Hôm 27/5, Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 413 phiếu ủng hộ và chỉ 1 phiếu phản đối. Trước đó hôm 14/5, dự luật cũng đã được Thượng viện Mỹ thông qua. Hiện dự luật được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump chờ phê chuẩn thành luật chính thức.

Tân Cương
Gần 1000 người đang mặc áo tù nhân ngồi ngay ngắn bên trong hàng rào lưới sắt vây quanh (Ảnh từ Twitter của Trại tập trung Tân Cương)

Một nguồn tin trong Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ ký ban hành.

Nếu được ký thành luật, Đạo luật Chính sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ phát hành một báo cáo trong vòng 180 ngày xác định tất cả các cá nhân nước ngoài bị coi là chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, bao gồm tra tấn, giam giữ bất hợp pháp kéo dài, và “đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hèn hạ”.

Những người này sẽ bị trừng phạt bằng những biện pháp như đóng băng tài sản tại Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.

Các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương cũng được yêu cầu phải đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không sử dụng lực lượng lao động bị cưỡng ép tại đây.

Dự luật Duy Ngô Nhĩ đã nhận được sự ủng hộ áp đảo của các nhà lập pháp ở cả hai đảng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc “ngược đãi và đàn áp không ngừng” những người Duy Ngô Nhĩ.

“Hôm nay, với dự luật được lưỡng đảng thông qua áp đảo, quốc hội Mỹ đang có bước đi cứng rắn để phản đối hành vi lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ”, bà Pelosi tuyên bố.

Truyền thông Mỹ: ĐCSTQ lên kế hoạch xây dựng thế hệ người Duy Ngô Nhĩ mới

Liên Hợp Quốc ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc, gọi các trại giam giữ quy mô lớn tại Tân Cương là “các trung tâm huấn luyện giáo dục”, thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố dự luật đã “cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và làm mất uy tín các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực này”.

Dự luật mới nhất về người Duy Ngô Nhĩ được đưa ra khi quan hệ Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng vì dịch COVID-19, chiến tranh thương mại, biển Đông và các vấn đề Hồng Kông. Trong chiến lược kinh tế mới nhất, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ cần cố gắng tự chủ, tập trung vào thị trường trong nước trước nguy cơ bị cô lập.

Xuân Lan 

Xem thêm: