Ethan Gutmann: Tội ác của ĐCSTQ sẽ ám ảnh chúng ta nhiều thế kỷ tới
- Ethan Gutmann
- •
Ethan Gutmann là một phóng viên lâu năm, nhà báo, nhà hoạt động, chuyên gia về Trung Quốc. Ông từng được đề cử Nobel Hòa Bình cho những nỗ lực nhằm kêu gọi thế giới chú ý đến tình trạng nhân quyền của Trung Quốc. Ông là tác giả của hai cuốn sách gây chú ý: “Losing the New China” (Tạm dịch: Thất bại trong tay một Trung Quốc mới) và “The Slaughter” (Tạm dịch: Đại thảm sát). Lá thư có tựa “A personal note to the British Foreign Office” (Tạm dịch: Một ghi chép cá nhân gửi tới Bộ ngoại giao Anh) được Ethan Gutmann công bố trong bối cảnh một tòa án nhân dân độc lập tại London đưa ra kết luận về tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc; trong khi đó, ở phía đối lập, dù chịu sức ép của nhiều nghị sĩ, các quan chức đứng đầu nước Anh vẫn im lặng trước một tội ác chống lại loài người. Trong lá thư của mình, ông Ethan Gutmann cảnh báo rằng tội ác của ĐCSTQ sẽ là nỗi ám ảnh cho chúng ta trong nhiều thế hệ tới.
Dưới đây là bản dịch, bản gốc xem tại đây.
*
Tòa án Trung Quốc tại London sẽ sớm kết thúc, nhưng bộ máy đối ngoại của Anh quốc thì vẫn sẽ tồn tại. Vì vậy tối nay, tôi muốn thẳng thắn trao đổi với Bộ Ngoại giao Anh. Cũng vì tính trực diện ấy, tôi không muốn phải nói về Tòa án Trung Quốc – hay về vai trò của bản thân tôi đối với tòa án đó – như là một tòa án có thể đưa phán quyết mang tính tuyệt đối không thể nghi ngờ.
Ngoài giáo sư Arthur Waldron ra, Tòa án Trung Quốc không có chuyên gia nào khác về Trung Quốc. Tòa án này, thực tế, là một ban bồi thẩm – một ban bồi thẩm vô cùng có kiến thức, hội tụ những cá nhân có danh tiếng, có uy tín. Trong suốt một năm, những người này đã đọc các nghiên cứu về thu hoạch tạng – một cách toàn bộ, đầy đủ, có hệ thống. Họ cũng gọi các nhân chứng và thẩm vấn chéo nhân chứng. Sau đó họ đưa ra một kết luận mà có lẽ giới chức Anh đều biết tới.
Liệu có công bằng không khi nói các thành viên của Tòa đã đặt cược cả uy tín của mình khi nghiên cứu về vấn đề này? Tôi nghĩ là có. Và một số nghiên cứu là do tôi viết ra. Tuy nhiên, tôi là con người, tôi có thể sai, và họ cũng vậy. Và nếu các bạn [thuộc giới chức ngoại giao Anh] vẫn đang hoài nghi, thì tốt thôi, tôi cũng hiểu được điều ấy. Hoài nghi cũng có thể coi là quyền của con người, là tư thế cơ bản nhất của một người khi đối diện với các vấn đề trong một xã hội tự do. Và mỗi chúng ta đều phải rất cẩn thận trước khi chấp nhận một cáo buộc về một tội ác sát nhân hàng loạt.
Vì vậy tôi muốn nhân cơ hội hôm nay để quay trở lại quá khứ, quay trở về vấn đề căn bản này, quay trở về nguyên nhân tôi viết ra nghiên cứu của bản thân về tội ác sát nhân hàng loạt. Và khi làm điều đó, tôi cũng muốn làm rõ vấn đề khả tín hay thiên lệch – vấn đề mà Bộ Ngoại giao Anh ngụ ý trong suốt quá trình làm việc và đưa ra kết luận [của Tòa án Trung Quốc]. Nói cách khác, tôi muốn người đọc ghi chép này, và những người có liên quan, tự trở thành một thẩm phán [khi xem xét vấn đề thu hoạch tạng tại Trung Quốc].
Đầu tiên cần nói sự thật hiển nhiên: Tôi không phải thành viên Pháp Luân Công, không phải người Hồi giáo, và rõ ràng cũng không phải người Trung Quốc. Tôi bắt đầu mong muốn điều tra về việc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc một cách khá tình cờ. Tôi đã viết về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát người tập Pháp Luân Công cùng những người bất đồng chính kiến khác từ 2002, trong khoảng thời gian tôi rời Trung Quốc để hoàn thành cuốn sách đầu tiên của mình, “Losing the New China” (Tạm dịch: Thất bại trong tay một Trung Quốc mới). Năm 2005, tôi đang suy nghĩ về cuốn sách tiếp theo của mình. Pháp Luân Công rõ ràng là vấn đề lớn nhất tại Trung Quốc, nhưng tài liệu lúc đó vô cùng thiếu hụt. Các nghiên cứu của phía Pháp Luân Công – cũng dễ hiểu thôi – là cảm tính; còn những người tự nhận là kẻ ngoài cuộc lại sửa chữa điều ấy bằng cách thủ tục hóa mọi thứ, bỏ qua vấn đề tín ngưỡng, hoặc thay vì phỏng vấn nhân chứng thì lại phát các tờ thăm dò ý kiến trong những buổi tụ họp [của Pháp Luân Công ở nước ngoài].
Điều ấy phần nào lý giải tại sao tôi vẫn giữ thái độ hoài nghi khi các cáo buộc đầu tiên về thu hoạch tạng được tờ Epoch Times công bố, hay thậm chí là khi báo cáo [điều tra độc lập về thu hoạch tạng] “Bloody Harvest” (Tạm dịch: Thu Hoạch Đẫm Máu) của hai ông Kilgour và Matas được công bố vào năm 2006. Tuy nhiên tôi tin chắc rằng cần có tài liệu phỏng vấn nhân chứng về mâu thuẫn giữa nhà nước Trung Quốc và nhóm Pháp Luân Công. Vì vậy tôi đã bắt đầu một quá trình phỏng vấn rất dài để bổ sung cho chỗ thiếu hụt tài liệu đó.
Một trong những buổi phỏng vấn đầu tiên của tôi là ở Toronto, với ba người phụ nữ vừa thoát khỏi trại lao động [và tị nạn ở Canada]. Ở thời điểm đầu tiên đó, tôi đã kịp nhận ra rằng câu chuyện của họ khá tương tự – thỉnh nguyện tại Thiên An Môn, bị bắt, bị giam, rồi nhà tù cố gắng cưỡng ép từ bỏ Pháp Luân Công bằng việc tra tấn, tẩy não, đe dọa người thân, làm nhục.
Một người phụ nữ – tên Wang – phát âm tiếng Anh kém nhất, nhưng lại có vẻ ngoài rất đáng tin cậy. Ở một thời điểm, Wang kể về việc kiểm tra sức khỏe [trong trại lao động] và gọi nó là “khôi hài”. Tôi yêu cầu cô giải thích. Tuy nhiên Wang không coi việc đó là quan trọng, và lại tiếp tục kể câu chuyện của cô. Tôi bắt cô quay trở lại – Cô tuyệt thực à? Không. Phải uống thuốc? Không. Có ai bị kiểm tra cùng cô? Có, những người tập Pháp Luân Công khác. Kiểm tra thế nào? Kiểm tra nước tiểu, lấy nhiều máu, điện tâm đồ, nghe xung quanh vùng bụng và háng, chụp x-quang, sau đó bác sĩ dành nhiều thời gian soi ánh sáng vào mắt cô. Có kiểm tra trường thị giác không? Không. Kiểm tra đọc và hội tụ? Không. Không kiểm tra thị lực, không kiểm tra nhìn thực tế? Không. Kiểm tra tai, mũi, họng, sinh dục, phản xạ? Không. Thực tế, đó không thể là một cuộc kiểm tra thể chất thông thường. Việc kiểm tra này là để xem xét gan, thận, tim và giác mạc của cô ấy – những cơ quan tạng có thể sử dụng được.
Wang dường như không hiểu tại sao cô bị hỏi những thứ đó. Cô ấy có vẻ khó chịu với tôi, một tên da trắng cứ hỏi đi hỏi lại về việc kiểm tra sức khỏe vô thưởng vô phạt mà không chú ý tới cuộc chiến tín ngưỡng của cô. Lúc ấy tôi không tin rằng Wang có thể là một ứng viên phù hợp cho việc thu hoạch tạng – cô ta quá già, tôi nghĩ – nhưng sau này tôi nhận ra rằng mình đã sai. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác rùng mình khi sự hoài nghi [về tội ác thu hoạch tạng] biến mất.
Tôi nhắc tới cuộc phỏng vấn Wang vì ba lý do:
Đầu tiên, không có gì có thể sánh với khoảnh khắc khi bạn nhận ra rằng tội ác này là có thật. Điều đó cũng khiến cho bất cứ một cuộc phỏng vấn mang tính đột phá nào mà tôi thực hiện sau đó – từ người tị nạn Pháp Luân Công tới nhân viên y tế Duy Ngô Nhĩ, tới các bác sĩ phẫu thuật Đài Loan – không có cuộc phỏng vấn nào còn khiến tôi bất ngờ nữa.
Thứ hai, nó cho tôi thấy rằng hệ thống quan niệm của tôi đã lạc hậu. Sau khi cuốn “The Slaughter” (Đại Thảm Sát) được xuất bản vào năm 2014, nghiên cứu tiếp theo của tôi trong cuốn “Bloody Harvest/The Slaughter: An Update” (Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát: Bản cập nhật) công bố năm 2016, đã cho thấy Trung Quốc đạt được những bước tiến dài trong việc cấy ghép tạng hơn những gì chúng ta biết. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật như ECMO [oxy hóa màng ngoại bào, cho phép lưu giữ nội tạng tươi mới trong môi trường nhân tạo], Wang chỉ già hơn 1 đến 2 tuổi so với một ứng viên hoàn toàn phù hợp cho việc thu hoạch tạng.
Điều thứ 3, cuộc phỏng vấn với Wang là một cuộc phỏng vấn quan trọng và hiếm có với tôi: một cuộc phỏng vấn không thiên lệch.
Thiên lệch – sự chấn thương tâm lý, hoặc những cố gắng vô thức trong việc khiến lời chứng phù hợp với câu chuyện về thu hoạch tạng, đó là một vấn đề nguy hiểm không thể tránh được, và sẽ khiến nghiên cứu của tôi mất đi độ khả tín.
Bộ Ngoại giao Anh: Xin hãy lắng nghe.
Và hãy hiểu điều này: Mặc dù sự thiên lệch ấy có vẻ ngớ ngẩn, nhưng còn một điều ngớ ngẩn và mù quáng hơn – đó là việc các phóng viên, các tổ chức phi chính phủ, các nhà điều tra chính phủ cho rằng lời chứng của Pháp Luân Công (hay người Duy Ngô Nhĩ, hay người Tây Tạng về vấn đề thu hoạch tạng) là không đáng tin cậy. Điều này chẳng khác gì việc phủ nhận hoàn toàn giá trị của một đồng tiền chỉ vì có tiền giả bị đưa vào hệ thống.
Vì thế, đối với hơn 50 người tị nạn Pháp Luân Công từ hệ thống Lao Cải (trại lao động cải tạo, trung tâm tâm thần, trại giam, hắc lao) mà tôi phỏng vấn trên 3 châu lục, tôi đã tránh để lộ bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy tôi đang chú ý tới việc thu hoạch tạng từ nhân chứng. Tôi chỉ đơn giản nói rằng tôi đang viết “một tư liệu lịch sử toàn diện về mâu thuẫn giữa nhà nước Trung Quốc và Pháp Luân Công”.
Và tôi đã thật sự làm như thế, bằng việc tiếp cận mọi chi tiết: hỏi về nền tảng tín ngưỡng của họ, hỏi xem họ tới với Pháp Luân Công như thế nào, họ bị bắt ra sao, họ trải qua tra tấn như thế nào – những điều này đều được phỏng vấn kỹ lưỡng.
Đó cũng là những chủ đề mà những người tập Pháp Luân Công này, sau khi trải qua khó nạn, rất muốn nói đến. Và nó cũng khiến cho họ quen với các câu hỏi chi tiết của tôi: Lính canh đánh bạn gục xuống à? Khi đó sàn nhà có màu gì? – Những câu hỏi như vậy khiến cho các câu hỏi chi tiết [mà tôi thực sự muốn hỏi] về quá trình kiểm tra y tế, và về sự mất tích của những người tập [trong tù] trở nên phù hợp.
Đây là một cách làm đòi hỏi khắt khe, nhất là đối với phiên dịch viên của tôi. Điều này cũng khiến cho thời gian trở thành yếu tố quan trọng nhất. Thời gian để nhân chứng bộc lộ, để nhân chứng nói về tín ngưỡng, để họ cởi mở, thậm chí để họ nói cho tôi về những điều tôi cần biết, hơn là về những gì họ biết. Tôi sẽ ở đó và chờ đợi câu chuyện của họ.
Điều này cũng lý giải tại sao hầu hết các cuộc phỏng vấn của tôi kéo dài trung bình 4 tiếng đồng hồ, và nhiều cuộc phỏng vấn được thực hiện trong vòng 2 tới 3 ngày. Đối với trường hợp của Wang Yuzhi, tôi đã khuyến khích cô kể với tôi cả về những giấc mơ trong khi bị giam giữ, trên cơ sở suy đoán rằng có thể trong tiềm ý thức cô biết rằng mình là một “bệnh nhân” trong một bệnh viện quân đội [đang chờ để bị thu hoạch tạng] – điều mà lý trí cô phản đối. Và ý tưởng của tôi là đúng, Wang mơ thấy “thịt rơi ra từ các áo khoác blouse trắng”.
Những năm qua, tôi đã thu thập các băng phỏng vấn và ghi chép có được, gửi chúng tới Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, cùng các tổ chức khác – những tổ chức, ở một thời điểm trước đây, đã từng nghi ngờ về tính khả tín của cáo buộc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm. Không một tổ chức nào xem xét chúng cẩn thận. Nếu có, họ [từ sớm] đã có thể tìm thấy 8 trường hợp người tị nạn Pháp Luân Công trải qua việc kiểm tra y tế phục vụ cho việc thu hoạch tạng – những bằng chứng được điều tra kỹ lưỡng.
Nếu như việc phỏng vấn nhân chứng thoát khỏi trại lao động cải tạo là khó khăn, thì việc phỏng vấn các cựu nhân viên y tế và các cựu nhân viên công an tới từ Trung Quốc Đại Lục cũng khó khăn không kém. Vấn đề thiên lệch hoặc làm chứng có chọn lọc tới từ việc họ muốn bảo vệ bản thân (đặc biệt trước các vấn đề chính trị và vấn đề liên quan tới nghề nghiệp hiện tại), hoặc muốn bảo vệ gia đình ở Trung Quốc, hoặc cả hai.
Một trường hợp ngoại lệ? Cựu bác sĩ phẫu thuật Enver Tohti. Dù có gia đình tại Trung Quốc (và đối diện với nguy cơ bị kiện tại Anh), ông vẫn đứng ra làm chứng tại Westminster rằng mình từng trực tiếp tham gia thu hoạch nội tạng sống. Ở phía đối diện, một nửa các nhân viên y tế và pháp luật mà tôi ghi chép trong “The Slaughter” (Đại Thảm Sát), bao gồm hai nhân chứng quan trọng của Chương 1, “Thủ tục ở Tân Cương”, đã yêu cầu được giữ kín danh tính và địa danh. Bởi vì họ có gia đình ở Trung Quốc, yêu cầu của họ cần được tôn trọng. Tuy nhiên không có gì bằng việc làm chứng công khai. Việc làm chính nghĩa của bác sĩ Enver Tohti, thừa nhận tội ác của bản thân – được lặp lại tại tất cả các chính phủ trên thế giới nơi ông làm chứng – là tiêu chuẩn cao nhất cho y khoa thế giới.
Một số nhân chứng, như Hao Fengjun, từ phòng 6-10, [một tổ chức ngoài vòng pháp luật chịu trách nhiệm đàn áp Pháp Luân Công], hay “Chủ tịch X” từ Thượng Hải, nói rằng họ không hề biết gì về việc thu hoạch tạng, và tôi cũng tin điều đó. Tuy nhiên việc làm chứng thiên lệch có thể thấy từ giám đốc trại Lao động Longshan, ông Han Guangsheng. Ông Han đã chạy sang tị nạn tại Canada, tuy nhiên yêu cầu tị nạn của ông ta không được chính phủ Canada chấp thuận. Han ở trong tình trạng không có quốc tịch, và vì thế, mong muốn được nhìn nhận như là một Schindler của Trung Quốc – một người có đạo đức dám cứu mạng những người khác bên trong cuộc đàn áp.
Cuộc phỏng vấn với Han mất 3 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, cùng với đó là một vài bữa tối, qua đó tôi mới có thể lột tả con người thật của ông ta: Han hiểu vấn đề đạo đức đằng sau những việc mình làm, nhưng ông ta là một kẻ lãnh đạo yếu kém. Ông ta nhiều lần cho phép nhân viên an ninh dùng dùi cui điện tra tấn các nữ tù nhân Pháp Luân Công, bao gồm cả một bé gái 15 tuổi, và một người phụ nữ già – người cuối cùng đã bị chết do cổ họng bị thương tổn (việc bức thực – cưỡng bức tù nhân ăn uống khi họ tuyệt thực – được thực hiện khi Han còn là giám đốc của trại lao động Longshan).
Sự thú tội của Han xuất hiện từ từ, ngày càng rõ hơn sau 3 ngày. Tuy nhiên thậm chí sau khi đã xây dựng được lòng tin, ông ta cũng không muốn nói với tôi về vấn đề thu hoạch tạng hay bất cứ việc kiểm tra sức khỏe nào đối với những nữ tù nhân dưới sự chỉ đạo của ông ta. Điều này có thể hiểu được, bởi bất cứ mối liên hệ nào đối với thu hoạch tạng có thể khiến việc xin tị nạn của Han thất bại.
Đôi khi nhân chứng có thể sẽ gây ra thảm họa, đơn giản là vì hoàn cảnh cá nhân của họ thay đổi. Mặc dù bằng chứng về các cuộc gọi điện tới các bệnh viện Trung Quốc vào năm 2006 cho thấy nhiều bệnh viện đang bán tạng Pháp Luân Công, những người hoài nghi có thể gạt bỏ các chứng cứ đó bằng cách cho rằng bệnh viện chỉ đang “háo hức” muốn bán được tạng. Vì thế, một bằng chứng quan trọng về việc thu hoạch tạng được thực hiện tại ít nhất một bệnh viện tại Trung Quốc vào năm 2004 hoặc đầu năm 2005, tới từ bác sĩ Ko Wen-je, một bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Quốc gia Đài Loan.
Tuy nhiên, bác sĩ Ko lại trở thành “ứng viên Ko” vào mùa Thu năm 2014. Để trở thành thị trưởng Đài Bắc, và dưới áp lực truyền thông, ông Ko đã công khai từ chối những gì đã làm chứng trong cuộc phỏng vấn với tôi. Sau khi đắc cử, “Thị trưởng Ko” đã rất rõ ràng thông qua quan hệ để yêu cầu tôi thay đổi sách của mình – và ông ta muốn thấy sự thay đổi, để có thể tương xứng với “hình ảnh mới” mà ông tạo dựng nên. Tuy nhiên, tôi đã giữ nguyên những phần về Ko trong sách. Tháng 10/2018, đối diện với việc cuốn “The Slaughter” (Đại Thảm Sát) được dịch ra tiếng Trung vẫn không thay đổi gì, Thị trưởng Ko đã cố gắng đối đầu với tôi tại tòa án Đài Bắc. Trong vòng 2 ngày, công tố viên Đài Loan tuyên bố rằng Thị trưởng Ko “không có đủ bằng chứng để tạo án” (tạm dịch – “have no case”).
Tin tốt là sự ồn ào của Thị trưởng Ko có thể dẫn đến thay đổi trong giới y học Đài Loan. Sau khi thừa nhận là 9.000 người Đài Loan đã tới Trung Quốc để ghép tạng, Bộ Y tế Đài Loan đã cam kết sẽ dừng việc công dân Đài Loan tới Trung Quốc du lịch ghép tạng lại. Có thể họ sẽ làm thế. Tuy nhiên, hãy để việc chính trị sang một bên. Đằng sau sự việc đối với ông Ko, và đằng sau một nhận thức chung rằng sự thật có thể bị sửa đổi vì động cơ cá nhân, đằng sau điều này là gì? Đây là một bi kịch toàn cầu.
Trung Quốc giàu có và quyền lực, và đối với những người bị ảnh hưởng, thì chính quyền này là uy tín. Cộng đồng y khoa quốc tế cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Với mỗi bác sĩ như ông Ko, những người dám đứng lên nói sự thật dù chỉ trong một thời điểm nào đó, thì có hàng ngàn bác sĩ phẫu thuật khác không hề có bất cứ mong muốn nói lên sự thật nào.
Có quá nhiều bác sĩ phương Tây yêu cầu Trung Quốc cải tổ hệ thống y tế – nhưng rõ ràng họ lại trở thành đồng minh với Trung Quốc trong việc bao che cho tội ác phản nhân loại. Khi chúng ta còn chấp nhận sự im lặng và đạo đức giả trong vấn đề “ngoại giao y khoa” với Trung Quốc – một mối quan hệ ngoại giao chỉ toàn lời lẽ hoa mỹ tới từ Bắc Kinh mà không có hành động thực chất – thì cộng đồng y khoa quốc tế sẽ còn là kẻ đồng lõa trong tội ác nghiêm trọng này.
Một đôi lời về con số ước tính [về số lượng ca ghép tạng tại Trung Quốc]. Là một người từng hoạt động tư vấn kinh tế tại Bắc Kinh, tôi có lý do căn bản để không tin con số được chính quyền Trung Quốc công bố. Tôi thường nhắc nhở các khách hàng của mình rằng thậm chí nếu họ nhìn vào sản lượng bột sắn, họ cũng có thể tìm ra thông điệp chính trị được cài vào bên trong, nó hoàn toàn không phải con số thực tế. Tôi không hoàn toàn phản đối số liệu. Ví dụ, con số chính quyền công bố thường là giả, nhưng đường tăng trưởng theo thời gian – sự gia tăng các ca cấy ghép gan chẳng hạn – có thể đúng. Tuy nhiên theo bản năng, tôi tìm những cách khác để có được thông tin mình cần, để sau đó có nền tảng so sánh. Một phương pháp được nêu ra trong bản cập nhật báo cáo 2016, sử dụng con số các ca cấy ghép được từng bệnh viện công bố – như bệnh viện Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu hay bệnh viện trung tâm Thiên Tân – thay vì cái gọi là con số được Bắc Kinh công bố.
Trong thực tế, các bệnh viện Trung Quốc thường có xu hướng thổi phồng thành tích và gia tăng con số thực tế, nhưng trên thực tế, chúng tôi cũng đã điều chỉnh con số vì biết được xu hướng này trong bản báo cáo cập nhật 2016. Và chúng tôi vẫn có được khoảng 60.000 tới 100.000 ca cấy ghép tạng tại Trung Quốc hàng năm, so với con số 10.000 ca do Bắc Kinh công bố. Và thực tế, chỉ một năm trước thôi, ông Hoàng Khiết Phu, người đại diện của Bắc Kinh về vấn đề cấy ghép tạng trên trường quốc tế, đã từng tuyên bố một con số trong tương lai, gần với ước tính của chúng tôi – khoảng 40.000 ca cấy ghép vào năm 2020.
Một phương pháp khác để có được con số là phương pháp phỏng vấn mà tôi sử dụng trong “The Slaughter” (Đại Thảm Sát), cho thấy khoảng 65.000 người tập Pháp Luân Công đã bị giết để lấy tạng từ 2000 tới 2008. Trong hiểu biết của tôi hiện tại [5 năm sau khi xuất bản The Slaughter], tôi sẽ nhân gấp 2 hay 3 lần con số ấy.
Tuy nhiên, việc ước tính như vậy là không có giá trị gì nếu chúng ta không làm rõ được động cơ của nhà nước Trung Quốc khi thực hiện hành vi giết người hàng loạt. Đó là lý do tại sao tôi không loại bỏ các cuộc phỏng vấn không liên quan tới vấn đề thu hoạch tạng [trong nghiên cứu của mình]. Hơn một nửa số chương trong “The Slaughter” không được dùng để làm rõ vấn đề chính quyền Trung Quốc thu hoạch tạng “như thế nào”, mà là để làm rõ vấn đề “tại sao”, động cơ gì, và trong bối cảnh nào: Pháp Luân Công là gì? Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm vào họ? Là một phong trào tâm linh bất bạo động, làm thế nào họ chống cự lại? Thời điểm quan trọng nào đã dẫn tới cuộc đàn áp, và nó đã tiếp diễn theo thời gian ra sao?
Như tôi đã nói trong “The Slaughter”, cáo buộc về việc thu hoạch tạng từ tù nhân tín ngưỡng và tù nhân chính trị, cùng việc du lịch ghép tạng, là những cáo buộc nghiêm trọng nhất, và tôi đã làm rõ câu hỏi về động cơ của chính quyền Trung Quốc – tiền bạc không phải là động cơ duy nhất, mặc dù vấn đề thu được tài chính là rõ ràng từ vụ Vương Lập Quân và từ các phân tích trong báo cáo cập nhật. Điều nổi lên là, động cơ của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc thu hoạch tạng rõ ràng đã thay đổi theo thời gian: từ việc đơn giản là muốn tiêu diệt Pháp Luân Công, tới việc đấu tranh công khai và tăng cường áp lực đối với một phong trào cứ ngoan cố không chịu chấm dứt, tới việc che đậy hàng thập kỷ thu hoạch tạng. Chúng ta đang nhìn thấy các dấu hiệu tương tự trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Tôi cũng muốn nói với các phóng viên rằng, tội ác này sẽ không thể được giải quyết bằng cách đưa tin đơn lẻ. Hiểu biết về sự thay đổi của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến chúng ta cần phải có một điều gì đó phức tạp hơn. Chúng ta không thể chỉ đơn giản là nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công như một sự việc đơn lẻ. Thông tin về việc các tín đồ Kitô giáo thuộc nhóm Eastern Lightning cũng đang bị kiểm tra tạng xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với Fang Siyi và Jing Tian, tuy nhiên việc thu hoạch tạng từ tử tù đã bắt đầu từ những năm 1980. Và đó là lý do tôi nghi ngờ rằng người Duy Ngô Nhĩ là những tù nhân lương tâm đầu tiên bị thu hoạch tạng, và đó cũng là lý do tôi xem xét kỹ về phản ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sự kiện [biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ] Ghulja năm 1997 và sau đó là việc người Tây Tạng kháng cự. Một lịch sử chính xác là cần thiết cho phương Tây, nhưng lại còn cần thiết hơn cho các gia đình bị hại tại Trung Quốc. Và lịch sử đó mới đang bắt đầu: Điều Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm trong hai thập kỷ qua sẽ còn ám ảnh các thế hệ của chúng ta trong nhiều thế kỷ tới.
Để kết thúc, tôi muốn bình luận về sự thích đáng trong tuyên án của Tòa án Trung Quốc. Trong khi hầu hết các nghiên cứu của tôi rõ ràng là các phân tích lịch sử, thì nghiên cứu hiện tại của tôi tập trung vào hai sự việc sau: Hai năm trước, hầu như tất cả mọi người Duy Ngô Nhĩ, đàn ông, phụ nữ và trẻ con – khoảng 15 triệu người – đã bị thu thập máu và DNA, và cách thu thập máu này là tương đương với việc thu thập máu dùng cho xét nghiệm cấy ghép tạng. Như các cơ quan báo chí, và thậm chí cả Liên Hợp Quốc, đã báo cáo rộng rãi, rằng có từ 1 tới 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại lao động cải tạo.
9 nhà hỏa táng đã được xây dựng tại Urumqi vào đầu năm 2018, và được quản lý bởi 50 lính canh gác. Có 3 đường bay nhanh được mở dành cho việc vận chuyển tạng người trong các sân bay tại khu vực. Và các nhân chứng Duy Ngô Nhĩ đã cung cấp cho Tòa án lời chứng về việc kiểm tra y tế giống như trường hợp của Pháp Luân Công. Hoàn toàn giống. Và đó cũng là nguyên nhân Tòa án tin rằng việc thu hoạch tạng vẫn đang tiếp diễn.
Việc tôi tham gia vào cuộc điều tra này là một sự tình cờ. Tuy nhiên tôi không thể quên được sự sợ hãi ánh lên trong mắt của các nhân chứng. Vì thế xin Bộ Ngoại giao Anh hãy chú ý rằng: Các bạn có thể bỏ qua nghiên cứu của tôi, nhưng tôi vẫn luôn chờ đợi các bạn. Enver cũng luôn đợi. Rất nhiều nghị sĩ Anh quan tâm tới vấn đề này cũng luôn đợi. Hầu hết những người trong phòng họp số 12 hôm nay, những người đã tới đây tham gia tối nay, họ cũng luôn đợi. Và điều Tòa án Trung Quốc muốn nói với Bộ Ngoại giao là: chúng ta đều đang trưởng thành [từ sự việc này].
Ethan Gutmann
Westminster, 11/9/2019
Minh Nhật biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa đàn áp người Duy Ngô Nhĩ đàn áp Pháp Luân Công ethan gutmann Thu hoạch nội tạng Đàn áp Tây Tạng Dòng sự kiện