Hai nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ kêu gọi Nhật Bản thắt chặt hạn chế bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc và cảnh báo rằng nếu Nhật Bản trì hoãn hành động, Washington có thể tăng cường hạn chế đối với các công ty Nhật Bản hoặc thắt chặt các quy định trợ cấp. Một khi các công ty Nhật Bản bán cho Trung Quốc thiết bị chip tiên tiến, họ sẽ không thể nhận được trợ cấp bán dẫn của Mỹ.

Chip Trung Quoc
(Nguồn: William Potter/ Shutterstock)

Ông John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (Select Committee on the CCP), và ông Raja Krishnamoorthi, Nghị sĩ hàng đầu của Đảng Dân chủ, đã gửi một lá thư (PDF) cho Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Shigeo Yamada vào ngày 15/10, nêu ra mối quan ngại của họ.

Họ kêu gọi ông Yamada Shigeo giải quyết vấn đề thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản chảy sang Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Bức thư viết: “Dòng thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan sang Trung Quốc đã làm tăng đáng kể sự phụ thuộc toàn cầu vào khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng việc xuất khẩu những thiết bị chip này sang Trung Quốc sẽ gây ra rủi ro an ninh quốc gia lâu dài, không chỉ đe dọa Mỹ mà còn đe dọa cả Nhật Bản và Hà Lan.”

Ông John Moolenaar và ông Raja Krishnamoorthi viết trong thư rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tích cực sử dụng thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan để thành lập cơ sở công nghiệp sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Ước tính rằng trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ kiểm soát khoảng 50% công suất xưởng đúc từ 50 đến 180 nanomet trên thế giới.

Họ cảnh báo rằng những con chip truyền thống mà ĐCSTQ tìm cách đóng vai trò chủ đạo (sản xuất) vẫn là “huyết mạch của nền kinh tế và quân sự hiện đại”.

Bức thư nói rằng việc không giải quyết những vấn đề này thông qua các nỗ lực đa phương sẽ cho phép ĐCSTQ cản trở việc sản xuất vũ khí cần thiết và hàng tiêu dùng hiện đại.

Washington cũng lo ngại rằng nếu ĐCSTQ có khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, thì ĐCSTQ có thể tăng tốc hoạt động tình báo quân sự và làm gia tăng đáng kể mối đe dọa quân sự do ĐCSTQ đặt ra.

Họ cho biết, các cuộc đàm phán về kiểm soát xuất khẩu đa phương đang phải đối mặt với sự chậm trễ, một phần vì các công ty lo ngại rằng việc kiểm soát chặt chẽ hơn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Tuy nhiên, hai nhà lập pháp chỉ ra rằng chỉ trong 5 năm qua, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất thế giới, bao gồm Applied Materials, Lam Research, ASML và Tokyo Electron, đã tăng lần lượt 309%, 254%, 214% và 155%.

Bức thư viết: “Vì Mỹ và Châu Âu đã đầu tư hàng tỷ đô la để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong nước, nên tuyên bố của ngành thiết bị chip rằng việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sẽ có tác động đáng kể đến lợi nhuận ròng của họ, là đặc biệt không thuyết phục.”

Các nhà lập pháp nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan là rất quan trọng để kiềm chế tham vọng công nghệ của ĐCSTQ.

Mỹ hy vọng Tokyo và Amsterdam sẽ tuân theo các quy định của Washington, cấm nhân viên Nhật Bản và Hà Lan duy tu (sửa chữa, tu bổ để duy trì hoạt động) thiết bị chip tiên tiến ở Trung Quốc.

Nhật Bản và Hà Lan không muốn các quy định mới được thực thi trước cuộc bầu cử Mỹ. Nhật Bản lo ngại ĐCSTQ có thể thực hiện các biện pháp trả đũa bằng cách cấm bán khoáng sản quan trọng cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, điều này sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Vào tháng 9, các quan chức Bắc Kinh liên tục đe dọa sẽ có hành động trả đũa trong các cuộc gặp với những người đồng cấp Tokyo.

Hai nhà lập pháp cho biết, hành động đa phương vẫn là cách tốt nhất để đối phó với mối đe dọa từ ĐCSTQ, nhưng họ nhấn mạnh rằng Mỹ có những lựa chọn khác. Trong đó có một biện pháp khác đó là áp dụng “Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài” (FDPR), đảm bảo rằng bất kỳ thiết bị chip chính xác nào được sản xuất tại Nhật Bản hoặc nơi khác sử dụng công nghệ Mỹ đều phải có giấy phép xuất khẩu của Mỹ trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bức thư cũng đề cập rằng Mỹ có thể thiết lập các biện pháp bảo vệ bổ sung đối với các quỹ theo “Đạo luật Khoa học và CHIPS” (CHIPS and Science Act) để loại trừ các công ty hoặc quốc gia xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.