Chiếc boomerang của lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 quay lại quá sớm. Vở kịch sử dụng ‘văn hóa thức tỉnh’ (woke culture) để nhại theo bức tranh nổi tiếng “Bữa tối Cuối cùng” của Leonardo da Vinci, có một nghệ sĩ giả nữ, một người mẫu chuyển giới, một ca sĩ khỏa thân ăn mặc như vị thần Hy Lạp Dionysus và một đứa trẻ, gây ra làn sóng phẫn nộ và chỉ trích trên toàn thế giới. Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 đã phải gỡ bỏ video lễ khai mạc khỏi trang web chính thức và xin lỗi người Công giáo cũng như các nhóm Kitô giáo khác.

Olympic Paris 2024
Thế vận hội Paris. (Ảnh: Getty Images)

Lễ khai Mạc Olyimpic Paris lần đầu tiên chính thức thể hiện ‘văn hóa thức tỉnh’

Người Mỹ quen thuộc với cảnh lễ khai mạc Olympic Paris, vì đó là cảnh diễn ra trong “Tháng Tự hào” ở Mỹ liên tục suốt 4 năm. Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Biden đã buộc người Mỹ phải nghỉ lễ chính thức cho ngày này, và “văn hóa cầu vồng” kể từ đó đã trở thành một phần quan trọng nhất trong các giá trị văn hóa Mỹ. Kể từ đó, các thành phố lớn do Đảng Dân chủ kiểm soát như San Francisco và New York chưa bao giờ bỏ lỡ cuộc tuần hành Tháng Tự hào.

Tuy nhiên, tác giả bài viết này nhận thấy rằng có một số cảnh tục tĩu và kỳ cục trong cuộc tuần hành Tháng Tự hào, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ khỏa thân được vẽ đầy màu sắc, người thuộc mọi giới tính bao gồm cả người chuyển giới quan hệ tình dục trên đường phố, quan hệ tình dục ba người, dây xích chó quanh cổ, bò đi trong khi để người khác dắt dây v.v., chỉ xuất hiện trong các video tự truyền thông. PBS, CNNFOX ở Mỹ luôn chỉ nói về cuộc tuần hành Tháng Tự hào một cách trừu tượng và sẽ không bao giờ hiển thị những cảnh tượng đó một cách trực quan, bởi vì văn bản sẽ để lại chỗ trống cho con người suy nghĩ, còn thể hiện một cách trực quan sẽ có tác động rất lớn đến giá trị thẩm mỹ cố hữu của con người.

Người Pháp luôn chế giễu người Mỹ là những kẻ quê mùa và vô học. Lễ khai mạc Olympic Paris này đã đạt được sự bình đẳng về mặt văn hóa với Tháng Tự hào của Mỹ. Văn hóa tự hào do LGBTQI+ tạo ra ở Mỹ cuối cùng đã được Pháp, một quốc gia văn hóa phương Tây nổi tiếng, học hỏi và bắt chước. Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào tháng 4/2021 xuất khẩu các giá trị LGBTQI+ ra thế giới bên ngoài đã được các đồng minh vốn ủng hộ ‘văn hóa cầu vồng’ bắt chước rất nhiều.

Người tán thưởng ít hơn rất nhiều so với người phê bình

Sau khi giới truyền thông phương Tây bị sốc, Reuters đã đăng một bài báo có tựa đề “Truyền thông Thế giới đánh giá như thế nào về Lễ khai mạc Thế vận hội Paris”. Bài viết trích dẫn những bình luận có phần chế giễu được các phương tiện truyền thông từ nhiều nước đưa ra, không giấu được sự bàng hoàng của các nhà bình luận. Ngôi sao bóng đá của Kansas City Chiefs, Harrison Butker, đã chỉ trích việc Olympic Paris bắt chước bức tranh ‘Bữa tối Cuối cùng’ trong một bài đăng trên Instagram Stories: “Điều này thật điên rồ!”, anh trích dẫn một đoạn trong Kinh Thánh: “Đừng để bị lừa dối, Chúa sẽ không bị cười nhạo.”

Hội đồng Giám mục Pháp cũng lên án lễ khai mạc Olympic: “Thật không may, buổi lễ này có những cảnh chế nhạo và đùa cợt Kitô giáo, chúng tôi vô cùng đáng tiếc về điều này”. Các giám mục tố cáo rằng việc chế giễu các tín đồ tôn giáo không phải “sự bao dung”; việc hình dung lại danh tính của các nhân vật thiêng liêng cũng không phải là “sự đa dạng”; viết lại lịch sử và tôn giáo theo cách bản thân thấy phù hợp cũng không phải là “sự đại diện”. Đây không phải là “nghệ thuật”.

Vào ngày 27/7, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã đăng bài trên mạng xã hội X, chỉ trích cảnh xúc phạm Cơ đốc giáo trong lễ khai mạc Olympic Paris: “Việc nhại theo ‘Bữa tối Cuối cùng’ đêm qua đã gây sốc và xúc phạm những người theo đạo Cơ đốc trên khắp thế giới đang theo dõi lễ khai mạc Thế vận hội.”

Ông Matteo Salvini, Phó thủ tướng Ý phụ trách Thế vận hội Paris, gọi cảnh tượng xúc phạm này và “thấp kém/ dung tục” , ông nói thêm: “Việc khai mạc Thế vận hội theo cách xúc phạm hàng tỷ tín đồ Cơ đốc trên khắp thế giới là một ý tưởng rất tồi”.

Sóng gió lần này cũng ảnh hưởng đến sự hợp tác của Thế vận hội Paris với các nhà tài trợ riêng lẻ trong khu vực. C Spire, một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Mỹ, đã thông báo vào ngày 28/7 rằng họ đã quyết định rút toàn bộ quảng cáo của công ty sau lễ khai mạc gây tranh cãi của Thế vận hội Paris 2024.

