Nhà đầu tư và chuyên gia Doug Casey nói rằng trào lưu tư tưởng “thức tỉnh” và sự trỗi dậy của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là một trong những dấu hiệu cảnh báo nền văn minh phương Tây sắp sụp đổ. Cuốn sách “Đầu tư khủng hoảng” (Crisis Investing) của ông từng lọt vào danh sách thuộc loại phi tiểu thuyết bán chạy, cuốn sách đi sâu vào nghiên cứu vào thảo luận về cuộc khủng hoảng đang rình rập mà nền văn minh phương Tây đang phải đối mặt. Trong các ấn phẩm và cuộc phỏng vấn podcast sau đó, nhà đầu tư kỳ cựu này đã phân tích các dấu hiệu cảnh báo xuất hiện trong xã hội ngày nay, dựa trên nghiên cứu của ông về sự suy tàn của các đế chế như La Mã cổ đại. Trong cuộc phỏng vấn với Daily Mail, ông đã liệt kê 7 dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền văn minh phương Tây sắp chấm dứt. 

Doug Casey 2
Nhà đầu tư và chuyên gia Doug Casey. (Ảnh: Chụp màn hình)

Ông Casey nói: “Nền văn minh phương Tây là nền văn minh đáng chú ý nhất trong lịch sử loài người và nó đang chết dần. Tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc về điều này. Thành thật mà nói, đây là nền văn minh duy nhất trong lịch sử thực sự quan trọng.”

Học bài học từ Rome

Ông Cayce cho rằng sự suy tàn của Đế chế La Mã mang đến cho chúng ta những bài học quan trọng. Rome lúc đó không chỉ mở rộng bằng đường biển và đường bộ, mà còn gặp khó khăn do thuế quá cao và lạm phát. Các chuyên gia như ông Joseph Tainter, giáo sư tại Đại học Utah, chỉ ra rằng sự phức tạp hóa quá mức thường dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống. Còn ông Casey cho rằng nhiều hiện tượng trong xã hội ngày nay đang lặp lại sai lầm lịch sử này.

Ông giải thích rằng tư tưởng tự do là trung tâm của nền văn minh phương Tây, nhưng hiện đang bị xói mòn bởi làn sóng ‘văn hóa xóa sổ’ (Cancel Culture), sự ‘đúng đắn chính trị’ và tội tư tưởng. Ông nhấn mạnh:

“Tự do tư tưởng là kho báu quý giá chỉ có ở phương Tây, nhưng nó đang bị xóa bỏ. Kéo theo đó là sự suy giảm của quyền tự do ngôn luận”.

Thị trường tự do và sự tập trung quyền lực

Ông Casey cho rằng sự suy thoái của thị trường tự do cũng là một dấu hiệu báo động đỏ. Ông chỉ ra rằng trong thời kỳ suy tàn của Đế chế La Mã, quyền lực của chính phủ được mở rộng đáng kể và các quyền tự do cá nhân bị siết chặt. Ông nói: “Những người tin vào sự toàn năng của chính phủ, tin rằng nhà nước có quyền can thiệp vào mọi công việc, loại tư tưởng này trong xã hội hiện đại cũng đang trỗi dậy.”

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy trong thế kỷ qua, chi tiêu chính phủ tính theo tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 5%-10% lên 40%, thậm chí đạt tới 60% ở các quốc gia như Pháp và Ý. Ông Casey lập luận rằng điều này giống hệt như sự suy tàn của Rome, khi quyền lực được tập trung quá mức, các cựu binh đổ về thành phố để trở thành những người phụ thuộc vào phúc lợi.

Chủ nghĩa cá nhân và lý tính bị xói mòn

Ông Casey nói thêm rằng xã hội hiện đại đang hủy diệt chủ nghĩa cá nhân. Ông nói: “Dưới sự chủ đạo của ‘chính trị bản sắc’ (identity politics), mọi người không còn được coi là cá thể độc lập nữa, mà được phân loại là thành viên của một nhóm nhất định, chẳng hạn như chủng tộc hoặc giới tính.”

Ngoài ra, lý tính và khoa học đang bị gạt ra ngoài lề. Ông nói thêm: “Nhiều người phản đối tiến bộ khoa học và công nghệ, bởi vì tiến bộ thường dẫn đến bất bình đẳng. Văn hóa không gian an toàn đang bóp nghẹt tư duy lý tính.”

Cuộc khủng hoảng về quyền sở hữu tài sản và quyền riêng tư

Ông Casey cảnh báo rằng sự suy giảm khái niệm về quyền sở hữu đang làm thay đổi cơ cấu xã hội. Trong thời đại “cho thuê mọi thứ”, từ ô tô đến điện thoại thông minh, mọi người ngày càng mất đi quyền sở hữu thực tế đối với tài sản của mình. Ông trích dẫn Diễn đàn Kinh tế Davos: “Trong tương lai bạn sẽ không có gì, nhưng bạn sẽ rất vui vẻ.” 

Đồng thời, sự biến mất của tiền mặt và sự gia tăng của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) càng đe dọa thêm đến quyền riêng tư cá nhân. Ông nói: “Sau khi CBDC được triển khai, tài sản, giao dịch và quyền riêng tư của bạn sẽ bị theo dõi và bị tước đoạt. Điều này sẽ phá hủy hoàn toàn pháo đài cuối cùng về quyền riêng tư và chủ nghĩa cá nhân.”

Sự tan rã của nền pháp trị

Casey chỉ ra rằng nền pháp trị đăng bị thay thế bằng hàng triệu quy định vi mô, và sự phức tạp này khiến cho nền pháp trị thực sự bị biến thành một ảo tưởng. Ông than thở: “Tôi tiếc nuối về sự suy tàn của Mỹ. Đế quốc Anh cũng trải qua số phận tương tự, và ngày nay nước Mỹ cũng đang lặp lại sai lầm tương tự”.

Viễn cảnh lạc quan

Mặc dù ông Casey bị nhiều người coi là “người bi quan”, nhưng ông nói rằng ông rất lạc quan về tương lai lâu dài của nhân loại. Ông tin rằng cuối cùng con người có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại và khám phá không gian. Ông kết luận: “Sau sự sụp đổ của hệ thống hiện tại, có lẽ chúng ta có thể chào đón một sự tái sinh thực sự”.

Theo Daily Mail (Trí Đạt biên dịch)