Ngày 7/11, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN rằng Mỹ đang tìm cách “cùng tồn tại với Trung Quốc” thay vì kiềm chế Trung Quốc hoặc phát động một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuyên bố này tương tự thông báo từ nay về sau Mỹ sẽ chung sống hòa bình với Trung Quốc. Như viên đá khuấy lên những làn sóng, mạng Internet và truyền thông của Trung Quốc sục sôi bình luận cho rằng Mỹ buộc phải vậy vì những khó khăn trong và ngoài nước. Trong một thời gian, nhiều hãng truyền thông quốc tế không biết nói gì, chỉ hy vọng tuyên bố đó là của cá nhân ông Sullivan. Điều này đã chứng minh dự đoán của tôi vào năm ngoái: Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ sẽ không chỉ thay đổi lối sống của người Mỹ mà còn thay đổi cục diện chính trị thế giới.

(Bài viết của nhà kinh tế học người Trung Quốc Hà Thanh Liên (He Qinglian), thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

20210302aemb750x450 1
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan. (Ảnh: it.usembassy.gov)

“Chung sống hòa bình” thay thế cho “gây ảnh hưởng và thay đổi”

Tôi đã nhiều lần nói rằng đội chịu trách nhiệm về ngoại giao Trung Quốc trong Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ Kissinger hầu hết là những người kế thừa tư tưởng của ông ấy, chủ yếu dựa trên “tiếp xúc, hợp tác, ảnh hưởng, thay đổi”; nhưng “tiếp xúc, hợp tác” là chính, dù “ảnh hưởng, thay đổi” vẫn được thực hiện, chẳng hạn như ngoại giao nhân quyền, và thường xuyên cử nhiều loại tổ chức phi chính phủ đến Trung Quốc, tập trung vào bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo, nhưng cũng có một số dự án liên quan đến pháp quyền và nhân quyền. Chính quyền Trump đã từ bỏ con đường này, xác định chỉ còn là “mối quan hệ cạnh tranh chiến lược”, trong hai năm cuối nhiệm kỳ thiên về chỉ trích thể chế của Trung Quốc.

Sau khi chính quyền Biden của Đảng Dân chủ lên nắm quyền, họ đã bận rộn đưa ra nhiều chính sách nhằm thay đổi nền kinh tế chính trị Mỹ, thậm chí cả lối sống và giá trị của người Mỹ, đồng thời trong đối ngoại thường cho thấy mập mờ về chiến lược. Dù vậy, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 họ đã không làm được gì, trở về nước lại để mất bang Virginia xanh thẫm trong cuộc bầu cử địa phương. Theo một cuộc thăm dò do USA Today/Đại học Suffolk công bố ngày 6/11, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden đã giảm xuống còn 37,8%, và tỷ lệ không ủng hộ đến hơn 59% (lệch nhau 21 điểm phần trăm). Lúc này, chính quyền Biden phải thúc đẩy bước đột phá trong đối ngoại mà họ trù tính từ lâu.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, ông Sullivan cũng đã phác thảo về chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden: (1) Mỹ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng đây không phải là Chiến tranh Lạnh mới. (2) Chính phủ Mỹ sẽ không lặp lại “sai lầm” trong quá khứ là tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc, Mỹ sẽ tìm mọi cách để cùng tồn tại với Trung Quốc. (3) Đại diện của Trung Quốc và Mỹ đang khởi động lại đàm phán thương mại về vấn đề thuế quan. (4) Nhắc lại rằng Chính phủ Mỹ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”.

Điểm đầu tiên là linh hồn trong chiến lược mới của Mỹ đối với Trung Quốc; điểm thứ hai là hoàn toàn phủ nhận chính sách về Trung Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên, và đó là thể hiện tôn trọng “lợi ích cốt lõi” cầm quyền lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); điểm thứ ba là Hợp tác kinh tế Trung-Mỹ sẽ tiếp tục; điểm thứ tư liên quan đến vấn đề nan giải trong quan hệ Trung-Mỹ là chuyện Đài Loan. Thời điểm cũng thật hay: ngày 8/11 Bắc Kinh ở bên kia Thái Bình Dương đang bận rộn triệu tập Phiên họp toàn thể lần 6 Trung ương ĐCSTQ khóa 19 nhằm giải quyết vấn đề cầm quyền lâu dài của ông Tập Cận Bình và định hướng tương lai của ĐCSTQ, có thể coi đây là một “món quà” đúng lúc.

