Forbes: Liệu các Kitô hữu TQ có trở thành nạn nhân bị “cải tạo” tiếp theo?
- Minh Nhật
- •
Ngày 5/5/2021 vừa qua, tờ Forbes đã đăng tải bài bình luận của Ewelina U. Ochab, một nhà hoạt động nhân quyền chuyên nghiên cứu về nạn diệt chủng tại nhiều nơi, từng đệ trình hơn 30 báo cáo cho Liên Hợp Quốc, và là tác giả của chuỗi bài viết trên Forbes về tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong bài bình luận, cô Ewelina bày tỏ lo lắng về việc sau người tập Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các Kitô hữu tại Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân tiếp theo bên trong các trại tập trung “cải tạo”. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết, bản gốc xem tại đây.
Vào tháng 4/2021, Đài Á Châu Tự do RFA đưa tin rằng “nhà chức trách tại Trung Quốc đang giam giữ các Kitô hữu trong các cơ sở bí mật, các cơ sở cải tạo di động để khiến họ từ bỏ đức tin của mình”. Theo báo cáo này, “Một Kitô hữu trong một Nhà thờ tại gia ở miền tây nam tỉnh Tứ Xuyên… cho biết ông bị giam trong một cơ sở của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cơ sở này làm việc song song với quốc an bộ, ông bị giam trong 10 tháng sau một cuộc đột kích vào Nhà thờ của mình vào năm 2018. Đây là một cơ sở di động, có thể chỉ cần thiết lập ở một tầng hầm của một tòa nhà nào đó. Các nhân viên làm việc tại đây tới từ một số cơ quan chính phủ khác nhau.”
Người đàn ông kể rằng “ông đã bị giam trong một căn phòng không có cửa sổ trong gần 10 tháng, trong thời gian đó ông bị nhân viên đánh đập, bạo hành bằng lời nói và ‘tra tấn tinh thần’, cuối cùng ông buộc phải tự làm hại bản thân bằng cách đâm mình vào tường”. Ông ta cũng nói thêm rằng: “Họ sử dụng những phương pháp thực sự nham hiểm. Họ đe dọa, lăng mạ và hăm dọa bạn.” Những phương pháp này có vẻ giống như cách đối xử mà người Duy Ngô Nhĩ mô tả trong các trại tập trung ở Tân Cương, cách đối xử mà Bắc Kinh tiếp tục chối bỏ mạnh mẽ.
Trong khi các cáo buộc vẫn chưa được điều tra, chúng là một phần của những bằng chứng ngày càng tăng về việc các nhóm tín ngưỡng ở Trung Quốc bị đối xử tồi tệ. Các báo cáo gần đây cho thấy người Duy Ngô Nhĩ đã bị giết, tra tấn và lạm dụng, hãm hiếp và bạo lực tình dục, cưỡng bức lao động, cưỡng bức phá thai, cưỡng bức triệt sản và những hành vi khác. Các báo cáo khác cho rằng người tập Pháp Luân Công bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Các Kitô hữu phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử và bức hại ở Trung Quốc. Các Kitô hữu thường nói về việc bị đóng cửa các Nhà thờ, cấm bán Kinh Thánh trực tuyến, bị dỡ bỏ Thánh giá và các vụ bắt giữ linh mục và người thờ phụng. Các báo cáo cũng cho thấy kế hoạch của cái gọi là “ngữ cảnh hóa” Kinh Thánh nhằm khiến Kinh Thánh trở nên “dễ chấp nhận về mặt văn hóa” và nhằm khiến việc giảng đạo Kitô phải được điều chỉnh để bao gồm các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội.
Vào ngày 13/1/2021, Open Doors, một tổ chức phi chính phủ quốc tế ủng hộ các Kitô hữu bị đàn áp, đã công bố Danh sách Theo dõi Thế giới hàng năm của họ, đánh giá 50 quốc gia nơi các Kitô hữu phải đối mặt với các hình thức bức hại nghiêm trọng nhất. Theo đánh giá của họ, Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào top 20 quốc gia sau một thập kỷ, do sự giám sát và kiểm duyệt liên tục và ngày càng gia tăng đối với các tín đồ Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác. Báo cáo viết, “chính sách ‘Hán hóa’ Nhà thờ đã được thực hiện trên toàn quốc, vì [ĐCSTQ] giới hạn bất cứ điều gì nó cho là mối đe dọa đối với sự cai trị và hệ tư tưởng của nó. Hàng nghìn Nhà thờ đã bị phá hoại hoặc đóng cửa. Ở một số vùng của Trung Quốc, trẻ em dưới 18 tuổi không được phép đến Nhà thờ – một phần trong nỗ lực nhằm kìm hãm sự phát triển [của Kitô giáo] trong tương lai.” Mặc dù Trung Quốc xếp hạng thứ 17 trong nhóm các nước bức hại Kitô hữu ở mức độ cao, tình hình của tất cả các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc rất nghiêm trọng và ngày càng xấu đi trong những năm gần đây.
Vào tháng 5/2021, các tờ báo đưa tin rằng nhà chức trách Trung Quốc đã “xóa các ứng dụng Kinh Thánh và tài khoản WeChat liên quan đến Kitô giáo khi các biện pháp hành chính mới có tính chất hạn chế cao đối với các nhân viên tôn giáo có hiệu lực vào thứ Bảy [8/5].” Được biết, “Kinh Thánh bản in đã không còn được phép bán trực tuyến nữa.”
Hơn nữa, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã xác định trong báo cáo năm 2021 rằng: “Bất chấp thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục sách nhiễu, giam giữ và tra tấn các giám mục Công giáo ngầm – chẳng hạn như Cui Tai và Huang Jintong – những người từ chối tham gia hiệp hội Công giáo do nhà nước hậu thuẫn. Chế độ cũng sách nhiễu, giam giữ, bắt giữ và bỏ tù các thành viên của các Nhà thờ tại gia theo đạo Tin Lành, những người từ chối tham gia ‘Phong trào Yêu nước Tam tự’ do nhà nước kiểm soát.” Ủy ban nói thêm rằng: “Chính quyền cũng tiếp tục phá hủy cả các tòa nhà và Thánh giá của Nhà thờ Công giáo và Tin Lành trong chiến dịch Hán hóa tôn giáo.”
Xem xét xu hướng đàn áp các nhóm tôn giáo hiện nay ở Trung Quốc, có thể dự kiến rằng Trung Quốc sẽ sớm đứng đầu bảng xếp hạng của Open Doors và cạnh tranh với Triều Tiên là nơi tồi tệ nhất để sinh sống với tư cách là một Kitô hữu. Điều tương tự cũng áp dụng cho các nhóm tôn giáo khác. Có thể dự kiến rằng chế độ sẽ hạn chế hơn nữa quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, dưới mọi hình thức.
Ewelina U. Ochab
Minh Nhật biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đàn áp tín ngưỡng Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc