Hôm Thứ Ba (19/11) các nước Baltic bắt đầu điều tra về vụ cáp quang biển bị đột ngột ngừng hoạt động hôm Chủ Nhật, và cho rằng đó là do hoạt động cố ý phá hoại, và đặt nghi ngờ rằng đó là do Nga. Hiện nay chưa có bằng chứng nào được đưa ra để xác thực cáo buộc đó. Phía Nga cũng không thừa nhận việc phá hoại công trình dân sự. Câu chuyện xảy ra khi chiến tranh Ukraine tiến vào giao đoạn nhạy cảm, khi Tổng thống Đắc cử Donald Trump của Đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ sớm kết thúc chiến tranh Ukraine. Còn các phe chủ chiến của phương Tây dường như đang đẩy mâu thuẫn của xung đột này lên cao khi trực tiếp vượt lằn ranh đỏ mà Nga nêu ra.

r shutterstock 1156844725
Cáp ngầm dưới biển (Ảnh: Norimoto/Shutterstock)

Nhiều nước châu Âu không trực tiếp cáo buộc thủ phạm là Nga, trong khi các nước như Đức và Ba Lan cho rằng đây có thể là một hành động phá hoại từ Nga.

Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết sau cuộc họp của một số ngoại trưởng châu Âu tại Warsaw: “Nếu Nga không ngừng thực hiện các hành vi phá hoại ở châu Âu, Warsaw sẽ đóng cửa các lãnh sự quán còn lại của Nga ở Ba Lan”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nhưng Đức phải giả định rằng đó là do phá hoại [từ Nga].

Phát biểu tại một cuộc họp thường kỳ của các bộ trưởng quốc phòng EU, ông nói: “Không ai tin rằng những dây cáp này vô tình bị cắt. Tôi cũng không muốn tin là những thiệt hại vô tình từ neo tàu”.

Một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Lithuania cho biết hải quân Lithuania đã tăng cường tuần tra. Văn phòng Tổng chưởng lý nước này cho biết họ đang thu thập thông tin để xác định xem có nên mở một cuộc điều tra chính thức hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Reuben Breckelmans nói rõ rằng ông không có chứng cứ để quy trách nhiệm, nhưng nói: “Chúng tôi thấy có hoạt động ngày càng thường xuyên trong vùng biển của chúng tôi đặc biệt là Nga, nhằm mục đích gián điệp và thậm chí có thể phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi”.

Trong một tuyên bố chung hôm thứ Ba, ngoại trưởng của 5 nước gồm Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và Anh cho biết: “Hoạt động hỗn hợp ngày càng leo thang của Moscow đối với các nước NATO và EU là chưa từng có về loại hình và quy mô, gây ra rủi ro an ninh đáng kể”.

Tuyên bố mạnh mẽ này được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu điều tra cáp biển Baltic hoàn toàn bị cắt đứt. Nhưng một nguồn tin cho biết tuyên bố này không phải là phản ứng trực tiếp đối với việc cắt cáp.

Chủ sở hữu cáp: Bị hư hỏng hoàn toàn

Các công ty sở hữu hai dây cáp quang bị cắt, một nối Phần Lan và Đức và một nối Thụy Điển và Lithuania, cho biết họ không biết nguyên nhân của sự cố.

Công ty viễn thông và an ninh mạng Cinia thuộc sở hữu nhà nước Phần Lan đã lên tiếng rằng tuyến cáp dài 1200 km nối Helsinki với cảng Rostock của Đức hôm thứ Hai (18/11) đã ngừng hoạt động vào khoảng 2:00 sáng theo giờ GMT.

Trước khi bắt đầu sửa chữa, công ty cũng cho biết họ không thể xác định nguyên nhân, sửa chữa thường mất từ 5 – 15 ngày.

Công ty viễn thông Telia Lietuva của Lithuania (một phần của tập đoàn Telia của Thụy Điển) cho biết, đường kết nối Internet dài 218 km giữa Lithuania và đảo Gotland của Thụy Điển đã bị hỏng hôm Chủ nhật vào khoảng 8:00 sáng theo giờ GMT.

Người phát ngôn của công ty chủ sở hữu và nhà điều hành cáp là Arelion cho biết: “Đây không phải thiệt hại một phần, mà là thiệt hại hoàn toàn”.

Biển Baltic ở Bắc Âu là tuyến vận chuyển thương mại sôi động, những nước bao quanh có 9 nước bao gồm cả Nga.

Năm ngoái, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới biển và một số dây cáp viễn thông đã bị hư hại nghiêm trọng ở đáy biển Baltic, gây ra cảnh báo trong khu vực. Các nhà điều tra ở Phần Lan và Estonia cho biết, lý do bị hư hại có thể do kéo neo của một tàu container Trung Quốc, nhưng không rõ thiệt hại là do tai nạn hay cố ý.

Năm 2022 đường ống dẫn khí đốt “Nord Stream” nối Nga với Đức đã bị phá hủy bởi một vụ nổ ở biển Baltic, hiện vụ việc vẫn đang được chính quyền Đức điều tra.