Kết quả bầu cử giữa kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ Mỹ – Đài Loan?
- Tống Đường
- •
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều đạt được thống nhất rộng rãi về lập trường trong vấn đề Đài Loan. Bất kể kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ như thế nào, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan sẽ không thay đổi đáng kể.
Nhưng các chuyên gia cho rằng Đảng Dân chủ có thể nghiêng về việc duy trì hiện trạng nếu họ giữ được đa số ghế như hiện tại ở Quốc hội; trong khi đó, nếu Hạ viện và Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, thì có thể thấy lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và lập trường ủng hộ Đài Loan hơn.
Một tiền lệ là vào năm 1994, chính quyền Clinton đã cố gắng nâng cao quan hệ Mỹ – Đài Loan, nhưng vẫn hạn chế các quan chức cấp cao của Chính phủ Đài Loan xin thị thực Mỹ. Năm 1994, khi Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich nói rõ rằng không chỉ Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc có thể đến thăm Mỹ, mà bản thân Trung Hoa Dân Quốc phải có một ghế tại Liên Hiệp Quốc, buộc chính quyền Clinton nhượng bộ.
Đảng Dân chủ muốn giữ nguyên hiện trạng
Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới của Mỹ, vì kết quả sẽ xác định hướng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Bởi vì kết quả này có thể có tác động đối với Đài Loan và các mối quan hệ xuyên eo biển.
Ông Sean King, phó chủ tịch hãng vận động hành lang Park Strategies của Mỹ, cho biết: “Tôi nghĩ Bắc Kinh có thể hơi cảnh giác với sự thống trị của Đảng Cộng hòa đối với Hạ viện, bởi vì họ nghĩ rằng Đảng Cộng hòa sẽ thúc đẩy Nhà Trắng, làm những điều có thể khiến Bắc Kinh tức giận, chẳng hạn như trong lĩnh vực công nghệ, vấn đề Biển Đông, hoặc các lĩnh vực khác.”
Ông Sean King nói với Channel NewsAsia (CNA): “Nhưng ở chính vấn đề Đài Loan, (Bắc Kinh) biết rằng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nói chung có quan điểm đồng thuận. Vì vậy, tôi không nghĩ sẽ thấy bất kỳ sự khác biệt nào.”
Nếu Đảng Dân chủ có thể nắm giữ cả hai viện của Quốc hội, chính sách Đài Loan của chính quyền Biden sẽ có tính liên tục, tức là nó sẽ có xu hướng duy trì hiện trạng.
Ông Kwei-Bo Huang tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan cho biết, “Đảng Dân chủ có thể muốn bảo vệ Đài Loan, nhưng họ sẽ không sử dụng Đài Loan như một quân cờ để khiêu khích Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ).”
Theo yêu cầu của Nhà Trắng, trong Đạo luật Chính sách Đài Loan gần đây nhất, Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, đã loại bỏ ngôn từ có thể khiến Bắc Kinh tức giận, ông King nói. Ví dụ, nguyên văn yêu cầu đổi tên “Văn phòng Đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc” của các cơ quan ngoại giao ở Mỹ là “Văn phòng Đại diện Đài Loan” và “Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan” được đổi tên thành “Văn phòng đại diện Mỹ”; nguyên văn trao cho Đài Loan địa vị “đồng minh chính ngoài NATO” (major non-NATO ally), sau khi hiệu đính lại thì sửa thành coi Đài Loan là một “đồng minh chính ngoài NATO” về chuyển giao vũ khí, v.v. để đối đãi với Đài Loan.
Nhưng dự luật vẫn giữ lại một loạt các chương trình, chẳng hạn như bán vũ khí cho Đài Loan và tài trợ quân sự. Các chuyên gia dự đoán rằng dự luật có thể được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng vào cuối năm nay, được đánh dấu là viện trợ quân sự 6,5 tỷ USD cho Đài Loan, và yêu cầu đưa Đài Loan vào “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” (IPEF).
Nhưng nếu Đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát, họ có thể không muốn bỏ những ngôn từ đó, ông King nói thêm. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jim Risch đã chỉ trích chính quyền Biden vì can thiệp vào lập pháp. “Nhà Trắng đã gây đủ ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách Đài Loan, và hiện giờ vẫn đang tiếp diễn … Họ không nên can thiệp vào quy trình lập pháp.”
