EU lần đầu chế tài Iran từ sau thỏa thuận hạt nhân 2015
- Tân Bình
- •
Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Ba (8/1) đã quyết định áp đặt chế tài lên một tổ chức tình báo Iran và hai quan chức của cơ quan này. Động thái này được EU đưa ra sau khi Hà Lan, Pháp và Đan Mạch cáo buộc Tehran âm mưu thực hiện nhiều cuộc tấn công tại Châu Âu.
Reuters, dẫn thông tin từ các quan chức EU, cho biết quyết định chế tài Iran được EU áp đặt trong một cuộc họp các bộ trưởng Liên minh Châu Âu tại Brussels hôm 8/1 mà không cần thảo luận. Chế tài này liệt tổ chức tình báo và 2 quan chức Iran là khủng bố và đóng băng tài sản của họ. Biện pháp trừng phạt này có hiệu lực từ ngay thứ Tư (9/1).
Ngoại trưởng Đan Mạnh đã nêu tên hai quan chức cơ quan tình báo Iran bị EU chế tài là Thứ trưởng kiêm Tổng giám đốc tình báo Iran Saeid Hashemi Moghadam và nhà ngoại giao Iran Assadollah Asadi, từng làm việc tại Vienna, Áo.
Theo Reuters, ông Saeid Hashemi Moghadam vẫn đang sống ở Iran, trong khi nhà ngoại giao Assadollah Asadi đã bị kết án và giam giữ tại Bỉ.
Năm ngoái, Đan Mạnh và Pháp đã thông báo rằng họ nghi ngờ cơ quan tình báo chính phủ Iran theo đuổi âm mưu thực hiện các vụ ám sát trên lãnh thổ hai quốc gia này. Đan Mạch cũng đã tìm cách đưa vụ việc này ra toàn EU xem xét và thực hiện chế tài.
Quyết định chế tài Iran được EU thông báo hôm 8/1 là lần đầu tiên khối này ban hành các biện pháp trừng phạt Iran từ khi họ cùng các cường quốc thế giới ký với chế độ Tehran thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Thông báo trên Twitter về chế tài mới, Ngoại trưởng Đan Mạch Anders Samuelsen cho hay: “EU vừa mới đồng ý ban hành các chế tài chống lại một Cơ quan Tình báo Iran vì những âm mưu ám sát của tổ chức này trên lãnh thổ Châu Âu, [Đó là] dấu hiệu mạnh mẽ từ EU cho thấy rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận cách hành xử như vậy tại Châu Âu.”
Pháp cũng phát đi tuyên bố cho biết không còn nghi ngờ gì nữa bộ tình báo Iran đã đứng sau một vụ tấn công bất thành tại Paris.
Trong khi đó, trong thứ Ba (8/1), chính phủ Hà Lan đã công khai cáo buộc Iran âm mưu thực hiện nhiều vụ ám sát, trong đó có hai vụ giết người tại Hà Lan vào năm 2015 và 2017. Chính phủ Hà Lan đã gửi một bức thư tới quốc hội cảnh báo rằng Tehran sẽ bị áp đặt thêm các chế tài kinh tế nếu họ không hợp tác với các nhà điều tra Châu Âu.
Theo Reuters, lá thư nêu trên do Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ Hà Lan ký tên cũng nói rằng Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ đã gặp các quan chức Iran để thông báo về “những quan ngại nghiêm túc của họ liên quan tới việc Iran có thể tham gia vào các hành động thù địch tại lãnh thổ Châu Âu.”
“Iran đã được thông tin rằng việc họ dính líu vào các vấn đề như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được và họ phải chấm dứt ngay lập tức… không loại trừ việc áp đặt thêm các chế tài”, Reuters dẫn thêm thông tin từ lá thư.
Iran đã phủ nhận việc liên quan tới những âm mưu ám sát mà phía Châu Âu cáo buộc. Tehran cho rằng những cáo buộc này có mục đích nhằm gây tổn hại tới mối quan hệ ngoại giao EU – Iran.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Ba (8/1) nói trên Twitter: “Việc buộc tội Iran không giúp EU thoát khỏi trách nhiệm đang chứa chấp khủng bố.”
“Các nước Châu Âu, trong đó có Đan Mạnh, Hà Lan và Pháp chứa chấp MEK”, ông Javad Zarif đề cập tới nhóm đối lập Iran đang sống lưu vong tại Châu Âu – Mujaheedin-e Khalq (MEK).
Pháp đã cáo buộc Iran âm mưu đánh bom vào một cuộc tập trung do nhóm MEK tổ chức tại Paris năm ngoái. Đan Mạch cũng cho biết họ đã ngăn chặn thành công kế hoạch của tình báo Iran nhằm ám sát một nhà hoạt động đối lập Iran.
Hà Lan hôm 8/1 nói rằng họ có “những bằng chứng mạnh mẽ” cho thấy Iran đứng sau vụ ám sát hai công dân Hà Lan gốc Iran trong năm 2015 và 2017. Năm 2017, ông Ahmad Mola Nissi – nhà hoạt động bất đồng chính kiến gốc Iran đã bị một kẻ tấn công chưa xác định được danh tính bắn chết ngay trước nhà của ông ở The Hague.
Việc EU chế tài Iran được cho là vấn đề khá nhạy cảm vì Tehran vẫn đang là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho các nước EU.
Liên minh Châu Âu cũng đang nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 sau khi Tổng thống Trump đã rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này từ tháng 5/2018. Washington đã tái áp đặt chế tài mạnh mẽ lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
Iran đã cảnh báo rằng họ có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân đã ký kết nếu các cường quốc EU không bảo vệ các lợi ích thương mại và tài chính của Tehran.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Iran liên minh châu Âu chế tài Iran