Góc nhìn từ Đài Loan về “Hội nghị thượng đỉnh Joe Biden – Tập Cận Bình”
- Lâm Nghiên
- •
Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp trực tuyến vào ngày 15/11/2021, hai bên đã cho thấy biểu hiện rất khác nhau sau khi kết thúc cuộc họp. Ủy ban Vấn đề Đại Lục (MAC) của Đài Loan cho biết, Đài Loan không chấp nhận hiện trạng và kết cục của hai bờ eo biển do ông Tập Cận Bình đặt ra.
Bộ Ngoại giao Đài Loan: Truyền thông của ĐCSTQ cố ý gây hiểu lầm đã là thói quen
Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ, ông Biden khi trả lời về vấn đề Đài Loan cho biết: “Chính phủ Mỹ cam kết theo đuổi lâu dài và nhất quán ‘chính sách Một Trung Quốc’, không ủng hộ Đài Loan độc lập, hy vọng eo biển Đài Loan sẽ duy trì hòa bình và ổn định”.
Nhưng tuyên bố của Mỹ cho thấy ông Biden không phát biểu như vậy. Nhà Trắng nêu rõ: Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ tuân thủ “chính sách Một Trung Quốc” được hướng dẫn bởi “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, Ba thông cáo chung và Sáu bảo đảm. Mỹ phản đối mạnh mẽ những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan hoặc làm suy yếu ổn định và hòa bình.
Bộ Ngoại giao Đài Loan chỉ ra rằng truyền thông của ĐCSTQ khi đưa tin về “Hội nghị trực tuyến Biden – Tập Cận Bình”, trong phần liên quan đến Đài Loan cách đưa tin rất khác với tuyên bố của Mỹ, đã cố tình gây hiểu sai phát ngôn hoặc quan điểm của nước khác, điều này đã là thói quen của họ.
Bộ Ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh: “Mỹ đã nhiều lần nhắc nhở chúng tôi rằng ĐCSTQ có thể diễn giải quá mức nội dung của cuộc đối thoại Mỹ-Trung, và trong thời gian tới Mỹ sẽ giải thích lại với chúng tôi”. Mỹ nhấn mạnh, liên quan đến kết quả của hội nghị trực tuyến thì cộng đồng quốc tế nên chủ yếu dựa trên giải trình của Mỹ. “Bộ Ngoại giao của chúng tôi lấy làm tiếc rằng Trung Quốc đã cố tình bóp méo tình hình cuộc hội đàm cấp cao Mỹ -Trung Quốc”.
MAC: Không chấp nhận hiện trạng và kết cục hai bên eo biển do Tập Cận Bình đặt ra
Đối với chủ trương của ông Tập Cận Bình về Đài Loan, MAC của Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 16/11, nêu rõ rằng bá quyền của ĐCSTQ đe dọa hòa bình ở eo biển Đài Loan và Đài Loan không chấp nhận hiện trạng và kết cục của hai bờ eo biển do ĐCSTQ thiết lập.
Trong hội đàm, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng: “Tình hình ở eo biển Đài Loan đối mặt với một vòng căng thẳng mới do chính quyền Đài Loan đã luôn dựa vào Mỹ để theo đuổi độc lập, còn một số người ở Mỹ có ý định lợi dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc. Xu hướng này rất nguy hiểm như đùa với lửa, đùa với lửa sẽ bị bỏng”.
Đáp lại tuyên bố trên của ông Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan, MAC của Đài Loan tuyên bố rằng bá quyền độc tài của ĐCSTQ lẫn lộn vấn đề với giao lưu quốc tế, lấp liếm việc họ phá hoại hiện trạng eo biển Đài Loan, gây bất an trong khu vực và đe dọa Đài Loan nhưng luôn muốn bịt tai mắt quốc tế, quy trách nhiệm cho Đài Loan, đã từ lâu cộng đồng quốc tế luôn chất vấn và phản đối mạnh mẽ.
