Hiệp định Đầu tư TQ – EU: Phiên bản cùng cực của chủ nghĩa thỏa hiệp đương đại
- Trần Phá Không
- •
Sau đàm phán kéo dài 7 ngày, Hiệp định đầu tư Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU), ban đầu dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào ngày 22/12/2020, vẫn đi vào ngõ cụt vì sự phản đối của một số nước thành viên EU, đặc biệt là Pháp. Đàm phán căng thẳng diễn ra đến ngày cuối cùng của năm 2020, rốt cuộc các bên cũng đạt thỏa thuận trong hiệp định này. Được biết, mấu chốt của bước ngoặc là do sự can thiệp mạnh mẽ vào phút chót của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình.
Về phía Trung Quốc, đại khái ông Tập Cận Bình đã quyết định đồng ý miệng về hai điều kiện do Pháp đề xuất: 1) Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường nhiều hơn; 2) ĐCSTQ sẽ chấm dứt vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương cũng như không xuất khẩu vải bông do họ làm ra. Những lời hứa bằng miệng không khó đối với ĐCSTQ, và ông Tập Cận Bình hiện đang nắm mọi quyền hành nên chuyện ông ta ra mặt hứa cũng không khó đáp ứng.
Về phía nước Đức, ngoài việc là quốc gia và nền kinh tế lớn nhất EU, có ảnh hưởng và tiếng nói lớn nhất, thì Đức còn đang giữ cương vị chủ tịch luân phiên của EU. Bà Merkel tận dụng lợi thế địa vị để gấp rút hoàn thiện vấn đề trong ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên.
Bắc Kinh vì thể diện, không muốn trực tiếp bày tỏ vấn đề Tân Cương, thay vào đó họ dùng những từ như: “Trong lĩnh vực lao động và môi trường, Trung Quốc hứa sẽ không hạ thấp các tiêu chuẩn bảo hộ để thu hút đầu tư, không sử dụng tiêu chuẩn về lao động và môi trường làm mục đích của chủ nghĩa bảo hộ, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế được quy định trong hiệp ước liên quan. Trung Quốc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trung Quốc cũng cam kết sẽ nỗ lực để phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đồng thời đưa ra các cam kết cụ thể đối với hai công ước cơ bản của ILO về lao động cưỡng bức chưa được phê chuẩn.”
“Cam kết sẽ nỗ lực để phê chuẩn”, cách nói kỳ quái này vạch trần đầy đủ tính cách tiêu cực, khiên cưỡng, đối phó của ĐCSTQ, cho thấy họ có thể sẵn sàng giở trò, lợi dụng sơ hở, trì hoãn, che đậy, cho thấy không có lòng thành thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và bãi bỏ lao động cưỡng bức. Đây chắc chắn là bản chất của ĐCSTQ, và đó cũng là thói quen lừa dối Mỹ và phương Tây của ĐCSTQ trong hơn 40 năm qua, chỉ là ngày nay họ vẫn muốn lặp lại thủ đoạn cũ này tại châu Âu.
Chiêu này trải qua nhiều thập niên đã giải thích cho sự trỗi dậy của Trung Quốc (ĐCSTQ) và sự suy thoái của (nền dân chủ) Mỹ. Đây là lý do khiến Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và bắt đầu cuộc chiến thương mại với họ. Trong tình cảnh này, lẽ nào các nhà lãnh đạo EU và Đức hoàn toàn ‘lờ đi’? Thực tế, không phải Đức hay EU ‘phớt lờ gác bỏ ngoài tai’, mà vấn đề chủ yếu nằm ở bà Merkel. Bà ấy sắp giải nhiệm chức Thủ tướng Đức đã đảm nhận trong 4 nhiệm kỳ tổng cộng là 16 năm, dự kiến nghỉ hưu vào năm nay 2021. Bà Merkel không chỉ tận dụng khoảng thời gian cuối cùng với tư cách là chủ tịch luân phiên của EU, mà còn tận dụng cơ hội cuối cùng khi bà ấy sắp từ chức Thủ tướng Đức, để mạo hiểm hoàn tất thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc-EU nhằm cố gắng để lại dấu ấn của cái gọi là “di sản chính trị”.
Tuy nhiên, đây là loại di sản chính trị nào? Bối cảnh của thời đại là gì?
Về đối nội, ĐCSTQ đã xây dựng một trại tập trung lớn ở Tân Cương, cho hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh vào các trại tập trung, đã khôi phục những hành động tàn bạo mà Đức Quốc xã đã gây ra trong thế kỷ trước; ĐCSTQ đã ngang nhiên xé bỏ Tuyên bố chung Trung-Anh, đập tan nguyên tắc “Một nước, hai chế độ”, đập tan “Hòn ngọc Phương Đông”, trả thù những người Hồng Kông biểu tình phản đối, thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố quốc gia ở Hồng Kông.
Về đối ngoại, ĐCSTQ đã đe dọa Đài Loan, tấn công Ấn Độ và bắt nạt các nước nhỏ xung quanh Biển Đông; ĐCSTQ chưa bao giờ tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ trên quy mô lớn từ các nước phát triển như Mỹ và châu Âu; kể từ năm 2020 đã gieo rắc dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ra thế giới bằng thủ đoạn che giấu, phong tỏa và gian lận, làm đại dịch lan ra toàn thế giới tấn công 191 quốc gia…
Những gì ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ đã làm là thách thức người dân Trung Quốc cũng như người dân thế giới. Với tư thế ngạo nghễ của “độc tài bất khả chiến bại” và “độc đảng bất khả chiến bại”, ông Tập và ĐCSTQ đã điên cuồng thách thức những giá trị của văn minh nhân loại. Vậy mà trước khi giải nhiệm, Thủ tướng Đức Merkel đã khao khát đạt được một “thỏa thuận đầu tư” với kẻ thù công khai của nhân loại như vậy, để có được cái gọi là thành tựu và “di sản chính trị” của cá nhân, thật đáng kinh ngạc vì tầm nhìn hạn hẹp và vị lợi như vậy!
Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU, phiên bản cuối cùng của chủ nghĩa xoa dịu đương đại, thậm chí còn tồi tệ hơn cả Thủ tướng Anh Neville Chamberlain của thế kỷ trước (nổi tiếng với chính sách ngoại giao nhân nhượng). Chính phủ Pháp thừa nhận: đối mặt ĐCSTQ ngày nay, nước Mỹ đã thức tỉnh, châu Âu thức tỉnh muộn hơn nhưng cũng đang thức tỉnh. Nhưng Thủ tướng Đức Merkel hoàn toàn ngược lại, dường như là một ngoại lệ hiếm hoi.
Trước khi rời nhiệm sở, bà Merkel hăng hái mở toang cánh cửa châu Âu, nghĩ đó là “việc lớn” làm được, để dẫn đường cho ‘trộm’ cho ‘sói’ tiến vào. Sự ích kỷ và thiển cận của bà Merkel và sự dung túng cho những kẻ ác còn gấp nhiều lần ông Chamberlain! Những nguy hiểm và thiệt hại tiềm ẩn mà bà Merkel mang lại cho châu Âu trong tương lai nhiều gấp nhiều lần những nguy hiểm và thiệt hại tiềm ẩn mà Chamberlain đã mang lại cho châu Âu trước đây!
Trần Phá Không
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm và ý kiến của cá nhân tác giả)
Nguồn: Đài Á Châu Tự Do
Xem thêm:
Từ khóa ĐCSTQ Angela Merkel Dòng sự kiện Liên minh Châu Âu EU Hiệp định đầu tư Tập Cận Bình