Google, Facebook dùng cáp quang châu Á, Mỹ yêu cầu cần đề phòng gián điệp ĐCSTQ
- Tiêu Nhiên
- •
Chính quyền Biden gần đây đã khuyến nghị Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cấp giấy phép cho Google và công ty mẹ của Facebook là Meta để sử dụng hệ thống cáp quang biển Thái Bình Dương nhằm đáp ứng với lưu lượng Internet ngày càng tăng ở châu Á. Xét thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục tiến hành các hoạt động gián điệp để lấy dữ liệu cá nhân của Mỹ, Chính phủ Mỹ yêu cầu hai công ty phải đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu người dùng.
Tuyến cáp ngầm dưới biển này dài 8.000 dặm này (Pacific Light Cable Network, PLCN) kết nối Mỹ, Đài Loan, Philippines và Hồng Kông, đồng thời truyền tải hầu hết lưu lượng dữ liệu Internet trên thế giới. Meta tìm kiếm giấy phép để sử dụng từ Philippines đến Mỹ, trong khi Google yêu cầu giấy phép để kết nối với Đài Loan.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin rằng cả hai công ty đều cam kết bảo vệ sự riêng tư và bảo mật của dữ liệu Mỹ, đặc biệt là trong điều kiện phòng thủ trước các hoạt động tình báo của ĐCSTQ. Google và Facebook trước đây đã đề xuất sử dụng cáp ngầm để kết nối với Hồng Kông, nhưng đã từ bỏ kế hoạch này vào năm 2020 theo kiến nghị của nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, xét thấy ĐCSTQ “nỗ lực liên tục nhằm thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm của hàng triệu người Mỹ”, nên yêu cầu ký một thỏa thuận an ninh quốc gia với Google và Meta. Theo thỏa thuận, Google và Meta phải tiến hành đánh giá rủi ro hàng năm đối với dữ liệu nhạy cảm và phải có khả năng hạn chế hoặc dừng lưu lượng dữ liệu trên cáp quang trong vòng 24 giờ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Matthew Olsen cho biết: “Thỏa thuận cho phép Google và Meta sử dụng nhiều dung lượng cáp quang hơn và bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người Mỹ thông qua các điều khoản liên quan phản ánh môi trường đe dọa hiện tại.”
Năm ngoái, Google cho biết, kết nối dữ liệu là cần thiết để xử lý lưu lượng ngày càng tăng giữa các trung tâm dữ liệu ở Đài Loan và Mỹ. Người phát ngôn của Meta nói rằng “hệ thống cáp quang giữa Mỹ và Philippines sẽ tăng dung lượng Internet” để “giúp mọi người giữ kết nối và chia sẻ nội dung”. Công ty tuyên bố rằng các cáp quang này an toàn và dữ liệu được bảo vệ thông qua công nghệ mã hóa tiên tiến.
Đường trục truyền dữ liệu của Internet thế giới được cung cấp bởi khoảng 300 tuyến cáp ngầm dưới biển, chúng truyền tải 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới.
Đối kháng lại ĐCSTQ, Mỹ, Úc và Nhật Bản tài trợ cho các nước Thái Bình Dương xây dựng cáp ngầm
Trong khi các đồng minh phương Tây đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ trong khu vực, ngày 12/12, Mỹ, Úc và Nhật Bản cho biết, họ sẽ cùng tài trợ cho việc xây dựng một tuyến cáp ngầm để tạo thúc đẩy các dịch vụ kết nối Internet ở ba quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương. Ba quốc gia là Nauru, Kiribati và Liên bang Micronesia, cáp ngầm có thể cung cấp mạng Internet nhanh hơn cho các quốc gia này.
Ba nước đã ra một tuyên bố chung nêu rõ: “Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các cơ hội phát triển, và giúp cải thiện mức sống trong quá trình phục hồi từ dịch bệnh.”
Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lo ngại rằng các tuyến cáp do Bắc Kinh đặt có thể gây tổn hại đến an ninh khu vực, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận có ý đồ sử dụng cáp quang thương mại cho hoạt động gián điệp.
Dự án này là cam kết đầu tư mới nhất của các đồng minh phương Tây trong lĩnh vực viễn thông ở khu vực Thái Bình Dương. Năm 2017, Úc đã đầu tư khoảng 98,2 triệu đô la Mỹ để phát triển khả năng truy cập Internet tiên tiến hơn cho Quần đảo Solomon và Papua New Guinea.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa google Facebook Internet Dữ liệu người dùng cáp quang biển