hơn cho nước Mỹ, cũng có một số lĩnh vực cụ thể mà cả ba nước đều muốn đưa lên bàn đàm phán.
Cả ba quốc gia đều cho biết họ có kế hoạch xem xét lại luật lao động và môi trường.
Các nước cũng nói rằng họ muốn tập trung vào việc cập nhật bản thỏa thuận này để nắm bắt những thay đổi phù hợp với các doanh nghiệp trực tuyến và các tiến bộ công nghệ khác.
Hoa Kỳ thực sự muốn gì?
NAFTA đem đến lợi ích cho một loạt các ngành của Mỹ, đặc biệt là nông nghiệp, nhưng ông Trump đổ lỗi cho thỏa thuận này đã làm sụt giảm việc làm trong ngành sản xuất ở Mỹ.
Vào tháng 7 vừa qua, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đang tập trung vào các thay đổi để làm giảm thâm hụt thương mại, tức là cân bằng giữa nhập và xuất khẩu. Điều này có nghĩa rằng Hoa Kỳ sẽ nhập khẩu từ các nước nội khối ít hơn, đặc biệt là từ Mexico, hoặc sẽ phải tăng cường xuất khẩu nhiều hơn.
Hoa Kỳ cho biết họ sẽ thúc đẩy việc tiếp cận thị trường Canada bằng các sản phẩm sữa, rượu, ngũ cốc và các sản phẩm khác.
Chính quyền Trump cũng cho biết họ muốn thặt chắt các quy định về xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Điều này gặp phải sự phản đối của các nhóm như ngành công nghiệp ôtô do chuỗi cung ứng của họ hiện nay liên quan đến việc di chuyển nguyên vật liệu và các bộ phận qua nhiều vùng khu vực NAFTA.
Hoa Kỳ cũng có thể tìm cách tăng cường quảng bá hàng hóa Mỹ cho các chương trình “Mua hàng Mỹ” của chính phủ.
Canada và Mexico phản ứng ra sao?
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết NAFTA đã đem lại lợi ích rõ ràng cho nền kinh tế Canada, khiến cho nền kinh tế nước này có quy mô lớn hơn 2,5% mỗi năm so với không có hiệp định này.
Bà Freeland cho rằng các cuộc đàm phán cải cách NAFTA là cơ hội để “làm cho những thỏa thuận đã tốt rồi, thậm chí còn tốt hơn nữa”.
Bà Freeland nói Canada muốn làm cho thỏa thuận này tiên tiến hơn bằng việc giải quyết vấn đề lao động, môi trường, quyền giới tính và bản địa, cùng nhiều vấn đề khác.
Thủ tướng Canada nói rằng thỏa thuận 3 bên NAFTA là tốt nhất cho Canada, tuy nhiên cũng cởi mở với kịch bản không có Mexico.
“Vì vậy tôi nói rằng, chúng tôi sẵn sàng cho mọi thứ, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cật lực để bảo vệ lợi ích của Canada, bảo vệ việc làm của chúng tôi“, ông Trudeau nói. Thủ tướng Canada sẽ tới thăm Mexico vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này theo lịch trình.
“Nếu chúng ta làm được điều này đúng đắn, lao động của cả ba nước sẽ được hưởng lợi”, BBC dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Canada.
Trong khi, Mexico cho biết NAFTA đã giúp các nhà máy sản xuất và khu vực nông nghiệp của nước này tăng tính cạnh tranh toàn cầu hơn.
Tân Bình (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Mexico Canada quan hệ Mỹ Mexico NAFTA