Doanh thu bán dầu của Nga giúp ông Putin tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine
- Minh Ngọc
- •
Bất chấp nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này vì cuộc xâm lược Ukraine, các chuyên gia tin rằng doanh thu bán dầu sẽ cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục duy trì cuộc chiến của mình trong tương lai gần.
Tiến sĩ Maria Snegovaya, một chuyên gia về chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, đồng thời là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Virginia Tech nói với Newsweek, “giá dầu tại thời điểm này chắc chắn có thể giúp bù đắp [phần thiệt hại do] các lệnh trừng phạt”.
Bà Snegovaya nhận xét thêm: “Hơn nữa, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga lúc này nhiều hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Và chiến tranh lại có lợi Nga theo phương diện này, vì nó tiếp tục làm tăng giá dầu.”
Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và các quốc gia khác áp đặt lên họ vì cuộc xâm lược Ukraine. Quốc gia này đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2022. Chính phủ Vương quốc Anh hồi tháng 4 dự đoán Nga sẽ sớm rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với truyền thông Nga, các nhà tài phiệt và các quan chức Điện Kremlin, cũng như chính Tổng thống Putin. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp của Nga cũng đã bị trừng phạt, và Mỹ còn cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng 3. Tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý thông qua một gói trừng phạt mới, bao gồm lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu thô của Nga vào cuối năm nay.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga vẫn là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Các nhà phân tích cho rằng, Nga có thể cố gắng bù đắp các lệnh trừng phạt mới của châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu Nga, bằng cách tìm những khách hàng khác mua dầu thô của mình, hoặc bằng cách cắt giảm sản lượng dầu để duy trì giá cao.
Ngoài việc là đồng minh quan trọng của Moscow, Trung Quốc còn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trước chiến tranh. Sau cuộc xâm lược vào cuối tháng 2, hoạt động mua dầu của Bắc Kinh từ Moscow liên tục tăng lên: Trung Quốc đã mua 14,5 triệu thùng dầu từ Nga từ tháng 3 đến tháng 5, “mức tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái”, theo một phân tích tuần trước của CNBC từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler.
CNBC cũng lưu ý, Ấn Độ gần đây đã tăng cường mua dầu từ Nga. Tờ báo trích dẫn dữ liệu của Kpler cho thấy, Ấn Độ đã mua 11 triệu thùng từ Nga trong tháng 3, sau đó tăng lên 27 triệu thùng vào tháng 4 và 21 triệu thùng vào tháng 5.
Tiến sĩ Snegovaya nhìn nhận, mặc dù các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nhưng chúng không hề giáng một đòn thực sự mạnh nào bởi họ vẫn có thể xuất khẩu dầu mỏ.
Bà nhấn mạnh: “Ngay cả khi giá dầu thấp hơn, quan trọng là chi phí cho chiến tranh tính đến nay vẫn khá thấp đối với ngân sách Nga, và Điện Kremlin có thể tiếp tục cung cấp tài chính [cho cuộc chiến] ở mức như hiện tại trong một thời gian rất dài.”
Trong khi đó, ông Jeffrey Schott, một chuyên gia về thương mại và trừng phạt, đồng thời là thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, phát biểu với Newsweek rằng, dù thế nào đi nữa các biện pháp trừng phạt cuối cùng vẫn sẽ gây tổn hại đến khả năng gây chiến của Putin.
Ông Schott chỉ ra: “Thu nhập từ xuất khẩu dầu bị đánh thuế nặng ở Nga và tạo ra một lượng lớn doanh thu cho chính phủ. Nhưng các biện pháp trừng phạt gây ra nhiều tác động hơn là doanh thu. Các biện pháp kiểm soát tài chính và xuất khẩu đã ngăn chặn một cách hiệu quả các yếu tố đầu vào cần thiết cho các ngành công nghiệp và quân đội của Nga, điều này theo thời gian sẽ làm giảm khả năng quân sự của nước này.”
Ông nói thêm: “Nhưng điều đó vẫn không đủ sớm để ngăn chặn cuộc tàn sát hiện tại ở Ukraine.”
Từ khóa xuất khẩu dầu của Nga Dầu mỏ Nga Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine