Sau khi hoàn thành 3 đợt trao đổi con tin lấy tù nhân, thời gian đếm ngược cho thỏa thuận đình chiến kéo dài 4 ngày giữa Israel – Hamas bắt đầu. Các nước như Mỹ, Pháp, v.v, đều hy vọng Israel sẽ đồng ý gia hạn ngừng bắn để tất cả con tin có thể được thả. Hamas cho biết họ sẽ đồng ý gia hạn từ 2 – 4 ngày. 

Hamas
Đợt trao trả con tin lấy tù binh lần thứ 3 giữa Hamas và Israel. (Ảnh chụp màn hình video)

Israel đang chịu áp lực rất lớn trong việc gia hạn hoặc không gia hạn lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Điều mà quân đội Israel lo ngại là động lực mạnh mẽ trong việc “xóa sổ Hamas” sẽ dần bị đình trệ trong việc buộc phải chấp nhận khuôn khổ “con tin trao đổi tù nhân” này.

Cần phải nói rằng Israel buộc phải chấp nhận thỏa thuận “dùng con tin trao đổi” tù nhân này do Qatar chủ đạo, được Mỹ và Ai Cập ủng hộ. Trong cuộc chiến kéo dài gần 50 ngày, quân đội Israel tin rằng mình đang tiến gần hơn đến mục tiêu “tiêu diệt” Hamas ngày này qua ngày khác, tuy nhiên, trước áp lực to lớn từ người thân của các con tin và dư luận quốc tế, Israel đã chấp nhận thỏa hiệp với kẻ thù không đội trời chung của mình là Hamas.

Cứ sau 24 giờ, chỉ cần tiếng súng không vang lên, hơn 10 con tin Israel bị Hamas bắt giữ sẽ được thả để đổi lấy các tù nhân Palestine bị Israel cầm tù.

Đến cuối ngày thứ ba của lệnh ngừng bắn, ba đợt trao đổi đã hoàn tất, theo thỏa thuận, trong vòng 4 ngày, Hamas sẽ thả 50 con tin Israel và Israel sẽ thả 150 tù nhân Palestine. Đến nay, các con tin lần lượt được thả theo thỏa thuận, đáp ứng yêu cầu mạnh mẽ của dư luận Israel và cũng giúp Hamas tổ chức lại lực lượng sau nhiều tuần chiến tranh tàn khốc.

Đồng thời, nhiều chính phủ, trong đó có Mỹ, đang tích cực vận động hành lang để tránh tái diễn chiến tranh và ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Andreas Krieg của King’s College London nói với AFP: “Thời gian là bất lợi đối với Israel”, ông tóm tắt tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chính quyền Israel phải đối mặt: “Một mặt, anh muốn tất cả các con tin được thả, vì anh biết biện pháp quân sự sẽ không giải quyết được. Mặt khác, anh không muốn đánh mất đà chiến tranh”.

Quân đội Israel không hề giấu giếm mong muốn mạnh mẽ được tiếp tục nổ súng. Ngày 7/10, Hamas phát động cuộc tấn công hiếm hoi trong lịch sử nhằm vào Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt 240 người làm con tin.

Chính phủ Netanyahu của Israel tuyên bố sẽ “tiêu diệt” Hamas và do đó bắt đầu ném bom suốt ngày đêm vào hành lang đông dân cư ở Gaza, khiến hơn 15.000 người, trong đó có hơn 6.000 trẻ em và thanh thiếu niên, thiệt mạng trong các vụ đánh bom, hầu hết là dân thường. Israel đã bao vây và phong tỏa Gaza, cắt điện, nước và nhiên liệu, và một phần lớn trong số 2,5 triệu cư dân Gaza đã buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Ông Netanyahu, người phải đối mặt với sự chỉ trích từ dư luận trong nước sau khi Israel gặp phải một cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, đã đến Gaza vào Chủ nhật, là người đứng đầu chính phủ Israel đầu tiên đến thăm kể từ năm 2005. Ông Netanyahu nhắc lại việc tái khởi động cuộc chiến: “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi giành chiến thắng và không gì có thể ngăn cản chúng tôi”.

Ông Netanyahu chưa bao giờ để ý đến “áp lực quốc tế”. Ông Arik Rudnitzky thuộc Trung tâm Moshe Dayan của Đại học Tel Aviv, cho rằng áp lực lớn nhất nhằm kéo dài thỏa thuận ngừng bắn “đến từ bên trong nước Israel, từ gia đình các con tin”.

Hàng chục ngàn người biểu tình đã tập trung tại trung tâm Tel Aviv hôm thứ Bảy (25/11), hô vang: “Bây giờ, tất cả mọi người, không còn ai nữa, hãy cứu họ khỏi địa ngục!”

Tuy nhiên, một tướng quân đội Israel giấu tên nói với AFP: Quân đội đang phải đối mặt với một “tình thế tiến thoái lưỡng nan khủng khiếp”, thời gian ngừng bắn càng kéo dài thì Hamas sẽ càng có nhiều thời gian để “phục hồi, xây dựng lại năng lực và tấn công Israel lần nữa”.

Qatar, quốc gia có văn phòng đại diện của Hamas và có mặt ở khắp nơi kể từ khi chiến tranh giữa Israel và Hamas bùng nổ, cũng đang rất nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari cho biết, quốc gia của ông đang nỗ lực đảm bảo giao tranh không tái diễn nhằm “duy trì xu hướng” cho lệnh ngừng bắn lâu dài.

Ông nói: “Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu có ý chí chính trị, không chỉ giữa người Israel và người Palestine, mà còn giữa các đối tác khác”.

Tổng thống Mỹ Biden, người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Israel, hôm Chủ nhật (26/11) cho biết ông hy vọng “đình chiến sẽ tiếp tục sau thứ Hai”. Thật vậy, khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đang đến gần, cuộc chiến ở Ukraine dường như đang đi vào bế tắc và Washington không muốn có một cuộc xung đột khác kéo dài.

Ông Andreas Krieger nói: “Do đó, chính quyền phải tìm lối thoát. Không có giải pháp quân sự. Đây là một cuộc chiến không thể phân thắng bại”.

Theo AFP, hãng tin này đã nhận được tin tức từ các nguồn thân cận với Hamas hôm Chủ nhật rằng Hamas “đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn hiện tại thêm 2 – 4 ngày”.

Trí Đạt