Tập Cận Bình sẽ nhìn nhận như thế nào về đề xuất “chung sống hòa bình” của Mỹ?

Theo các nguồn tin từ truyền thông, ngày 8/11 Nhà Trắng thông báo đang tổ chức cuộc họp để nghiên cứu nội dung chi tiết và thời điểm của cuộc gặp vào cuối năm giữa ông Biden và Tập Cận Bình, đồng thời suy đoán chủ đề nào sẽ là trọng tâm của cuộc đối thoại, và những kỳ vọng và điểm mấu chốt của cuộc hội đàm.

Vấn đề tiếp theo là liệu ông Tập Cận Bình có chấp nhận đề xuất mới “chung sống hòa bình” này hay không, và hai bên sẽ xác định chi tiết của kế hoạch chung sống hòa bình này ra sao.

Điểm đầu tiên và điểm thứ hai là nguyên tắc để hai nước hòa hợp với nhau, cũng là những vấn đề mà trong nhiều năm ĐCSTQ luôn yêu cầu Mỹ cam kết, bây giờ không có lý do gì để ông Tập Cận Bình không đồng ý khi Mỹ đã chủ động nêu ra. Điểm thứ ba là duy trì quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, đây cũng là điều mà ông Tập cần, vì cho dù những năm gần đây quan hệ Mỹ – Trung có căng thẳng thế nào thì Mỹ vẫn là nước lớn nhất trong thặng dư thương mại của Trung Quốc: Từ tháng 1 – 10/2021, thặng dư thương mại của Trung Quốc là 3,31 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó 2,08 nghìn tỷ nhân dân tệ đến từ thương mại với Mỹ, chiếm gần 2/3. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm nay, đạt 3,218 nghìn tỷ đô la Mỹ vào tháng 10, trong đó thương mại Trung – Mỹ đã góp phần rất nhiều.

Trọng tâm, điểm chính, và khó khăn của cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình là liên quan đàm phán về địa chính trị, tức là hai bên phân định phạm vi ảnh hưởng của mình thế nào. Ông Sullivan đã nhiều lần đề cập rằng Trung Quốc và Mỹ nên “tránh hiểu lầm, đánh giá sai và xung đột ngoài ý muốn”, đó là đề cập đến xung đột địa lý. Ông Sullivan chỉ ra rằng Mỹ hy vọng sẽ tạo ra một môi trường để đảm bảo dự kiến tương lai hai cường quốc lớn “hoạt động trong hệ thống quốc tế”.

An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và quan hệ eo biển Đài Loan

Bản đồ địa chính trị của Trung Quốc từ lâu đã mở rộng từ châu Á sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các hành động ở Biển Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ lâu đã gây lo ngại nghiêm trọng đối với các nước như Đài Loan, Úc, Nhật Bản. Nhật Bản và Úc là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đài Loan luôn nằm dưới bảo hộ của Mỹ. Sự lo lắng của các quốc gia và khu vực này có những lý do riêng. Đài Loan lo lắng bị mất lối sống dân chủ đang có. Còn Úc đã lên đến vấn đề an ninh quốc gia từ năm 2017, trước đó dù việc xâm nhập của ĐCSTQ vào Úc đã được thực hiện trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, nhưng Úc đã không đủ cảnh giác cho đến khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận với quốc đảo Samoa ở Nam Thái Bình Dương cho phép Trung Quốc tài trợ cho nước này tái thiết một cảng san hô. Giới phân tích quân sự cảnh báo rằng cảng này có thể cho phép Trung Quốc “đánh thẳng vào” trung tâm phòng thủ của Mỹ ở Nam Thái Bình Dương, đe dọa tuyến đường thương mại từ bờ đông Úc sang Mỹ, và Úc mới chỉ bắt đầu chú ý đến mối đe dọa từ Trung Quốc. Đây cũng là lý do tại sao năm nay Úc đã ký thỏa thuận AUKUS với Anh và Mỹ, thúc đẩy năng lực tự chủ hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tiên tiến và có khả năng chiến đấu.

Vấn đề Đài Loan là vấn đề quan tâm nhất của ĐCSTQ, đồng thời cũng liên quan đến việc tấn công vào chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Kể từ khi Mỹ lên kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, Đài Loan đã thay thế Trung Đông là điểm xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngày 1/5/2021, ấn bản truyền thông The Economist của Anh đã đăng một bài với phần hình minh họa toàn bộ trái đất là một vòng tròn màu xanh lam nhưng có điểm chấm tròn ở giữa là eo biển Đài Loan, tiêu đề của bài là “Nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất” (The most dangerous place on Earth), cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần nhiều nỗ lực để tránh chiến tranh ở eo biển Đài Loan.

Khi nói về vấn đề Đài Loan trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Sullivan nhắc lại rằng Mỹ sẽ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” và “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” (Taiwan Relations Act), và rằng “rất quan tâm các hoạt động của Trung Quốc ở một mức độ nhất định sẽ làm lung lay an ninh và ổn định của quan hệ hai bờ eo biển”. Con át chủ bài của ông ấy là: “Về cơ bản, những gì chúng tôi đang tìm kiếm là duy trì hòa bình và ổn định, tức là duy trì hiện trạng”.

Không có sự khác biệt cơ bản nào giữa chính phủ khóa này và những khóa khác. “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” nói thẳng ra là “ĐCSTQ không sử dụng lực lượng vũ trang, và Đài Loan không độc lập”. Mỹ có thể không thừa nhận Đài Loan độc lập nhưng nan giải là làm sao để khiến ĐCSTQ không dùng lực lượng vũ trang. Hiện nay ĐCSTQ thường tuyên bố khả năng khoan dung đối với Đài Loan đã đến giới hạn, đe dọa sử dụng vũ lực.

Làm thế nào để đàm phán về vấn đề địa chính trị này và đạt được một kết quả cùng chấp nhận được, e rằng điều đó phụ thuộc vào đánh giá của cả hai bên về sức mạnh của mình và của đối phương. Ngay từ năm 2019, ông Sullivan và Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã đồng tác giả một bài phân tích “Cạnh tranh không có thảm họa: Cách Mỹ thách thức Trung Quốc và cùng tồn tại với Trung Quốc”. Theo đó có ước tính đối với Trung Quốc: “Khác với Liên Xô, Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng vào thế giới và gắn bó với nền kinh tế Mỹ… Trung Quốc ngày nay mạnh hơn về kinh tế, tinh vi hơn về ngoại giao, và về mặt tư tưởng thì linh hoạt hơn Liên Xô cũ”, kết luận là Trung Quốc sẽ không trở thành Liên Xô thứ hai. Ước tính của Trung Quốc đối với Mỹ là Mỹ đang suy yếu, và trong phát biểu nội bộ, ông Tập Cận Bình thường nhấn mạnh “Đông lên Tây xuống” và “cuối cùng Trung Quốc có thể nhìn ra thế giới”. Không bên nào công khai bày tỏ ước tính về sức mạnh của chính họ. Nhưng nhận định của tôi là: Mỹ duy trì hiện trạng ở Đài Loan, và nếu có thể trì hoãn được thì mâu thuẫn sẽ chuyển sang sau nhiệm kỳ của ông Biden; ông Tập Cận Bình có thể cho rằng chính quyền Biden là chính phủ yếu nhất ở Mỹ trong những thập kỷ gần đây, cho nên đây là thời cơ tốt nhất cho vấn đề Đài Loan và sẽ tập trung toàn lực vào thời cơ này.

Mỹ khó có thể gây ảnh hưởng đến chính trường Trung Quốc, trong khi Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng xâm nhập vào chính trường Mỹ; cựu Ngoại trưởng Pompeo từng chỉ ra rằng ngoài việc thâm nhập vào giới chính trị của Washington, Trung Quốc còn nỗ lực để gây ảnh hưởng đến chính trị địa phương các bang của Mỹ. Ngày 2/11, truyền thông trực tuyến cánh tả AXIOS đã phát một tin độc quyền, theo đó Ủy ban Bầu cử Liên bang của Mỹ đã ra phán quyết cho phép nguồn tài trợ nước ngoài đối với hoạt động bầu cử ở Mỹ, điều này đã mở cánh cửa hợp pháp cho khả năng nước ngoài xen vào chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong tương lai, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, và cả các nước ở Trung Đông đều có thể cung cấp ngân quỹ tài trợ các ứng cử viên họ yêu thích, như vậy các chính trị gia Mỹ có thể thu tiền một cách hợp pháp nhân danh bầu cử.

Hà Thanh Liên, Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

https://trithucvn2.net/the-gioi/ong-putin-canh-bao-tu-tuong-canh-ta-dang-gam-nham-phuong-tay.html

Xem thêm: