Điểm lại các cột mốc thời gian Mỹ – Trung đối đầu
- Lâm Nghiên
- •
Từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nước Mỹ bắt đầu đối đầu với sự khiêu khích bá quyền toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi, xung đột nóng lên nhanh chóng từ đàm phán thương mại đến yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán. Hai năm qua, Mỹ -Trung không ngừng đối đầu, sự đối đầu này đã trải đường cho việc Mỹ kiên quyết chống ĐCSTQ.
Mấy tuần gần đây, cùng với việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien, Cục trưởng Cục điều tra Liên bang Christopher Wray, Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Barr, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, liên tiếp có phát biểu nặng ký đối với ĐCSTQ, thái độ chống ĐCSTQ toàn diện của Mỹ thể hiện một cách rõ ràng, chính sách của Mỹ đối với ĐCSTQ đã có sự chuyển biến căn bản. Có nhà phân tích cho biết, quan hệ hai nước Mỹ và Trung Quốc rơi vào trạng thái tồi tệ nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
Từ đàm phán thương mại Mỹ – Trung đến virus Trung Cộng (virus corona mới), từ vấn đề Tây Tạng và Tân Cương đến vấn đề Hồng Kông, từ sự kiện Mạnh Vãn Châu của Huawei đến sự kiện Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Houston, qua hàng loạt sự kiện liên quan đã khiến Mỹ đã nhìn thấy rõ bộ mặt sói chiến của ĐCSTQ “ta chính là lưu manh, ta còn sợ ai”.
Dưới đây là những sự kiện lớn trong quan hệ Mỹ – Trung từ năm 2018 đến nay:
Năm 2018 và 2019 tập trung vào chiến tranh thương mại và chế tài Huawei
Ngày 22/1/2018: Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối với sản phẩm máy giặt, tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 8/3/2018: Tổng thống Trump ra lệnh tăng thuế quan đối với tất cả các sản phẩm sắt thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế lần lượt là 25% và 10%.
Ngày 2/4/2018: Trung Quốc áp mức thuế quan cao nhất là 25% đối với 128 loại hàng hóa Mỹ bao gồm cả máy bay, đậu tương.
Ngày 16/4/2018: Bộ Thương mại Mỹ phát cảnh cáo, cấm ZTE mua linh phụ kiện và dịch vụ của Mỹ, lệnh cấm có hiệu lực 7 năm.
Ngày 3/5/2018: Đoàn đàm phán thương mại Mỹ đến Bắc Kinh, hai nước Mỹ và Trung Quốc tổ chức vòng đàm phán thương mại đầu tiên, nhưng không giải quyết được tranh chấp.
Ngày 22/8/2018: Tòa án Quận Đông New York phát lệnh bắt đối với Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu.
Ngày 24/9/2018: Mỹ bắt đầu áp thuế quan 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá 200 tỷ USD.
Ngày 1/12/2018: Ông Trump và ông Tập Cận Bình có cuộc gặp cấp cao tại Argentina trong khuôn khổ Thượng đỉnh G20; hai bên đàm phán về cải cách mang tính hệ thống đối với vấn đề cưỡng chế chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào thuế quan, xâm nhập mạng và đánh cắp qua mạng, vấn đề dịch vụ và nông nghiệp. Trong cùng ngày, Giám đốc Tài chính của Huawei – bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada.
Ngày 3/5/2019: Washington nhận được điện báo ngoại giao từ ĐCSTQ. Trong điện báo đã sửa đổi một cách hệ thống gần 150 trang bản thảo thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung. Mỗi một chương trong 7 chương tiết của bản thảo, phía Trung Quốc đều đã xóa bỏ cam kết về việc sửa đổi luật của mình, từ đó khiến cho công sức đàm phán trong nhiều tháng qua đổ sông đổ biển.
Ngày 10/5/2019: Mỹ chính thức tăng thuế quan hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có tổng trị giá 200 tỷ USD từ mức 10% lên 25%.
Ngày 1/8/2019: Sau khi cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày không có bất cứ tiến triển nào, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế quan 10% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có tổng trị giá 300 tỷ USD.
Ngày 5/8/2019: Trung Quốc ngừng mua nông sản của Mỹ, tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ với đồng Đô la Mỹ vượt mức 7 RMB/USD. Ông Trump đăng tweet lên án ĐCSTQ thao túng tiền tệ.
Ngày 7/10/2019: Bộ Thương mại Mỹ liệt 28 công ty Trung Quốc vào “Danh sách thực thể”, hạn chế bán sản phẩm và công nghệ Mỹ cho các công ty này, lý do là những công ty này liên quan đến việc tham gia xâm phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Ngày 26/12/2019: Nhiều kênh truyền thông Trung Quốc đăng báo cáo của một kỹ thuật viên giấu tên của một phòng thí nghiệm, nói Vũ Hán bùng phát dịch bệnh mới tương tự như SARS.
