Đức kêu gọi rút Luật An ninh HK, điều tra về các trại cải tạo ở Tân Cương
- Lê Xuân
- •
Hôm 1/9, tại chặng dừng chân cuối của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du châu Âu, Đức đã kêu gọi Trung Quốc rút lại Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông và cho phép các quan sát viên quốc tế đến Tân Cương tiếp cận những người Duy Ngô Nhĩ tại đây, theo hãng tin AP.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Berlin là điểm dừng cuối cùng trong chuyến công du 5 nước châu Âu khi ông tìm cách củng cố các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với EU trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.
Theo SCMP, bốn trong số năm quốc gia châu Âu mà Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm đã công khai bày tỏ mối quan ngại về tình hình Hồng Kông, khiến quan chức Trung Quốc luôn trong thế phòng thủ và liên tục lặp lại các luận điệu của Bắc Kinh đối với đặc khu hành chính.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bác bỏ lời cam đoan của ông Vương rằng các quyền tự do của Hồng Kông được bảo vệ theo luật mới.
“Ông cần biết rằng mối quan tâm của chúng tôi về ảnh hưởng của Luật An ninh vẫn chưa dừng lại,” ông Maas nói. “Chúng tôi muốn nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’ được áp dụng đầy đủ nhất có thể.”
Ông Maas cũng kêu gọi các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp diễn ra ở Hồng Kông “nhanh chóng và không bị cản trở.” Cuộc bầu cử, vốn được lên kế hoạch vào tháng 9, đã bị hoãn lại do đại dịch virus corona. Các nhóm đối lập dân chủ coi việc trì hoãn này là bất hợp pháp.
Luật An ninh đã khiến Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông. Các nước gồm Canada, Australia, Anh và Đức cũng đã đình chỉ các thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông.
Vào tháng 7, Liên minh châu Âu đã đồng ý hạn chế xuất khẩu thiết bị có thể được sử dụng để giám sát và trấn áp sang Hồng Kông.
Cùng thời điểm ông Vương Nghị đến Berlin, nhà hoạt động Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law) đã tổ chức một cuộc biểu tình có vài trăm người tham gia bên ngoài Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Berlin hôm 1/9, kêu gọi Đức lên tiếng về Luật An ninh.
Nathan Law đã rời Hồng Kông sang Anh kể từ khi Luật An ninh có hiệu lực và cho biết sẽ tiến hành các vận động quốc tế cho vấn đề dân chủ Hồng Kông.
Cùng tham gia với Nathan Law là những người vẫy cờ xanh và trắng của người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc thiểu số đang phải chịu sự đàn áp và bức hại ở Tân Cương.
Theo LHQ, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Turkic khác đã và đang bị giam giữ trong các trại cải tạo.
Ông Maas cho biết ông đã thảo luận về các trại cải tạo này với Ngoại trưởng Trung Quốc và đề nghị Trung Quốc cấp quyền tiếp cận các trại cho một phái đoàn quan sát viên của Liên Hợp Quốc.
“Dù là Hồng Kông hay Tân Cương, cả hai đều là những vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi không muốn có bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào xã hội Trung Quốc,” ông Vương nói.
Thậm chí trước đó, trong bài phát biểu tại buổi họp báo ở Paris, Pháp hôm Chủ Nhật (30/9), ông Vương Nghị còn tuyên bố rằng tất cả những người được đưa tới các “trung tâm giáo dục lại” ở Tân Cương đã được thả ra và đã tham gia vào thị trường lao động.
Tuyên bố nêu trên của ông Vương là trái ngược với thông tin từ các nhóm nhân quyền và các gia đình nạn nhân người Duy Ngô Nhĩ cho biết việc giam giữ các nhóm thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương vẫn tiếp diễn và họ đã mất liên lạc với người thân.
Tại cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm song phương, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã chỉ trích “những lời đe dọa” của ông Vương Nghị đối với chuyến đi của Chủ tịch Thượng viện Séc tới Đài Loan.
Hôm thứ Hai (31/8), ông Vương Nghị đã nói rằng Trung Quốc sẽ khiến Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil “phải trả giá đắt cho hành vi thiển cận và đầu cơ chính trị của mình”.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (1/9), Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục cáo buộc ông Vystrcil “vượt qua ranh giới đỏ” khi công nhận Đài Loan là một quốc gia, chống lại chính sách “một Trung Quốc”.
Những lời đe dọa của ông Vương đối với một quốc gia EU khác khi ở Đức đã khiến nhiều chính trị gia Đức nổi giận, nhấn mạnh sự cần thiết của việc EU cần đoàn kết để hỗ trợ Cộng hòa Séc.
Ông Maas cảnh báo rằng EU đối xử với các đối tác nước ngoài của mình một cách tôn trọng và mong đợi điều tương tự được đáp lại, đồng thời nói thêm: “Việc đe dọa không phù hợp với điều này.”
Đức, hiện đang giữ chức Chủ tịch EU, có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này. Một số nhà lãnh đạo EU khác dự kiến cũng sẽ tham dự với ý định gây áp lực buộc ông Tập phải cung cấp cơ hội tiếp cận thị trường rộng rãi hơn cho các công ty EU như một phần của thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc vẫn đang được đàm phán.
Sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì sẽ đến thăm Hy Lạp và Tây Ban Nha trong tuần này, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Lê Xuân (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ Trung Quốc - Đức Ngoại trưởng Đức Heiko Maas Vương Nghị Dòng sự kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trại cải tạo ở Tân Cương Luật An ninh quốc gia Hồng Kông