Quốc gia ở châu Âu thân Bắc Kinh nhất phải trả giá đắt
- Lộ Khắc
- •
Theo thông tin từ truyền thông châu Âu, đầu năm 2020 khi mới nổ ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), Tổng thống Vucic (Aleksandar Vucic) của Serbia đã tức giận tuyên bố rằng không còn cần dựa vào hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), Serbia chỉ có thể trông chờ vào một đồng minh là Trung Quốc.
Ngày 15/5/2017, Tổng thống Vucic của Serbia đã bắt tay lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ chào mừng của Diễn đàn “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh (Nguồn: KENZABURO FUKUHARA/AFP/Getty Images).
Kể từ khi khởi động sáng kiến “Vành đai và Con đường” đến nay, Bắc Kinh đã đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hàng chục quốc gia/khu vực: từ hầm mỏ đến đường cao tốc, công xưởng đến đường sắt, còn đối với Serbia thì đầu tư của Trung Quốc đã đổ vào kể từ năm 2016.
Vấn đề hiện diện của Trung Quốc ở Serbia không phải là mới, mối liên hệ giữa hai nước được khởi động từ thời kỳ Serbia của bạo chúa Slobodan Milosevic (bị kết tội diệt chủng và chết trong tù), nhưng khi đó chỉ có thể thấy được có tồn tại ảnh hưởng Trung Quốc trong các sự kiện văn hóa hiếm hoi và cộng đồng thương gia nhỏ của Trung Quốc ở New Beograd.
Trong bài phát biểu của mình vào đầu năm nay, ông Vucic đã mô tả mối quan hệ giữa hai nước là “tình hữu nghị như thép”, ví von này tương ứng với việc gần đây Tập đoàn HBIS của Trung Quốc đã mua một nhà máy thép ở Smederevo. Thương vụ đã rất có lợi cho Trung Quốc vì khoản nợ 300 triệu euro của nhà máy thép này do người nộp thuế Serbia gánh chịu, dự án được mô tả như “kế hoạch cứu tinh” cho thành phố và toàn bộ nền kinh tế Serbia.
Tuy nhiên, Vladimir Milik, một nhà hoạt động phi chính phủ, nói với Euronews rằng bụi do nhà máy thép này tạo ra đã làm ô nhiễm mọi thứ trong phạm vi 10km xung quanh. “Chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng. Mọi người đang ho, bạn không thể mở cửa sổ, và thậm chí cây cối cũng bị bụi bao phủ. Chúng tôi không thể bán sản phẩm của mình…”, Milik cho biết.
Milik kể rằng người dân địa phương đang chuẩn bị đệ đơn kiện công ty, mặc dù một số lượng lớn các kiến nghị và báo cáo về vấn đề ô nhiễm đã được gửi đến các cơ quan chức năng của Serbia, nhưng cho đến nay chưa thấy các nhà chức trách có động thái nào. “Chúng tôi đã ra đường phản đối, nhưng Chính phủ và công ty vẫn im lặng. Thậm chí chúng tôi còn phát hiện ra rằng Chính phủ sẽ cho công ty quyền sử dụng miễn phí cảng địa phương trên sông Danube trong thời gian 50 năm tới.”
Tình hình ở Bor cũng tương tự. Tuần trước hàng ngàn người dân thành phố Bor đã xuống đường phản đối tình trạng ô nhiễm. Trước đó hồi năm 2018, một công ty Trung Quốc là Zijin Mining đã mua một công ty khai thác khoáng sản tại thành phố này.
Đây là khu liên hợp mỏ đồng lớn nhất vùng Balkan, hoạt động của các công ty Trung Quốc đã khiến tình trạng ô nhiễm gia tăng. Vào tháng Chín vừa qua, hàm lượng lưu huỳnh điôxít được ghi nhận trong không khí là 1645 mg, gấp hơn 10 lần so với 125 mg được pháp luật cho phép.
