Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit hôm thứ Hai (27/5) cho biết Berlin xem yêu cầu của ông Vladimir Zelensky về “lá chắn tên lửa” của NATO đối với Ukraine là một bước đi quá xa.

r shutterstock 2003264729
Lá cờ Đức trên tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag). (Ảnh: Anna Fevraleva / Shutterstock)

Phát biểu với tờ New York Times tuần trước, nhà lãnh đạo Ukraine lập luận rằng NATO nên bắn hạ tên lửa của Nga từ lãnh thổ của họ, giống như Mỹ và Anh đã làm với tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhắm vào Israel.

“Theo quan điểm của chúng tôi, đó sẽ là sự tham gia, sự tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này. Và đó là điều chúng tôi không hướng tới”, ông Hebestreit nói với các phóng viên ở Berlin.

Bình luận của ông Hebestreit được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ quan điểm này và nói với hãng tin Welt am Sonntag của Đức rằng NATO “sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột”.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng “không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine”.

Thay vào đó, người đứng đầu NATO đã đề xuất đồng ý với một yêu cầu khác của ông Zelensky, đó là dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do NATO cung cấp trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, một số thành viên của khối đã phản đối quan điểm này.

Ông Hebestreit né tránh câu hỏi liệu Kiev có đảm bảo với Berlin rằng họ sẽ không tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Đức cung cấp hay không, ông nói rằng những thỏa thuận như vậy “phải được bảo mật”.

NATO cũng cam kết sẽ gửi cho Kiev thêm vũ khí, đạn dược và thiết bị, ngay cả khi kho dự trữ của nước này đang cạn kiệt. Ông Stoltenberg đã đưa ra kế hoạch 5 năm để cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 100 tỷ euro (108 tỷ USD), nhưng một số thành viên của khối được cho là lo ngại về nguồn tiền sẽ đến từ đâu.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng việc chuyển giao như vậy sẽ chỉ kéo dài cuộc giao tranh mà không làm thay đổi kết quả và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Thanh Tâm, theo RT