Israel dự định đi đầu trong việc tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4
- Phan Anh
- •
Mới đây, một nhóm các chuyên gia thuộc Chính phủ Israel đã khuyến cáo rằng nhân viên y tế, người trên 60 tuổi và những nhóm nguy cơ khác nên tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4, ít nhất sau 4 tháng kể từ thời điểm tiêm liều thứ 3. Thủ tướng Naftali Bennett đã hoan nghênh khuyến nghị này và yêu cầu các quan chức chuẩn bị một chiến dịch phân phối vắc-xin, đồng nghĩa với việc Israel có khả năng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai việc tiêm liều thứ 4 cho một số nhóm người nhất định.
Ông Naftali Bennett cho biết: “Công dân Israel là những người đầu tiên trên thế giới tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 3 và chúng tôi cũng đang tiếp tục đi tiên phong với liều thứ 4”.
Khuyến nghị trên của nhóm chuyên gia cần có sự phê duyệt cuối cùng của Tổng giám đốc Bộ Y tế Nachman Ash trước khi có hiệu lực.
Israel trước đó đã đi tiên phong trong việc tiêm liều vắc-xin thứ 3, triển khai cho các nhóm có nguy cơ trước khi tiêm trên diện rộng chỉ trong vòng vài tuần sau đó. Tính đến nay, có hơn 4 triệu người Israel đã tiêm liều thứ 3 trong tổng số 9,3 triệu dân.
Bộ Y tế Israel cho biết những người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và người có hệ miễn dịch bị suy giảm thuộc nhóm đủ điều kiện tiêm liều thứ 4 ở thời điểm 4 tháng sau liều thứ 3. Khoảng cách khuyến cáo giữa liều thứ 2 và thứ 3 đang được rút ngắn từ 5 tháng xuống còn 3 tháng.
Nghiên cứu về liều vắc-xin thứ 4 hiện đang được thực hiện tại Trung tâm Y tế Sheba nhưng vẫn chưa được công bố. Sheba cho hay rằng họ đang tiến hành một nghiên cứu về tính khả thi của mũi vắc-xin thứ 4 trong một cuộc thử nghiệm với khoảng 200 tình nguyện viên, với mục đích kiểm tra ảnh hưởng của mức độ kháng thể. Bệnh viện cho biết đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới liên quan đến vấn đề này và được thực hiện với sự hợp tác của Bộ Y tế.
Giáo sư Galia Rahav, người đứng đầu đơn vị bệnh truyền nhiễm của Sheba, đồng thời là thành viên của hội đồng chuyên gia, cho hay rằng quyết định đề xuất tiêm liều thứ 4 là “không đơn giản” bởi dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ được cung cấp bởi mũi vắc-xin thứ 3 đang suy yếu.
Hôm 21/12 vừa qua, Israel ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron là một người đàn ông hơn 60 tuổi có bệnh nền và đã tiêm 2 liều vắc-xin ngừa COVID-19. Bộ Y tế nước này cho biết rằng có 170 bệnh nhân Omicron được ghi nhận nhận vào ngày 21/12, qua đó nâng tổng số ca nhiễm chủng mới lên 341 người, tăng gấp đôi so với 1 ngày trước đó. Đáng chú ý là trong số các bệnh nhân có 246 người đã tiêm 3 liều vắc-xin hoặc tiêm liều 2 trong vòng 6 tháng trở lại đây. Ngoài ra, có 807 người khác hiện đang nghi nhiễm Omicron và đang chờ kết quả xét nghiệm chính thức.
Hôm 20/12, Thủ tướng Naftali Bennett cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ 5 đã bắt đầu và người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định đã ban hành. Một số biện pháp được Israel xác định là quan trọng hàng đầu gồm đẩy mạnh tiêm vắc-xin, nhất là với trẻ em, và giữ giãn cách xã hội hết mức có thể. Ngoài ra, nước này cũng thường xuyên cập nhật danh sách các nước nơi biến thể Omicron đang lây lan mạnh. Công dân Israel bị cấm đi tới các quốc gia nằm trong danh sách này, trường hợp ngoại lệ do một ủy ban đặc biệt xét duyệt.
Tính đến ngày 21/12, Israel đã tiêm vắc-xin COVID-19 cho hơn 6,4 triệu người. Trong số này có hơn 5,8 triệu người đã tiêm 2 liều và hơn 4,1 triệu người tiêm 3 liều vắc-xin. Trong 2 ngày gần đây, số ca lây nhiễm COVID-19 tại Israel đã vượt qua con số 1.000 ca/ngày. Tính đến nay, Israel đã ghi gần 1,358 triệu người mắc COVID-19, trong đó có 8.232 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân hiện nay là hơn 8.300 người, trong đó có 82 ca nặng.
Theo Times of Israel,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa COVID-19 tại Israel tiêm liều vắc-xin COVID-19 thứ 4