Một chính trị gia đối lập ở địa phương là Elena Zivkovich cho biết vào năm ngoái, thạch tín trong không khí cao gấp 200 lần nồng độ cho phép. Hàm lượng kim loại nặng được tìm thấy cũng vượt mức cho phép. Elena kể: “Khi chúng tôi yêu cầu công khai số liệu chính thức về tác động của nó đối với sức khỏe cộng đồng, có bao nhiêu bệnh nhân mới trong khu vực mắc bệnh phổi và ung thư, chúng tôi không nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.”
Kể từ khi mua lại vào năm 2018, tòa án Serbia đã ba lần xử phạt công ty Zijin Mining của Trung Quốc vì vấn đề ô nhiễm. Tuy nhiên, theo luật pháp địa phương, số tiền phạt này không được vượt quá 26.000 Euro.
Cả hai tập đoàn Zijin và HBIS của Trung Quốc đều không phản hồi đề nghị bình luận về vấn đề này. Chính phủ Serbia cũng không trả lời các câu hỏi do European News gửi.
Giới bình luận có lo ngại rằng Serbia đã trở thành trường hợp thử nghiệm và hình mẫu về đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Âu nghèo túng và nợ nần chồng chất, vô số tài sản thuộc sở hữu nhà nước được bán cho Trung Quốc, trong khi cư dân địa phương phải trả giá đắt cho thiệt hại môi trường, còn công ty gây ra thì không chịu trách nhiệm.
Serbia cần gấp rút đầu tư, còn nhà chức trách thì bày tỏ sẵn sàng bỏ qua các thỏa thuận quy định thông thường để nhanh chóng chuyển giao các tài sản yếu kém, bao gồm cả việc gần đây bán khu sông ở Beograd cho một công ty từ UAE.
Đồng thời, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Serbia luôn song hành với hợp tác an ninh, quân sự. Nếu không vì chịu áp lực từ Washington thì có lẽ Serbia đã mua hệ thống tên lửa FK-3 của Trung Quốc, trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc sử dụng hệ thống này.
Tuy nhiên, Serbia đã có được máy bay không người lái CH-92A của Trung Quốc, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Aleksandar Vulin của Serbia tuyên bố rằng Trung Quốc đã tặng thiết bị quân sự cho nước này.
Đổi lại, Trung Quốc nhận được hỗ trợ chính trị từ Beograd, bao gồm cả sự ủng hộ của Serbia đối với Bắc Kinh trong chính sách với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Serbia là quốc gia châu Âu duy nhất ủng hộ tuyên bố của Bắc Kinh “chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan” ở Tây Bắc Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Voksanovic của nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại tại LSE IDEAS thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng Serbia ở Balkan để tiếp cận châu Âu.
Serbia là một ứng cử viên của EU, nhưng nước này vẫn chưa gia nhập EU. Bắc Kinh hy vọng sẽ có được chỗ đứng ở châu Âu mà không phải chịu gánh nặng pháp lý như gia nhập EU chính thức.
Tháng 9/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời Tổng thống Vucic của Serbia và nhà lãnh đạo Thaci của Kosovo đến Nhà Trắng để ký thỏa thuận hợp tác kinh tế. Điều này giúp củng cố ổn định chính trị ở Balkans.
Thời kỳ chính quyền Trump nắm quyền tại Nhà Trắng thì Serbia cũng thân thiết với Mỹ, nhưng nỗ lực của họ để cùng lúc có thể xích lại gần Trung Quốc và Mỹ thì gặp nhiều thách thức.
Gần đây tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã lắp đặt gần 1.000 camera độ nét cao tại 60 địa điểm chính ở Beograd, các camera này sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt và biển số xe cũng như hệ thống quản lý video. Ngoài ra, Serbia còn có kế hoạch hợp tác với Huawei để xây dựng một trung tâm dữ liệu ở thành phố lớn thứ tư của Serbia là Kragjevac.
Nhà nghiên cứu Voksanovic cho biết: “Đây sẽ là một tình thế khó xử. Beograd có thể tranh thủ, nhưng khi Washington ngăn chặn Huawei thì Serbia không thể không thể hiện lập trường rõ ràng. Điều này sớm muộn gì cũng phải thấy.”
Lộ Khắc
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Quan hệ Trung Quốc - Serbia Aleksandar Vucic