Truyền thông nhà nước Iran đưa tin hôm Chủ Nhật, trích lời một quan chức quân sự cấp cao của Iran, rằng Iran đã “khôi phục” mạng lưới phòng không từng bị Israel tấn công dữ dội trong cuộc xung đột tháng trước.

Abbas Araghchi
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tham dự cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (không có trong ảnh) sau cuộc hội đàm tại Moskva vào ngày 18 tháng 4 năm 2025. (Ảnh: TATYANA MAKEYEVA/POOL/AFP via Getty Images)

Tháng 6 vừa qua, Israel đã nhắm vào mạng lưới phòng không của Iran trước khi tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân và các mục tiêu quân sự khác của nước này. Iran đã trả đũa, các cuộc tấn công liên tục diễn trong 12 ngày.

Israel nhanh chóng tuyên bố rằng họ đã thiết lập được “quyền ưu tiên trên không tuyệt đối” đối với thủ đô Iran và khu vực phía tây Tehran, nghĩa là họ có thể vận hành máy bay tiên tiến trên bầu trời Iran mà không lo bị phòng không bắn hạ.

Việc Israel vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Iran cũng mở đường cho máy bay Mỹ tấn công 3 cơ sở hạt nhân của Iran. Iran sau đó đã tấn công căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ tại Qatar trước khi lệnh ngừng bắn được ký kết.

Chuẩn đô đốc Mahmoud Mousavi, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Cộng hòa Hồi giáo Iran, cho biết trong các bình luận được một số phương tiện truyền thông nhà nước và các kênh bán chính thức đăng tải rằng “mục tiêu đầu tiên” của Israel trong cuộc chiến tranh giữa hai nước diễn ra vào tháng 6 là các hệ thống radar và phòng không của Iran.

Ông Mousavi cho biết “một số” hệ thống phòng không đã bị hư hại. Cố vấn an ninh quốc gia Israel, Tzachi Hanegbi, cho biết vào tháng 6 rằng quân đội Israel đã phá hủy “hàng chục” hệ thống phòng không của Iran.

“Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các chiến binh, các hệ thống bị hư hỏng đã được thay thế và triển khai tại các địa điểm đã định trước”, ông Mousavi nói. Về vấn đề này, phía quân đội Israel từ chối bình luận khi được Newsweek liên hệ vào Chủ nhật.

Iran có nhiều loại hệ thống phòng không, bao gồm các hệ thống mặt đất cỡ lớn được thiết kế để đánh chặn tên lửa tiên tiến hoặc giữ máy bay tránh xa các mục tiêu quan trọng. Iran đã vận hành hỗn hợp các hệ thống phòng không sản xuất trong nước và nhập khẩu, bao gồm hệ thống tầm xa S-300 do Nga sản xuất và hệ thống Tor tầm ngắn hơn.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định các cơ sở hạt nhân của Iran đã bị “phá hủy” sau cuộc không kích của Mỹ hồi tháng trước, được gọi là Chiến dịch Búa Nửa Đêm. Một số đánh giá tình báo tỏ ra thận trọng hơn khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của bom và tên lửa “phá boongke” của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Iran từ lâu vẫn khẳng định chương trình hạt nhân của họ là hòa bình, nhưng các quan chức nước này đã công khai thảo luận về việc liệu Tehran có cần vũ khí hạt nhân hay không. Các chuyên gia cho biết uranium làm giàu ở mức cao, vượt xa mức cần thiết cho phát triển hạt nhân phi vũ khí, đã được tìm thấy ở Iran, và sẽ không khó để Tehran thực hiện bước nhảy vọt hướng tới vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng 6, Israel tuyên bố chính phủ Iran đang trên bờ vực sở hữu vũ khí hạt nhân, điều mà Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây khác liên tục coi là không thể chấp nhận được. Sau cuộc không kích của Hoa Kỳ, Iran đã ngừng hợp tác với các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran đưa tin hôm Chủ nhật rằng Tehran đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Anh, Pháp và Đức, trích dẫn một nguồn tin giấu tên. Newsweek không thể xác minh thông tin này.

Pháp, Anh và Đức đã nói với Iran vào thứ Năm (17/7) rằng họ sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trừ khi nước này ngay lập tức mở lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân và đưa ra kết quả cụ thể vào cuối tháng 8.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Araghchi, phát biểu hôm thứ Sáu (18/7) rằng “bất kỳ vòng đàm phán mới nào cũng chỉ có thể diễn ra khi bên kia sẵn sàng cho một thỏa thuận hạt nhân công bằng, cân bằng và cùng có lợi”. Nếu Pháp, Anh và Đức – hoặc Liên minh Châu Âu – “muốn có vai trò”, ông Araghchi nói, “họ nên hành động có trách nhiệm và từ bỏ các chính sách đe dọa và gây sức ép đã lỗi thời, bao gồm cả chính sách ‘hồi phục’ mà họ hoàn toàn không có cơ sở đạo đức và pháp lý”.

Thuật ngữ này đề cập đến quá trình tái lập lệnh trừng phạt.

Bộ trưởng ngoại giao cho biết: “Hoa Kỳ là bên rút khỏi thỏa thuận đàm phán kéo dài hai năm – do EU điều phối vào năm 2015 – chứ không phải Iran; và Hoa Kỳ là bên rời khỏi bàn đàm phán vào tháng 6 năm nay và chọn giải pháp quân sự, chứ không phải Iran”.

Ông Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), trong nhiệm kỳ đầu tiên. Thỏa thuận này được ký kết vào năm 2015.