Một số nhà quan sát cho rằng lập trường chống cộng của Đảng Cộng hòa gây được tiếng vang lớn hơn với cử tri. Ông Tobita Chow, giám đốc của Justice Is Global, nói với South China Morning Post rằng khi Đảng Dân chủ thúc đẩy cử tri suy nghĩ nhiều hơn về Trung Quốc, nghĩa là khi họ cố gắng cạnh tranh với Đảng Cộng hòa về việc ai có thể đối phó tốt hơn với mối đe dọa từ Trung Quốc, “rất nhiều khi, họ (cử tri) sau đó chuyển sang cánh hữu, bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa.”
Đảng Cộng hòa nhấn mạnh sự phản đối ý thức hệ cộng sản
Mặc dù Đảng Cộng hòa không có khả năng thực hiện những thay đổi quy mô lớn đối với chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, nhưng các nhà phân tích cho biết họ mong đợi sẽ làm việc chăm chỉ hơn trong một số vấn đề, chẳng hạn như bớt mơ hồ hơn và cung cấp cho Đài Loan nhiều vũ khí hơn.
Ông Kwei-Bo Huang nói rằng Đảng Cộng hòa ủng hộ việc có lập trường cứng rắn hơn chống lại ĐCSTQ. “Nếu Đảng Cộng hòa thắng, chắc chắn họ sẽ đưa ra một đề xuất tại Thượng viện có thể khác với chính sách hiện tại của ông Biden.”
Bà Sheena Chestnut Greitens, một giáo sư tại phân hiệu Austin của Đại học Texas, nói với U.S. News & World Report rằng “phần lớn trọng tâm trong Quốc hội là tập trung vào các vấn đề như mơ hồ về chiến lược đối với Đài Loan v.v.).
Cái gọi là “mơ hồ chiến lược” có nghĩa là Mỹ không chỉ rõ cho Bắc Kinh biết họ sẽ phản ứng như thế nào trước cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ. “Trong Quốc hội khóa tới, tôi kỳ vọng trọng tâm sẽ chuyển sang một số vấn đề thực tế rất hóc búa về khái niệm phòng ngự của Đài Loan nên như thế nào và liệu Mỹ có thể cung cấp một số năng lực và thiết bị cần thiết hay không.”
Nếu Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, ông Michael McCaul sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, điều này có thể gây áp lực lên chính quyền Biden để nhắc lại lập trường của mình đối với Đài Loan, nói rõ rằng nếu Đài Loan bị tấn công, Washington sẽ bảo vệ Đài Loan.
Vào tháng 9 năm nay, phiên bản của “Đạo luật Chính sách Đài Loan” do Hạ viện Cộng hòa Mỹ đề xuất, ngoài việc tăng cường khả năng quân sự của Đài Loan, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan phải “rõ ràng về mặt chiến lược.”
Đảng Cộng hòa cũng sẽ xem xét việc tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan. Đầu năm 2020, Đảng Cộng hòa đã thành lập “Nhóm công tác về các vấn đề Trung Quốc” để hợp tác chặt chẽ với văn phòng đối ngoại của Đài Loan nhằm thúc đẩy việc cung cấp thêm vũ khí của Mỹ cho Đài Bắc với tốc độ nhanh hơn. Ông McCall cho biết, việc bán vũ khí cho Đài Loan, mà ông đã ký 3 năm trước với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, vẫn chưa được giao cho Đài Loan.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hầu hết ủng hộ mạnh mẽ chuyến đi vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan, Lãnh đạo Hạ viện Kevin McCarthy của Đảng Cộng hòa cho biết ông sẽ thực hiện một chuyến đi tương tự nếu trở thành Chủ tịch Hạ viện.
Các nhà quan sát cũng nhận thấy rằng triết lý ngoại giao của Đảng Cộng hòa khác biệt đáng kể so với Đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa tin rằng Mỹ là ngọn hải đăng của tự do và cốt lõi của ngoại giao Mỹ là bảo vệ các quyền vốn có của người dân, vì vậy họ không hề che đậy việc chống lại hệ tư tưởng cộng sản của ĐCSTQ. Những người nổi bật là ông Pompeo và ông Marco Rubio.
Trong bài phát biểu nổi tiếng “Trung Quốc Cộng sản và Tương lai của Thế giới Tự do”, ông Pompeo nói: “Chính quyền ĐCSTQ là một chính quyền theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, và Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người thực sự tin tưởng vào một hệ tư tưởng độc tài toàn trị đã phá sản.” “Mỹ không thể tiếp tục phớt lờ những khác biệt cơ bản về chính trị và hệ tư tưởng giữa hai nước chúng ta, cũng như ĐCSTQ chưa bao giờ bỏ qua chúng.”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio là một tiếng nói quan trọng khác trong Quốc hội. Ngay từ năm 2020, khi COVID-19 tàn phá Florida, ông đã đề xuất “Đạo luật Tăng cường Quan hệ Đài Loan”. Ngôn từ của ông Rubio đánh thẳng vào các điểm mấu chốt về ý thức hệ của ĐCSTQ, vào tháng 2/2022, ông kêu gọi đổi lại tên thành “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc”.
Mặt khác, các đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng Mỹ là một quốc gia có thiếu sót, phân biệt chủng tộc, và do đó luôn cảnh giác, ngôn từ nhu hòa, và sợ bị coi là phân biệt chủng tộc.
Trong khi cũng có những thành viên Đảng Dân chủ nổi tiếng như Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Thượng nghị sĩ Ted Kennedy hay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, công khai kêu gọi Đài Loan có vị trí xứng đáng trên toàn cầu và không bao giờ keo kiệt khi khen ngợi nền dân chủ của Đài Loan. Nhưng họ có xu hướng làm nhạt tư tưởng chống cộng và không cung cấp lập pháp đầy đủ để ủng hộ.
Đảng Cộng hòa có lịch sử kiên quyết hơn trong việc chống lại ĐCSTQ
Trong những năm qua, Đảng Cộng hòa đã liên tục ca ngợi các giá trị chung của Mỹ và Đài Loan, có xu hướng chuyển tư tưởng chống ĐCSTQ sang các chính sách thân Đài Loan.
Nhìn lại lịch sử, bước ngoặt quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ – Đài là chính sách thân Đài Loan được đưa ra dưới sự lãnh đạo của ông Trump sau khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Năm 2018, ông Trump “vui vẻ” ký “Đạo luật Du lịch Đài Loan”; năm 2020, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley đề xuất “Dự luật luật Phòng thủ Đài Loan” (TDA); cùng năm, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz công nhận Quốc khánh Đài Loan và đề xuất “Dự luật Chủ quyền tượng trưng Đài Loan” (Taiwan SOS).
Trong chính quyền Obama, việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan thường bị trì hoãn hoặc bị hủy bỏ do lo ngại về mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng chính quyền Trump đã bán vũ khí cho Đài Loan nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào trong 4 thập kỷ qua. Trong những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với quan hệ Mỹ – Đài Loan, cho phép Chính phủ Mỹ tiếp xúc với Đài Loan.
Ngay cả trong thời kỳ hậu Trump, Đảng Cộng hòa dường như vẫn không hề ngừng thân Đài Loan. Vào tháng 4/2021, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Curtis đề xuất Dự luật Đoàn kết Quốc tế Đài Loan (Taiwan International Solidarity Act) nhằm chống lại việc ĐCSTQ bẻ cong ngôn ngữ, chính sách và thủ tục của các tổ chức quốc tế để liệt kê Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng Đảng Cộng hòa trong lịch sử thân Đài Loan, và sự ủng hộ quân sự của họ đối với Đài Loan hiện nay có thể và sẽ bị chi phối bởi những người Cộng hòa bảo thủ. Họ là những người theo tư tưởng chống cộng và coi trọng sức mạnh quân sự để tăng cường an ninh và hòa bình.
Từ khóa bầu cử giữa kỳ Quan hệ Mỹ Đài bầu cử giữa kỳ Mỹ 2022