Về tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng hiện trạng thực sự của “vấn đề Đài Loan” và nội dung cốt lõi của “Một Trung Quốc” là: “Trên thế giới chỉ có Một Trung Quốc, Đài Loan là một phần của đất nước Trung Quốc (Cộng sản), và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc”. ĐCSTQ nỗ lực cho viễn cảnh thống nhất hòa bình, “nhưng nếu lực lượng ly khai kích động đòi Đài Loan độc lập, thậm chí vượt qua lằn ranh đỏ, chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt”.
Đáp lại, MAC của Đài Loan cho biết rằng: “Hai bờ eo biển không phụ thuộc vào nhau là một thực tế khách quan và là hiện trạng của eo biển Đài Loan; 23 triệu người dân Đài Loan kiên quyết bảo vệ chủ quyền, phẩm giá và lối sống dân chủ của họ, tuyệt đối không chấp nhận đe dọa và khiêu khích của Bắc Kinh”.
Vào ngày hội đàm Biden – Tập Cận Bình, ĐCSTQ tiếp tục cử máy bay để gây rối ở Đài Loan. Vào ngày 16/11, có 8 máy bay (hai chiếc chống liên lạc Y-9, ba chiếc máy bay quân sự Y-8, một cảnh sát không quân -500 và hai máy bay chiến đấu J-16) đã đột nhập vào vùng nhận dạng phòng không ở Tây Nam Đài Loan. Lực lượng Không quân Đài Loan đã điều động các binh sĩ tuần tra trên không để đáp trả, dùng loa phóng thanh để xua đuổi, đồng thời dùng tên lửa phòng không theo dõi và giám sát.
MAC của Đài Loan chỉ ra rằng ĐCSTQ đã liên tục gia tăng sức ép và đe dọa đối với chính trị và quân sự đối với Đài Loan, đồng thời còn không ngừng dùng thủ đoạn xấu xa gây chia rẽ từ bên trong Đài Loan để buộc Đài Loan phải chấp nhận đường lối của ĐCSTQ. Đây là nguồn gốc của căng thẳng và đối đầu trên eo biển Đài Loan, đó là một thực tế đã được cộng đồng quốc tế công nhận.
MAC nhấn mạnh rằng hiện tại và tương lai của Đài Loan không có chỗ cho bờ đối diện xen vào. “Chính phủ của chúng tôi cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”, và xử lý thực tế các vấn đề khác nhau với thái độ “không khuất phục, không mạo hiểm lấn tới”, cũng sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai đe dọa chủ quyền và tự do dân chủ của chúng tôi.
MAC cho biết: “Chúng tôi cho rằng khi chủ nghĩa chuyên chế thể hiện ý đồ bành trướng, các nước dân chủ nên hợp tác để bảo vệ các giá trị chung và quan tâm nghiêm túc đến các hành động của Trung Quốc; thời gian tới, Đài Loan sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực với các nước bạn thân thiện”.
Cuối cùng, MAC kêu gọi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ tôn trọng thực tế và dân ý Đài Loan, sớm từ bỏ thái độ thù địch, lấy hòa bình làm nguyên tắc tối cao để đặc biệt cải thiện quan hệ hai bờ eo biển.
Chuyên gia kinh tế Ngô Gia Long: Cuộc gặp vạch ra ranh giới đỏ của nhau
Nhà kinh tế Ngô Gia Long (Wu Jialong) của Đài Loan cho biết trên Facebook rằng chủ đề cốt lõi của “Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Biden – Tập Cận Bình” là vấn đề Đài Loan. Về mục tiêu và mong muốn hiệu quả đạt được của Mỹ bao gồm:
(1) Trong ba khía cạnh của quan hệ Mỹ – Trung là đối đầu, cạnh tranh và hợp tác, hy vọng sẽ kiểm soát được cạnh tranh gay gắt và tránh xung đột, mất kiểm soát. (2) Các phương tiện bao gồm cung cấp các kênh liên lạc và đối thoại, tạo ra bầu không khí hợp tác về biến đổi khí hậu và để Trung Quốc hiểu rằng Mỹ coi trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. (3) Mặc dù đề cập đến vấn đề nhân quyền, nhưng vấn đề xung đột quan trọng nhất và tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát nhất hiện nay là hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Sau hội đàm, Nhà Trắng nêu rõ trong một tuyên bố: “Tổng thống Biden bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, cũng như các vấn đề nhân quyền rộng lớn hơn”.
“Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ các lợi ích và giá trị của Mỹ, đồng thời làm việc với các đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do, cởi mở và công bằng của hệ thống quốc tế của thế kỷ 21”.
Về mục tiêu và mong muốn hiệu quả đạt được của Trung Quốc, chuyên gia Ngô Gia Long nói:
(1) Xoa dịu căng thẳng và ổn định mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hy vọng sẽ giúp Tập Cận Bình tái đắc cử tại Đại hội 20 của ĐCSTQ. (2) Trung Quốc hy vọng rằng chiến tranh thương mại có thể được xoa dịu và Mỹ có thể nhượng bộ một số vấn đề về thuế quan. (3) Trung Quốc hy vọng rằng Mỹ sẽ tuân theo cam kết của chính sách “Một Trung Quốc” (ĐCSTQ) và không ủng hộ “Đài Loan độc lập”. (4) Phía Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ khôi phục thị thực đối với các Đảng viên và sinh viên ĐCSTQ. (5) Trung Quốc hy vọng sẽ khôi phục lại tổng lãnh sự quán.
Tập Cận Bình hy vọng rằng Biden có thể sửa đổi từ bỏ chính sách cứng rắn với Trung Quốc của thời Trump, như vậy giúp Tập Cận Bình ghi công trong nội bộ.
Chuyên gia Ngô Gia Long chỉ ra hai vấn đề quan trọng không được thảo luận tại cuộc họp: Truy tìm nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) để quy trách nhiệm và bồi thường; và tai nạn của tàu ngầm USS Connecticut (SSN-22) ở Biển Đông.
Ông Ngô chỉ ra hội đàm đã vạch ra “ranh giới đỏ”:
(1) Mỹ và Đài Loan đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh này để bày tỏ quan điểm cơ bản của nhau, tâm điểm tranh chấp chính là vấn đề Đài Loan, phía Trung Quốc nói về “Một Trung Quốc”, nhưng phía Mỹ thực sự tiến theo hướng “Hai Trung Quốc” (Trung Hoa Dân Quốc và Trung Quốc đảng Cộng sản).
(2) Nếu ĐCSTQ gia tăng uy hiếp quân sự đối với Đài Loan thì Mỹ cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ăn miếng trả miếng để chống lại ĐCSTQ.
(3) Khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói rằng sẽ giúp Đài Loan quay trở lại hệ thống Liên Hiệp Quốc thì đây là thái độ cứng rắn; nhưng khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ không tìm cách thay đổi ĐCSTQ thì lại có vẻ là thái độ mềm; cho thấy Mỹ đối xử với ĐCSTQ vừa mềm vừa cứng, trở lại tình trạng mơ hồ chiến lược.
(4) Mỹ có chiến lược rõ ràng về cấm vận công nghệ. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật thiết bị an toàn” để kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị liên lạc dựa trên những cân nhắc về an ninh quốc gia. Đây là sự tiếp nối con đường thời ông Trump trong cuộc chiến thương mại năm 2018, khi ngăn chặn ĐCSTQ lấy được các nguồn công nghệ, và khiến trong vòng 5 năm ĐCSTQ sẽ không còn lợi thế cạnh tranh.
(5) Ý tưởng cơ bản về chính sách ĐCSTQ của Mỹ là làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, từ đó khiến chế độ chính trị của ĐCSTQ suy sụp, Mỹ không còn hy vọng vào diễn biến hòa bình và không còn tin tưởng vào chính sách can dự. Nhưng điều quan trọng Mỹ cần cân nhắc là ngăn chặn ĐCSTQ manh động thống nhất Đài Loan khi rơi vào thế cấp bách.
Nhà lập pháp Đài Loan: Thực chất Mỹ cần đảm bảo an ninh của Đài Loan
Nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ (Wang Dingyu) tuyên bố trên Facebook vào ngày 16/11 rằng rất khó để Biden và Tập Cận Bình có được thành quả cụ thể trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên, chỉ có thể nói vào thời điểm khi chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng thì nên hạ nhiệt để tránh tình trạng chiến tranh nóng.
Ông cho biết điểm tranh chấp lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Khi ông Biden ban hành “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, Ba thông cáo chung và Sáu bảo đảm, cùng “Chính sách Một Trung Quốc”, ngoài việc dùng giọng điệu cũ phản hồi sự lo lắng của ĐCSTQ, thì người Đài Loan nên hiểu “Chính sách Một Trung Quốc” của Mỹ về cơ bản khác với “Nguyên tắc Một Trung Quốc” của ĐCSTQ, nghĩa là không bao gồm “Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Ông Vương chỉ ra rằng ngay sau hội nghị trực tuyến Biden – Tập Cận Bình, vào ngày 16 và 17/11 Mỹ cố tình dàn xếp “Đàm phán chính trị và quân sự Đài Loan – Mỹ” và “Đàm phán kiểm thảo quốc phòng Đài Loan”. Động thái đó ngoài ý nghĩa trấn an về hình thức, còn thể hiện hành động thực chất của sự ấm lên mối quan hệ chính trị và hợp tác an ninh giữa Mỹ và Đài Loan.
Học giả Mỹ: Quan hệ Mỹ – Trung dễ xung đột và khó hạ nhiệt
Vào ngày 16/11, Trung tâm Fairbank về Nghiên cứu Trung Quốc (Fairbank Center for Chinese Studies) của Đại học Harvard và các nhà lập pháp của đảng cầm quyền và các đảng đối lập của Đài Loan đã tổ chức trò chuyện trực tuyến chuyên đề “Mối quan hệ Trung-Mỹ-Đài Loan sau một năm Tổng thống Biden nhậm chức”; buổi trò chuyện có mời giáo sư Steven Goldstein của Đại học Harvard và là người triệu tập của Trung tâm Fairbank về Nghiên cứu Trung Quốc, nhà nghiên cứu Alastair Iain Johnston, giáo sư Sara Newland là trợ lý Đại học Smith…
Giáo sư Goldstein cho rằng mối quan hệ Mỹ – Trung khó có thể trở lại ôn hòa như trước đây, tình hình hiện tại đang nằm trong vùng đỏ dễ xảy ra xung đột, trong các cuộc đàm phán hai bên đều xem Đài Loan là quân bài chủ chốt.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan gần đây đã tuyên bố rằng Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng tại Đài Loan, và việc “duy trì hiện trạng” là vì lợi ích của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan.
Giáo sư Goldstein cho biết không có định nghĩa rõ ràng về cái gọi là “hiện trạng”. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, cùng với chính sách Trung Quốc của Trump, cả Mỹ và ĐCSTQ đều coi Đài Loan là công cụ đàm phán với nhau. “Hiện trạng” giờ đây rơi vào “vùng đỏ”, có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc dễ xảy ra xung đột, khó có thể trở lại mối quan hệ ôn hòa như trước, do đó cần khả năng khéo léo trong quản trị chính sách ngoại giao.
Giáo sư Goldstein nhận định 3 bên Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đã đi từ giai đoạn ổn định sang giai đoạn xung đột. Làm thế nào để quản lý khủng hoảng tốt hơn là vấn đề các bên phải cân nhắc từ các yếu tố lịch sử phức tạp để nhận diện thấu đáo, hướng tới cải thiện tình hình và kiểm soát xung đột đang ở trên bờ vực.
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Đài Loan Joe Biden eo biển Đài Loan mối quan hệ Mỹ - Trung