Bộ Nội vụ Ma-rốc cho biết số người chết trong vụ động đất mạnh vào cuối tuần qua đã tăng lên 2.862 người vào thứ Hai (11/9, giờ địa phương). Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã bắt đầu tiếp cận được một số ngôi làng miền núi xa xôi nơi gần tâm chấn nhất.

Cũng theo Bộ Nội vụ Ma-rốc, số người bị thương do động đất là hơn 2.500 người.

Một số tuyến đường gần Marrakesh, thành phố lớn thứ tư của Ma-rốc vẫn bị chặn bởi đất đá do hậu quả trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra vào tối muộn 8/9. Dù vậy, các đội tìm kiếm cứu nạn dường như đã đến được một số khu vực miền núi xa xôi vào thứ Hai (11/9).

Tờ New York Times đưa tin rằng tại Amizmiz, thị trấn thuộc tỉnh Al Haouz, có thêm nhiều xe cứu thương và nhân viên y tế trên các tuyến phố hơn ngày hôm trước và cũng có thêm nhiều người sống sót tạm trú trong các lều tạm cứu trợ thảm họa.

Tuy nhiên, hàng nghìn tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, và hàng trăm nghìn người dân Ma-rốc vẫn đang phải sinh hoạt trong tình trạng không có điện.

Chính phủ Ma-rốc đang bị chỉ trích vì phản ứng chậm và điều phối cứu hộ kém dẫn tới nhiều người sống sót sau động đất đã đang phải tự lo cho mình.

Theo Wall Street Journal, cư dân tại khu vực bị động đất và các nhóm cứu trợ nhân đạo cũng than phiền rằng hỗ trợ nước ngoài và nội địa đang tiến triển chậm.

ABC News hôm Chủ nhật (10/9) đưa tin rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washingtotn vẫn đang đợi giới chức Ma-rốc trả lời về việc họ có thể giúp đỡ thế nào.

Phát ngôn viên của chính phủ Ma-rốc, ông Mustapha Baitas vào cuối ngày 10/9 đã lên tiếng phản bác một số chỉ trích. Ông lập luận rằng hoạt động tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả “nhanh và hiệu quả” đã đang tăng lên.

Quân đội Ma-rốc nói họ đang tăng viện cho các đội nhóm tìm kiếm cứu nạn, cung cấp nước uống và phân phát thực phẩm, lều bạt, chăn chiếu.

Thủ tướng Ma-rốc Aziz Akhannouch nói với truyền thông địa phương rằng chính phủ sẽ bồi thường cho các nạn nhân, nhưng không cung cấp thêm thông tin cụ thể.

Ông Baitas cho biết Ma-rốc đã chấp nhận những lời đề nghị hỗ trợ từ Tây Ban Nha, Anh, UAE và Qatar. Anh và Tây Ban Nha đã gửi các chuyên gia tìm kiếm cứu nạn, cùng với nhiều chó đánh hơi tới hiện trường thảm họa. Các đội cứu hộ từ UAE và Qatar cũng sẽ sớm đến Ma-rốc.

Thảm họa thiên nhiên xảy ra vào tối muộn 8/9 là trận động đất chết chóc nhất tại Ma-rốc kể từ năm 1960 và là mạnh nhất từ năm 1900.

Hải Đăng (t/h)