Nửa đầu năm 2020, ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, chính quyền Tổng thống Trump muốn truy cứu trách nhiệm
Ngày 15/1/2010: Tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với phía Trung Quốc.
Ngày 21/1/2020: Ca lây nhiễm virus Trung Cộng (virus corona mới, virus viêm phổi Vũ hán) đầu tiên tại Mỹ được xác nhận tại Washington.
Ngày 23/1/2020: ĐCSTQ phong tỏa Vũ Hán và các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc.
Ngày 27/1/2020: Mỹ đưa ra cảnh báo không nên đi đến Trung Quốc.
Ngày 28/1/2020: Giáo sư Charles M. Lieber, Trưởng khoa Hóa học tại Đại học Harvard, đã bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ. Ông bị cáo buộc che giấu việc bản thân tham gia vào “Kế hoạch ngàn nhân tài” do ĐCSTQ khởi động vào năm 2008, và nhận được nhiều lợi ích từ ĐCSTQ.
Ngày 2/2/2020: Mỹ thực thi hạn chế du lịch đối với người đến từ Trung Quốc, cố gắng ngăn chặn virus Trung Cộng lây lan.
Ngày 18/2/2020: Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố 5 cơ quan truyền thông của ĐCSTQ được đưa vào danh sách “phái đoàn nước ngoài”.
Ngày 19/2/2020: ĐCSTQ tuyên bố trục xuất 3 phóng viên của tờ Wall Street Journal.
Ngày 2/3/2020: Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cấp hạn ngạch visa mới cho công dân Trung Quốc làm việc trong 5 tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc; hành động này hạn chế các tổ chức chỉ có thể thuê 100 công dân Trung Quốc làm việc tại Mỹ, và khiến cho khoảng 60 người bị trục xuất về nước.
Ngày 17/3/2020: ĐCSTQ tuyên bố trục xuất phóng viên của New York Times, Wall Street Journal, Washington Post tại Trung Quốc, trong đó có ít nhất 13 phóng viên Mỹ bị ảnh hưởng.
Ngày 13/5/2020: Tổng thống Trump đăng tweet nói, 100 thỏa thuận thương mại cũng không cách nào bù đắp tổn thất – tất cả những người đã không may mất đi sinh mạng.
Ngày 15/5/2020: Bộ Thương mại Mỹ phát đi thông cáo mới, tuyên bố mở rộng phạm vi chế tài đối với Huawei, yêu cầu những nhà sản xuất bên ngoài nước Mỹ cần phải xin cấp giấy chứng nhận xuất khẩu khi xuất khẩu chip bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei sử dụng.
Ngày 18/5/2020: Tổng thống Trump lên án ĐCSTQ khiến cho dịch bệnh phổ biến khắp nơi. Ông cho biết, ĐCSTQ đã mang đến cho thế giới sự tổn thương nghiêm trọng, cũng làm tổn thương đến chính bản thân (Trung Quốc), Trung Quốc (ĐCSTQ) cần phải chịu trách nhiệm với những gì họ đã làm. Chính phủ Mỹ vẫn đang cân nhắc các con đường để tiến hành trừng phạt ĐCSTQ hoặc buộc ĐCSTQ bồi thường kinh tế vì che giấu thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh.
Ngày 28/5/2020: Nhân đại ĐCSTQ thông qua Luật An ninh Quốc gia khu vực Hồng Kông với số phiếu ủng hộ áp đảo.
Ngày 22/6/2020: Mỹ cho biết, sẽ coi 4 cơ quan truyền thông chính của Trung Quốc tại Mỹ là phái đoàn nước ngoài. Chỉ định yêu cầu những cơ quan truyền thông này phải báo cáo danh sách nhân viên và bất động sản của mình cho Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sang tháng 7/2020, quan hệ Mỹ – Trung chuyển biến xấu một cách nhanh chóng, ông Trump liên tiếp ra tay chống lại ĐCSTQ
Ngày 1/7/2020: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông là sự sỉ nhục đối với tất cả các quốc gia, đồng thời ông cho biết Washington sẽ làm theo chỉ thị của Tổng thống Trump, chấm dứt ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông. Trong cùng ngày, ĐCSTQ yêu cầu 4 cơ quan truyền thông Mỹ cung cấp thông tin chi tiết về việc vận hành tại Trung Quốc, đồng thời nói đây là hành động đáp trả việc Mỹ nhắm vào các cơ quan truyền thông của ĐCSTQ tại Mỹ.
