Hai phóng viên Reuters người Myanmar bị tuyên án 7 năm tù
- Hùng Cường
- •
Phiên tòa sơ thẩm tại Yangon, Myanmar hôm thứ Hai (3/9) đã tuyên án hai phóng viên Reuters người địa phương 7 năm tù vì vi phạm luật về bí mật nhà nước. Quốc tế đã lên án mạnh mẽ phán quyết của giới chức Myanmar.
Hai phóng viên Reuters khẳng định họ không làm gì sai và sẽ tiếp tục đấu tranh cho tự do báo chí.
Theo Reuters, thẩm phán Ye Lwin của tòa án quận phía bắc Yangon đã tuyên bố rằng hai phóng viên Wa Lone (32 tuổi) và Kyaw Soe Oo (28 tuổi) đã vi phạm Đạo luật Bí mật Chính thức có từ thời thuộc địa khi họ thu thập và có được các tài liệu mật.
“Các bị cáo… đã vi phạm Điều 3.1.c Đạo luật Bí mật Chính thức, và bị kết án 7 năm tù”, thẩm phán Ye Lwin nói và ông này cho biết thêm rằng thời gian hai bị cáo bị bắt tạm giam từ 12/12/2017 cũng sẽ được tính vào thời gian chịu án tù. Các bị cáo có quyền kháng cáo lên tòa án khu vực và sau đó là tòa án tối cao.
Theo Reuters, có khoảng ít nhất 50 người có mặt trong phòng xử án nhỏ và nhiều người đứng bên ngoài. Thẩm phán Ye Lwin đã đọc bản tóm tắt lời khai chứng khoảng 1 giờ trước khi tuyên bố phán quyết của ông dành cho hai bị cáo.
Thẩm phán Ye Lwin nói rằng giới chức đã phát hiện hai phóng viên có sở hữu “tài liệu mật”, những thông tin hữu ích cho “kẻ thủ của nhà nước và các tổ chức khủng bố”.
Hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã không nhận tội và nói với tòa rằng chính cảnh sát đã đưa các tài liệu cho họ trong quá trình họ đưa tin về tình trạng bạo lực tại bang Rakhine.
Tổ chức Ủng hộ Tự do Báo chí, Liên Hiệp Quốc, Liên minh Châu Âu và nhiều nước như Mỹ, Canada và Úc đã kêu gọi giới chức Myanmar tha bổng cho các phóng viên của Reuters.
Trong một tuyên bố phát đi sau khi có phán quyết của tòa, Tổng biên tập Reuters Stephen J Adler cho hay: “Hôm nay là một ngày buồn đối với Myanmar, với các phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo của Reuters và với báo giới khắp nơi”.
“Chúng tôi sẽ không đợi trong khi Wa Lone và Kyaw Soe Oo phải chịu bất công này và chúng tôi sẽ tìm cách trong những ngày tới, trong đó có kêu gọi hỗ trợ trong một diễn đàn quốc tế”, ông Stephen J Adler nói thêm.
Kết thúc phiên tòa phóng viên Wa Lone đã bắt tay người ủng hộ, nói họ đừng lo lắng. Trong khi bị còng tay và có cảnh sát áp giải, Wa Lone đã nói chuyện với một nhóm bạn bè và phóng viên.
“Chúng tôi biết điều chúng tôi đã làm. Chúng tôi biết chúng tôi không làm gì sai. Tôi không sợ hãi. Tôi tin vào công lý, dân chủ và tự do”, anh Wa Lone nói.
Phóng viên Kyaw Soe Oo cũng nói rằng anh và đồng nghiệp của mình khẳng định không có tội và họ sẽ tiếp tục đấu tranh cho tự do báo chí.
“Điều tôi muốn nói với chính phủ [Myanmar] là: Quý vị có thể đưa chúng tôi vào tù, nhưng không thể che mắt, bịt tai người dân”, anh Kyaw Soe Oo nhấn mạnh.
Đại sứ Mỹ tại Myanmar Scot Marciel cũng có mặt tại phiên tòa nói rằng ông rất buồn cho hai phóng viên và cho Myanmar.
“Đó là một vấn đề đáng lo ngại … người ta phải hỏi liệu quá trình này sẽ tăng hay giảm niềm tin của người dân Myanmar đối với hệ thống tư pháp của họ”, Đại sứ Marciel nói với báo giới.
Điều phối viên thường trú tại Myanmar của Cơ quan Cư trú và Nhân đạo Liên Hiệp Quốc Knut Ostby cũng bày tỏ thất vọng về bản án đối với hai phóng viên Reuters.
“Liên Hiệp Quốc nhất quán kêu gọi thả tự do cho các phóng viên Reuters và thúc giục giới chức [Myanmar] hãy tôn trọng quyền mưu cầu tự do biểu đạt và tự do thông tin”, ông Knut Ostby nói.
Đại sứ Anh Quốc tại Myanmar Dan Chugg, thay mặt cho các thành viên Liên minh Châu Âu, cho biết bản án nêu trên đã “giáng đòn nặng vào nền pháp quyền”.
Reuters đã liên hệ với chính quyền Myanmar nhưng phát ngôn viên Zaw Htay đã không phản hồi yêu cầu bình luận về bản án dành cho hai phóng viên Reuters. Ông Zaw Htay đã từ chối nói về toàn bộ tiến trình tố tụng và chỉ cho biết tòa án là độc lập và vụ án này sẽ được thực thi theo pháp luật.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa phóng viên Reuters Myanmar tự do báo chí