Giấy chứng tử hé lộ nguyên nhân tử vong của các binh sĩ Ấn Độ
- Xuân Lan
- •
Theo các nguồn tin, những người lính Ấn Độ không vũ trang đã bị quân đội Trung Quốc bao vây trong cuộc đụng độ ở Ladakh vào tháng trước khiến 20 người tử vong.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ đã chết trong cuộc đụng độ với Trung Quốc ngày 15/6 trên khu vực biên giới ở vùng Ladakh. Các binh sĩ này đều thuộc Trung đoàn Bihar thứ 16 được triển khai ở vùng Galwan.
Mặc dù không có tiếng súng, nhưng cuộc đụng độ đã gây ra thiệt hại về nhân mạng lớn nhất giữa hai nước láng giềng Trung – Ấn kể từ năm 1967.
Hãng tin Reuters đã nói chuyện với người thân của 13 người lính Ấn Độ đã thiệt mạng, trong đó 5 gia đình đã đưa cho các phóng viên xem giấy chứng tử, liệt kê những thương tích khủng khiếp mà những người lính đã phải chịu trong cuộc đụng độ ban đêm kéo dài 6 giờ ở độ cao 4.267 mét tại vùng núi Himalaya.
Reuters cũng đã nói chuyện với hai binh sĩ của Trung đoàn Bihar được triển khai trong khu vực. Hai người này không tham gia trực tiếp vào cuộc hỗn chiến, mà sau đó chỉ đi thu gom xác đồng đội.
Vì các nguyên tắc trong quân sự, tất cả những người lính đều được ẩn danh.
Theo những giấy chứng tử này, ba trong số những người lính Ấn Độ thiệt mạng đã bị cắt động mạch cổ, còn hai người khác thì bị những vết thương ở đầu do các vật nhọn “sắc hoặc nhọn” gây ra.
“Những dấu hiệu này đều có thể nhìn thấy ở cổ và trán,” các giấy chứng tử viết.
Còn những người khác bị rơi xuống dòng nước lạnh cóng phủ đầy băng tuyết của sông Galwan, theo người thân của họ được nghe các nhân chứng kể lại.
Một quan chức chính phủ ở Delhi đã nói vắn tắt về cuộc đụng độ với SCMP rằng đây là một trận giao tranh mà những người lính buộc phải chiến đấu với bất cứ thứ gì họ có thể chạm vào: gậy, que, thậm chí chỉ bằng hai tay.
Chính phủ Ấn Độ đã cáo buộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hành động một cách có chủ đích.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lặp lại các tuyên bố trước đây, đổ lỗi cho phía Ấn Độ đã vượt qua biên giới thực tế và khiêu khích Trung Quốc.
“Khi các sĩ quan và binh lính Trung Quốc tới đó để đàm phán, họ đã bị quân đội Ấn Độ tấn công bất ngờ và dữ dội,” người phát ngôn phía Trung Quốc nói. “Đúng sai thế nào trong vụ việc đã rất rõ ràng. Trách nhiệm hoàn toàn không thuộc về người Trung Quốc.”
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không cung cấp bằng chứng nào về sự ‘xâm lược’ của Ấn Độ. Trung Quốc cũng bác bỏ luồng tin từ chính phủ Ấn Độ rằng Trung Quốc đã mất 40 binh sĩ, chỉ nói rằng hai bên đều chịu tổn thất.
> Trung Quốc đe dọa sau khi Thủ tướng Ấn Độ tới thăm biên giới
Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết cuộc xung đột bắt đầu khi sĩ quan chỉ huy của trung đoàn Bihar dẫn một nhóm nhỏ đến Điểm tuần tra 14 để xác minh xem Trung Quốc có thực hiện lời hứa rút khỏi khu vực tranh chấp và phá dỡ các công trình mà họ đã xây dựng ở đó hay không.
Tại đó, họ đã bị binh lính Trung Quốc tấn công trên một gờ hẹp chỉ rộng khoảng 4 mét nhìn ra sông Galwan bằng những thanh sắt và gậy gỗ có đinh đóng vào.
Sau cuộc đụng độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã huy động thêm lực lượng quân sự dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3,488km. Sự thù địch gia tăng đã gây ra căng thẳng mới trên nhiều phương diện ngoại giao, thương mại, với làn sóng tẩy chay Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ ở Ấn Độ.
Việc người dân Ấn Độ tin vào suy đoán rằng những binh sĩ nước mình đã phải tay không chống lại một lực lượng lớn hơn từ phía bên kia đã “đổ thêm dầu vào lửa” vào tình hình căng thẳng.
“Làm sao Trung Quốc dám giết chết những binh lính không vũ trang của chúng ta? Tại sao những người lính của chúng ta đã không được trang bị vũ khí khi đi tới tử đạo?” Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng đối lập trong Quốc hội đã viết trong trên Twitter, yêu cầu chính phủ Ấn Độ phải giải trình đầy đủ.
Một người thân của một trong những người lính đi cùng Đại tá Santosh Babu, sĩ quan chỉ huy Trung đoàn Bihar thứ 16, kể lại rằng những người lính đã đi tay không đến địa điểm hai căn lều được quân đội Trung Quốc dựng lên ở phía đất Ấn Độ.
Theo các nguồn tin Reuters thu thập được, tại đó, hai bên đã xảy ra cãi vã và đối đầu nhau. Một lượng lớn binh lính Trung Quốc đã ném đá và tấn công các binh lính Ấn Độ bằng các vũ khí sắc nhọn.
Một vài binh sĩ Ấn Độ sau khi rút lui về trên sườn núi đã không thấy sĩ quan chỉ huy, nên họ quay trở lại tìm và bị một đợt tấn công mới từ phía Trung Quốc.
Đại tá Babu là một trong số những người thiệt mạng trong cuộc đụng độ. Một trong những người lính được triển khai trong khu vực cho biết lực lượng của Ấn Độ mỏng hơn của PLA rất nhiều lần.
“Phía Trung Quốc áp đảo quân số của chúng tôi,” người này cho biết.
Ba trong số các gia đình Ấn Độ nói rằng người thân họ đã bị đẩy xuống sông Galwan và họ đã chết vì bị hạ thân nhiệt.
Xuân Lan (theo Reuters, SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Xung đột Trung - Ấn