Hòa Nga đấu Trung? — Tiềm năng Ngoại trưởng Mỹ Rubio chủ trương
- Nhật Tân
- •
Trung Quốc đã bằng các biện pháp gian lận để trở thành một siêu cường “nguy hiểm”, theo Macro Rubio nhận định trong phiên điều trần xác nhận trước khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Trong khi nói Mỹ phải quyết tâm bảo vệ Đài Loan, ông Rubio né tránh đề cập tới vai trò của Mỹ tại NATO ở Châu Âu, đồng thời khẳng định phải “kết thúc sớm” chiến tranh Ukraine, và bác bỏ mạnh mẽ việc Mỹ phải cố gắng duy trì “trật tự toàn cầu” được hình thành từ sau Chiến tranh Lạnh, gọi đó là một “ảo tưởng nguy hiểm.”
Hôm Thứ Tư, Macro Rubio, hiện là một thượng nghị sỹ của Đảng Cộng hòa từ tiểu bang Florida trong phiên điều trần xác nhận kéo dài và rất quan trọng hôm Thứ Tư tại Quốc hội, như một ứng viên mà Tân Tổng thống Trump đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ, đã đưa ra nhiều nhận định khác nhau về chính sách đối ngoại của Mỹ, về rất nhiều phương diện.
Nổi bật nhất là chủ trương thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu so với chủ trương của chính quyền Biden: Quyết định nhắm thẳng vào Trung Quốc, giảm thiểu việc tham dự vào Ukraine và Châu Âu, đồng thời tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề quốc nội của chính nước Mỹ.
Về trật tự toàn cầu và nội chính Mỹ
“Trong khi Mỹ nhiều khi đặt vấn đề trật tự toàn cầu (global order) ở mức ưu tiên cao hơn lợi ích của chính chúng ta, thì các quốc gia khác luôn luôn hành động, và luôn luôn muốn làm, theo những gì mà họ cho là tốt nhất cho đất nước họ,” ông Rubio nói. “Thay vì hòa vào trật tự toàn cầu [được hình thành] sau Chiến tranh Lạnh, thì họ thao túng nó để phục vụ lợi ích của bản thân họ, bằng vào phí tổn của [nước Mỹ] chúng ta.”
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh được coi là kết thúc và Liên Xô tan rã, người ta nhìn nhận rằng thế giới bước vào hình thế đơn cực, với Mỹ là siêu cường duy nhất. Khuynh hướng toàn cầu hóa, cùng với trật tự toàn cầu được hình thành trên nền tảng đó, là có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, với lao động rẻ tiền từ Trung Quốc, (ngoài vấn đề nhân quyền khi đề cập tới lao động nô lệ), ông Rubio nhận định, thì hiện nay khuynh hướng toàn cầu hóa có lợi cho Trung Quốc hơn là cho Mỹ.
Có đoạn, ông nói: “Trật tự toàn cầu hậu chiến tranh, đơn giản đã là lạc hậu rồi, và nó đã trở thành vũ khí được dùng để chống lại [nước Mỹ] chúng ta.”
Theo France 24 bình luận, ông Rubio vậy là hoàn toàn bác bỏ chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, và chuyển sang quan điểm “người Mỹ trên hết” (American first) của ông Trump.
“Bức tường Berlin sụp đổ và kèm theo đó là sự kết thúc của một đế chế tà ác,” ông Rubio nói. “Chiến tranh Lạnh qua nhiều năm rồi đã kết thúc và dẫn tới sự xuất hiện một nhận thức chung của cả lưỡng đảng [của Mỹ]. Một nhận thức chung rằng chúng ta đã tới cái đích cuối cùng của lịch sử, rằng cuối cùng tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ trở thành các thành viên của cộng đồng phương Tây gồm các nước theo dạng thức tự do dân chủ, rằng chính sách đối ngoại vốn để phục vụ lợi ích quốc gia cần được thay bằng chính sách vì trật tự toàn cầu tự do, và rằng toàn nhân loại cuối cùng chú định rồi sẽ từ bỏ chủ quyền dân tộc và định hình dân tộc (national sovereignty and national identity) để trở thành một gia đình lớn toàn nhân loại và các công dân của toàn thế giới. Điều ấy không phải là một ảo tưởng bình thường, mà bây giờ chúng ta đã biết, điều ấy là một ảo tưởng nguy hiểm.”
Về Trung Quốc
“[Người Mỹ] chúng ta đã đón chào ĐCSTQ gia nhập trật tự toàn cầu. Và họ (ĐCSTQ) đã lợi dụng tất cả những lợi ích từ đó, nhưng lại lờ đi tất cả các trách nhiệm và ràng buộc,” ông Rubio bình luận. “Họ bằng cách chèn ép, gian lận, lừa đối, bẻ khóa, trộm cắp, đối với người Mỹ để đạt được vị thế cường quốc toàn cầu.”
Theo ông, Trung Quốc đã trở thành “kẻ thù ngang hàng mạnh mẽ và nguy hiểm nhất mà quốc gia [chúng ta] từng đối mặt,” và cảnh báo rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ không có hành động thích đáng.
“Nếu chúng ta tiếp tục theo lộ tuyến hiện nay, thì chỉ trong không đầy 10 năm nữa, hầu như mọi thứ quan trọng trong cuộc sống chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có cho phép chúng ta có nó hay không — mọi thứ từ thuốc huyết áp cao mà chúng ta dùng cho đến những bộ phim mà chúng ta xem,” ông Rubio nói.
Về vấn đề Đài Loan, quốc đảo tự trị, nhưng mà hiện nay đang được chính quyền Bắc Kinh khẳng định là phải thuộc quyền quản lý của mình, thì ông Rubio nói Mỹ nhất định phải làm sao để tránh “sự can thiệp quân sự mang tính thảm họa [từ Bắc Kinh].”
“Trừ phi có thay đổi bất ngờ đáng kể nào đó, ví dụ như có sự thay đổi về cán cân [giữa Đài Loan và Trung Quốc] dẫn tới việc họ cho rằng phí tổn để can thiệp vào Đài Loan trở nên quá cao, thì [người Mỹ] chúng ta vẫn là phải xử lý vấn đề đó trước khi thập kỷ này kết thúc,” ông Rubio nói.
Về chiến tranh Ukraine, NATO và Châu Âu
Khi được hỏi về quan hệ của Mỹ với NATO, khối quân lớn nhất thế giới nhưng lại tự xưng là một liên minh phòng thủ, rằng liệu Mỹ có nên tiếp tục giữ “vai trò phòng thủ chủ yếu chính”(the primary defense role) trong NATO hay không, như một “lực lượng chống xâm lược” (backstop to aggression), thì ông Rubio đã né tránh trả lời chi tiết, và cho rằng Châu Âu cần đứng ra nhận nhiều hơn trách nhiệm về phương diện này.
Về chiến tranh Ukraine, ông tái khẳng định lập trường rằng chiến tranh cần kết thúc sớm, điều mà ông Trump đã hứa hẹn khi tranh cử.
“Nga không có cơ hội nào chiếm toàn bộ Ukraine được đâu,” ông Rubio lập luận. “Nhưng mà cũng là điều không thực tế nếu tin rằng Ukraine có thể lấy lại được phần lãnh thổ đã bị chiếm đóng.”
Theo ông, kéo dài chiến tranh sẽ không có lợi, đặc biệt là đối với người Ukraine, hiện đang ở thế yếu hơn về quân sự.
“Hàng triệu người Ukraine không còn sống ở quê hương và có thể không bao giờ quay trở lại. Cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đang sụp đổ, việc xây dựng lại sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ USD và nhiều thập kỷ,” ông Rubio nói. “Vấn đề của Ukraine không phải là hết tiền, mà là hết người Ukraine”.
Ông Rubio lập luận rằng Mỹ cần tìm kiếm những thỏa hiệp để đạt được lệnh ngừng bắn, bao gồm khả năng đóng băng các chiến tuyến hiện tại và công nhận tính trung lập của Ukraine, tức là không gia nhập NATO.
Trong khi chính quyền mới vẫn không loại bỏ khả năng Nga còn có ý định nào đó, ông Rubio nhấn mạnh rằng việc kết thúc chiến tranh là điều cần thiết để tránh rủi ro leo thang, bao gồm cả nguy cơ xảy ra xung đột NATO-Nga. “Cuộc chiến này phải kết thúc. Mọi người hãy nên thực tế: Nga, Ukraine, và Mỹ, đều sẽ phải nhượng bộ,” ông nói với các nhà lập pháp tham dự phiên điều trần.
- Một sự cố nho nhỏ khi có người, dường như là người biểu tình, tới và làm mất trật tự tại phiên điều trần tại Quốc hội:
Macro Rubio, 54 tuổi, chuyên ngành luật, hiện là thượng nghị sỹ của Đảng Cộng hòa từ tiểu bang Florida kể từ năm 2011.
Ông từng được coi là nhân vật hiếu chiến (hawk) trong đảng, và trước đây từng bị Donald Trump chế giễu về việc này. Tuy nhiên, hiện nay ông đã gia nhập nhóm ông Trump. Ông Rubio cũng từng ủng hộ mạnh mẽ việc hậu thuẫn chính quyền Kiev trong sự nghiệp chống Nga.
Nếu trở thành ngoại trưởng Mỹ, điều gần như chắc chắn, ông Rubio, người xuất xứ từ gia đình lao động di cư từ Cuba, sẽ là nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đầu tiên có gốc Tây Ban Nha (Hispanic) và thành thạo ngôn ngữ này.
Trong phiên điều trần kéo dài nhiều giờ đồng hồ xác nhận các ứng viên cho chính quyền mới, ngoài ông Rubio, còn có một số ứng viên khác. Trong đó có Pam Bondi, người dự kiến sẽ trở thành Tổng Chưởng lý. Về chủ đề ân xá cho những người bị kết án tù liên quan tới vụ J6 (vụ náo loạn hôm 6/1/2021 ở Capitol), thì bà Bondi trả lời rằng bà cần xét mỗi người “theo từng trường hợp cụ thể,” và bà lên án các hành động trái với luật pháp. Ông Trump chọn bà Bondi sau khi Matt Gaetz, lựa chọn đầu tiên của ông Trump, đã bị loại do một số cáo buộc về trả tiền mua dâm gái vị thành niên và một vài cáo buộc khác.
Nhật Tân
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Marco Rubio Chiến tranh Nga - Ukraine