Ngày 7/7/2020: Mỹ áp đặt các hạn chế visa đối với các quan chức đảng và chính phủ ĐCSTQ được coi là “thực sự liên quan đến việc chế định hoặc chấp hành các chính sách liên quan đến việc người nước ngoài nhập cảnh vào Tây Tạng”. Cùng ngày, Giám đốc FBI Christopher Wray có bài phát biểu, ông nhấn mạnh ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ, có hơn 2.000 vụ gián điệp kinh tế liên quan đến ĐCSTQ, bình quân mỗi 10 tiếng đồng hồ lại có một vụ án bị truy tố. Cũng trong cùng ngày, quan chức Nhà Trắng và nghị sĩ Quốc hội Mỹ đều cho biết, Mỹ đã chính thức gửi thông báo rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới lên Liên Hiệp Quốc, và lệnh rút khỏi tổ chức này sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7/2021. Trong nhiều trường hợp công khai, Tổng thống Trump đã phê bình WHO xử lý dịch bệnh không thỏa đáng, là con rối của ĐCSTQ.
Ngày 9/7/2020: Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, tiến hành chế tài đối với Bí thư đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Trần Toàn Quốc, cựu Phó Bí thư đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Chu Hải Luân, Giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy Sở Công an Tân Cương Vương Minh Sơn, cựu Bí thư đảng ủy Sở Công an Tân Cương Hoắc Lưu Quân, lệnh chế tài sẽ cấm họ và người nhà họ vào Mỹ.
Ngày 10/7/2020: Ông Trump cho biết, do virus Trung Cộng phổ biến khắp nơi, quan hệ Mỹ – Trung xấu đi quá nhiều, nên hiện tại ông chưa suy nghĩ đến thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn tiếp theo.
Ngày 11/7/2020: Bộ Ngoại giao Mỹ phát cảnh báo an toàn du lịch khi đến Trung Quốc, nguyên nhân là ĐCSTQ gia tăng nguy cơ tùy ý bắt giữ người nước ngoài.
Ngày 13/7/2020: ĐCSTQ tuyên bố thực thi chế tài đối với 3 nghị sĩ Quốc hội Mỹ bao gồm Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio, Dân biểu Chris Smith, còn có cả Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback và Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC – Congressional-Executive Commission on China), hành động này nhằm trả đũa việc Mỹ thực thi chế tài đối với một số quan chức Tân Cương. Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với yêu sách của ĐCSTQ trên phần lớn lãnh hải và tài nguyên biển đang có tranh chấp ở Biển Đông, gọi đó là hành vi “phi pháp”.
Ngày 14/7/2020: Tổng thống Trump ký ban hành Đạo luật Tự trị Hồng Kông và lệnh hành chính hủy bỏ toàn diện đãi ngộ đặc thù đối với Hồng Kông, khởi động chế tài việc Bắc Kinh cưỡng ép thực thi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông.
Ngày 15/7/2020: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hạn chế visa đối với bộ phận nhân viên công ty khoa học công nghệ Trung Quốc như Huawei, do họ “đang ủng hộ vật chất đối với chính quyền xâm phạm nhân quyền trên phạm vi toàn thế giới”.
Ngày 16/7/2020: Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr có bài phát biểu nhắm vào ĐCSTQ, đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với Mỹ và thế giới rằng dã tâm toàn cầu của ĐCSTQ là “vấn đề quan trọng nhất đối với quốc gia chúng ta và cả thế giới trong thế kỷ 21”. Ông William Barr kêu gọi, Mỹ cần đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc dưới sự thống trị của ĐCSTQ. Ông nói, vì sự tự do và phồn vinh trong tương lai, doanh nghiệp tư nhân Mỹ và các cơ quan công cộng cần hợp chống lại ĐCSTQ đang cố gắng chiếm trước điểm cao nhất của kinh tế thế giới, đồng thời đối kháng lại “sự thống trị độc tài và hủ bại” của ĐCSTQ.
Ngày 22/7/2020: Mỹ ra lệnh cho Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Houston phải đóng cửa trước ngày 24/7. Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích rằng, mục đích đóng cửa là vì để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin riêng tư của người Mỹ.
Ngày 23/7/2020: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có bài phát biểu với chủ đề “Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc và Tương lai của thế giới tự do”, nhấn mạnh quốc gia tự do cần phải nỗ lực bảo vệ tự do, ông cũng kêu gọi các nước đồng minh và người Trung Quốc hợp tác cùng Mỹ cùng nhau thay đổi hành vi của ĐCSTQ, nếu thế giới tự do không thay đổi ĐCSTQ, thì thế giới tự do sẽ bị ĐCSTQ thay đổi.
Ngày 24/7/2020: ĐCSTQ ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (tỉnh Tứ xuyên, Trung Quốc), đây là hành động trả đũa Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Houston. Trong cùng ngày, Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Houston đóng cửa và được quan chức Mỹ tiếp quản.
Lâm Nghiên / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump ĐCSTQ Quan hệ Mỹ - Trung Dòng sự kiện Xung đột Mỹ - Trung