Hoa Kỳ đã bổ nhiệm một “điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng” mới vào thứ Hai (20/12), người sẽ được giao nhiệm vụ khởi động lại cuộc đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Trung Quốc, cũng như thúc đẩy việc “tôn trọng nhân quyền” đối với người Tây Tạng.

Embed from Getty Images

Thứ trưởng Ngoại giao Uzra Zeya đã được bổ nhiệm vào vai trò mới này. Theo Ngoại trưởng Blinken, điều này đã thể hiện cam kết của mình trong việc giải quyết các vấn đề Tây Tạng.

Trong khi tiếp tục phục vụ trong vai trò hiện tại, bà Zeya sẽ “thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và Đức Đạt Lai Lạt Ma, các đại diện của ông, hoặc các nhà lãnh đạo Tây Tạng được bầu cử một cách dân chủ”, ông Blinken nói.

“Bà ấy sẽ thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người Tây Tạng, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”, ông nói thêm.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng đã bổ nhiệm quan chức cho vị trí tương tự.

Tổng thống Joe Biden đã bị thúc ép phải hành động sau khi một nhóm lưỡng đảng từ Quốc hội viết thư cho ông vào giữa tháng 12, yêu cầu ông gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện đã 86 tuổi, và thúc ép Trung Quốc khởi động lại các cuộc đàm phán đã kết thúc hơn 12 năm trước.

Năm nay, Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày mà họ gọi là “giải phóng hòa bình” của Tây Tạng, khi chế độ cộng sản nắm quyền kiểm soát vùng Himalaya rộng lớn sau Nội chiến Trung Quốc.

Năm 1959, sau một cuộc bạo động thất bại chống lại sự hiện diện của Trung Quốc ở Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chạy sang Ấn Độ.

Những người ủng hộ ông cáo buộc chính phủ Trung Quốc đàn áp văn hóa và tôn giáo Tây Tạng bằng cách phá hủy hàng nghìn thánh địa và tổ chức một chiến lược Hán hóa toàn diện tại đây. 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hôm 20/12 đã lên tiếng chỉ trích quyết định bổ nhiệm bà Zeya là “thao túng chính trị.”

“Mỹ nên ngừng can thiệp việc nội bộ của Trung Quốc hoặc gây bất ổn cho Tây Tạng,” theo Đại sứ quán Trung Quốc.

Lê Vy

Xem thêm: