Gặp đặc phái viên Trung Quốc, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ
- Hạ Vũ
- •
Hôm thứ Tư (17/5), Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Ngoại trưởng Ukraine đã nói với đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc Lý Huy (Li Hui) trong cuộc hội đàm ở Kyiv rằng Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc nhượng lại lãnh thổ hoặc đóng băng xung đột để chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng ông Lý Huy, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á – Âu, và là cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nga, đã đến thăm Ukraine vào thứ Ba và thứ Tư (ngày 16 – 17 /5) và gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba.
Quan hệ Trung – Nga đã phát triển nhanh chóng kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc tới Kyiv, sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, hai bên đã thảo luận các vấn đề nóng bỏng về hợp tác giữa Ukraine và Trung Quốc ở cấp độ song phương và trong các tổ chức quốc tế, cũng như các biện pháp ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “Ông Kuleba đã thông báo chi tiết cho đặc phái viên của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) về các nguyên tắc khôi phục hòa bình bền vững và công bằng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
“Ông (Kuleba) nhấn mạnh rằng Ukraine không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc mất lãnh thổ hoặc đóng băng cuộc xung đột”, tuyên bố cho biết.
Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ, ông Kuleba cũng chỉ ra tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc tham gia vào các nỗ lực quốc tế như thực hiện phương án hòa bình của Tổng thống Ukraine, sáng kiến lương thực ở Biển Đen và đảm bảo an ninh hạt nhân.
Ông Zelensky: Không cần hòa giải với những kẻ xâm lược
Tờ Kyiv Post ngày 14/5 đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng việc một số quốc gia hoặc cá nhân có ảnh hưởng cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga để chấm dứt chiến tranh là vô nghĩa, nhưng Ukraine quan tâm đến các đề xuất góp phần mang lại hòa bình công bằng, chủ yếu là dựa trên phương án hòa bình của Ukraine.
Trong chuyến thăm Ý, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ý, trong đó ông trả lời các câu hỏi về vai trò có thể có của Bắc Kinh hoặc Vatican trong việc khôi phục hòa bình ở Ukraine. Ông nói rằng: “Nga đã khơi mào chiến tranh. Nga đã cướp đi sinh mạng. Chiến tranh đang xảy ra trên đất của chúng tôi. Chúng tôi biết tất cả những khủng hoảng, thách thức đã xảy ra: hạt nhân, môi trường, lương thực, năng lượng.”
“Chỉ có chúng tôi biết nó như thế nào. Chúng tôi không đề xuất những kế hoạch do con người tạo ra – chúng tôi đề xuất cách thoát khỏi tình trạng này, chấm dứt chiến tranh – theo luật pháp, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, con người và các giá trị.”
Ông nói thêm rằng Ukraine hoan nghênh các đề xuất của bên thứ ba để giúp vượt qua cuộc khủng hoảng do chiến tranh gây ra, chương trình hòa bình của Ukraine nhằm thu hút các quốc gia thực sự mong muốn hòa bình ở châu Âu tham gia vào cùng.
EU: Nếu Bắc Kinh không thúc đẩy Nga rút quân, mối quan hệ EU – Trung Quốc sẽ không bình thường
Vào tháng Hai năm nay, ông Tập Cận Bình đã đề xuất một kế hoạch hòa bình 12 điểm cho cuộc chiến Nga – Ukraine, sau đó ông đã đến thăm Moscow vào tháng 3 để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tập đã không đến thăm Kyiv kể từ khi chiến tranh bùng nổ và đã bị quốc tế chỉ trích rộng rãi vì từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga.
Trong một tuần qua, cùng với việc các quan chức châu Âu thảo luận về việc điều chỉnh lại chiến lược Trung Quốc của EU, mối quan hệ Trung – Nga đã được theo dõi chặt chẽ.
Hôm thứ Sáu (12/5), Trưởng Ban Đối ngoại EU Josep Borrell cho biết, “nếu Trung Quốc không thúc đẩy Nga rút quân khỏi Ukraine, quan hệ EU – Trung Quốc sẽ không phát triển bình thường”.
Hôm thứ Hai, trước khi ông Lý Huy đến Ukraine, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi một kế hoạch hòa bình cho Ukraine làm cơ sở cho các nỗ lực giải quyết xung đột.
“Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Ukraine là một quốc gia đã bị xâm lược tàn bạo. Vì vậy, nó (kế hoạch hòa bình Ukraine) phải là trọng tâm và là nguyên tắc của một nền hòa bình công bằng”, bà Ursula von der Leyen nói tại Brussels.
Ukraine, Mỹ và hơn một trăm quốc gia đã kêu gọi thực hiện hòa bình với tiền đề là rút quân đội Nga vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine.
Hôm thứ Hai (15/5), Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 8.800 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh kể từ cuộc xâm lược của Nga.
Các nhà phân tích nói về ý đồ đằng sau sự hòa giải của ĐCSTQ
Trang web tài chính của CNBC ngày 14/5 đưa tin, các nhà phân tích chỉ ra rằng những nỗ lực ngoại giao toàn cầu của Bắc Kinh giữa Nga và Ukraine không phải là không có lợi ích cho chính ĐCSTQ.
Ông Ryan Hass, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings và là cựu giám đốc cấp cao về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời chính quyền Obama, nói với CNBC: “Trung Quốc quan tâm đến việc giành được hòa bình hơn là ai thắng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine”.
Ông nói: “Bắc Kinh muốn có tiếng nói trong việc xác định hình dáng của bất kỳ cấu trúc an ninh châu Âu nào trong tương lai. Bắc Kinh cũng muốn được coi là có vai trò quan trọng đối với việc tái thiết Ukraine và là nhân tố chủ chốt trong quá trình phục hồi rộng lớn hơn của châu Âu sau cuộc xung đột.”
Ông Cheng Chen (Trần Đăng), giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang New York ở Albany, nói với CNBC: “Tất nhiên, Trung Quốc (ĐCSTQ) không can thiệp vào nỗ lực ngoại giao này vì những cân nhắc theo chủ nghĩa vị tha”.
Sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Nga sẽ bị phớt lờ ở Kyiv, các nhà phân tích cho rằng điều này đã làm hỏng hình ảnh của Bắc Kinh như một “người trung gian hòa giải thành thực” ngay từ đầu.
Bà Alicja Bachulska, một thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nói với CNBC: “Có sự bất cân xứng lớn giữa quan hệ Trung Quốc – Nga và Trung Quốc – Ukraine.”
Bà chỉ ra: “Ông Tập Cận Bình đã mất 14 tháng để có một cuộc điện đàm với ông Zelensky, trong khi cùng lúc đó, nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã có hơn hai chục cuộc tiếp xúc cấp cao với nhà lãnh đạo Nga”.
Bà Bachuska nói rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) không thừa nhận kẻ xâm lược là Nga và luôn đổ lỗi cuộc chiến cho Mỹ và NATO. Bất kỳ hình thức “giúp đỡ” có ý nghĩa nào từ Trung Quốc đều đòi hỏi phải thừa nhận quan điểm của Ukraine về cuộc chiến, xét về lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến này – tức là làm suy yếu hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo và làm mất uy tín của quốc gia dân chủ tự do, điều này rất khó xảy ra.
Chuyên gia Ukraine: ĐCSTQ không phải là người hòa giải khách quan
CNBC đưa tin, các nhà phân tích Ukraine tất nhiên hoài nghi rằng liệu Bắc Kinh sẽ có thể hoặc sẵn sàng giúp đỡ Ukraine hay không.
Ông Oleksandr Musiyenko, một chuyên gia quân sự và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý ở Kyiv, nói với CNBC: “Họ (ĐCSTQ) sẽ đề xuất một số thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình theo các điều khoản của Nga, điều này tất nhiên là không khả thi đối với chúng tôi.”
Ông nói thêm rằng Ukraine chỉ có thể chấp nhận các thỏa thuận hòa bình tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập, và quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Ông Oleksandr Musiyenko nói rằng ông không nghĩ được “thỏa thuận hòa bình và dự thảo thỏa thuận hòa bình của Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý nghĩa gì tốt đối với chúng tôi, bởi vì họ đối đãi với Ukraine từ quan điểm của Nga.”
“Trong trường hợp này, họ không khách quan,” ông nói thêm.
Từ khóa quan hệ Trung Quốc - Nga Chiến tranh Nga - Ukraine mối quan hệ Trung Quốc - Ukraine