Trọng điểm của lễ khai mạc tập trung vào việc ‘giải cấu trúc’ văn hóa Pháp

Đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, giám đốc nghệ thuật Olympic Paris 2024 Thomas Jolly tỏ ra bối rối trước phản ứng tiêu cực đối với buổi biểu diễn. Ông giải thích trong một bài đăng trên trang web chính thức của Thế vận hội Olympic Paris:

“Ý tưởng của chúng tôi là bao dung”, “Chủ đề của chúng tôi không mang tính chất lật đổ. Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến lật đổ. Cảm hứng đằng sau tất cả các buổi biểu diễn là nhằm diễn giải lại nhận thức của thế giới về nước Pháp.”

“Điều phi thường là mọi người ở Pháp và phần còn lại của thế giới đều có quan điểm riêng về nước Pháp. Tôi muốn tận dụng điều đó và đó là chỗ tôi muốn bắt đầu – phá bỏ những chuyện cũ rích nhàm chán, bởi vì những lời lẽ nhạt nhẽo luôn đến kèm với sự vật khác.”

Jolly nói điều này nửa đúng nửa sai. Nửa đúng là thừa nhận giải cấu trúc là nền tảng triết học của lễ khai mạc (phá bỏ những khuôn sáo và diễn giải lại thế giới). Nửa sai là không dám thừa nhận rằng kiểu giải cấu trúc này là sự lật đổ từng phần. Đây là một đặc điểm của văn hóa chủ nghĩa Marx, nó cho rằng sự chia cắt liên tục đó nhẹ nhàng hơn nhiều so với cách mạng bạo lực của chủ nghĩa Marx theo tôn chỉ nguyên bản.

Chủ nghĩa giải cấu trúc (deconstructionism) vốn đã thống trị văn hóa Pháp trong nhiều năm, ra đời từ chủ nghĩa cấu trúc, còn được gọi là chủ nghĩa hậu cấu trúc. Nó là sự phủ nhận chủ nghĩa cấu trúc theo cả ý nghĩa triết học và ý nghĩa thực tiễn. Giải cấu trúc kế thừa một cách phê phán các nguyên tắc và tiêu chuẩn chính thống của chủ nghĩa hiện đại, vận dụng từ vựng của chủ nghĩa hiện đại, nhưng đảo ngược và tái cấu trúc mối quan hệ giữa các từ vựng hiện có và phủ nhận một cách hợp lý các nguyên tắc thiết kế cơ bản truyền thống (thẩm mỹ, cơ học, chức năng), từ đó tạo ra những ý nghĩa mới.

Truy ngược lại nguồn gốc, có thể nó bắt nguồn từ tuyên bố của ông Nietzsche vào cuối thế kỷ 19 rằng “Chúa đã chết” và yêu cầu “đánh giá lại mọi giá trị”. Là một xu hướng tư tưởng nổi loạn đặt câu hỏi về lý trí và lật đổ truyền thống, triết học của ông Nietzsche đã trở thành một trong những nguồn tư tưởng của chủ nghĩa giải cấu trúc. Hai phong trào tư tưởng quan trọng khác đã truyền cảm hứng và nuôi dưỡng chủ nghĩa giải cấu trúc là hiện tượng học của Heidegger và lý thuyết phê phán cánh tả của châu Âu.

Cho thế giới thấy một phiên bản giật gân của văn hóa giải cấu trúc Pháp

Từ quan điểm thực tế, vào năm 1968, một phong trào sinh viên cấp tiến được gọi là “Cơn bão tháng Năm” (hay Tháng Năm Đỏ, Bất ổn tại Pháp tháng 5/1968) đã quét qua toàn bộ thế giới tư bản châu Âu và châu Mỹ. Cuộc cách mạng mạnh mẽ này diễn ra trong thời gian ngắn và thoáng qua, nhưng tác động của nó rất sâu rộng. Trong “những năm u sầu” sau đó, cảm xúc cách mạng không thể kìm nén của các học giả cấp tiến tự nhận mình là “những người 1968” đã buộc phải chuyển sang mục đích phá bỏ sâu xa các tư tưởng hàn lâm, phá hủy và làm tan rã nhiều nền tảng phát triển mạnh mẽ khác nhau mà chủ nghĩa tư bản dựa vào, từ ngôn ngữ, niềm tin, thể chế, hệ thống, đến các chuẩn mực học thuật và mạng lưới quyền lực – nó được gọi là “giải cấu trúc”, và Jacques Derrida là một nhân vật đại diện cho chủ nghĩa giải cấu trúc.

Về tác động của “Tháng Năm Đỏ”, ông Pompidou (Tổng thống Pháp từ 1969 đến 1974), người từng phục vụ trong nội các của ông Charles de Gaulle lúc bấy giờ, hiểu rất rõ về tác động của “Tháng Năm Đỏ”. Ngay từ khi bắt đầu phong trào, ông đã chỉ ra rằng “không phải chính phủ, không phải chế độ, hay thậm chí không phải nước Pháp bị ảnh hưởng mà là nền văn minh đương đại”. Ngay sau khi cơn bão dần lắng xuống sau “thất bại kiểu thắng lợi”, ông đã công khai dự đoán: “Tất cả đều không thể giống như trước nữa”.

Trải qua sự dỡ bỏ liên tục của “chủ nghĩa giải cấu trúc”, văn hóa Pháp cuối cùng đã trở nên yếu ớt và nguy hiểm, thế giới dần bắt đầu có cảm giác: Vẻ đẹp của nước Pháp nằm trong quá khứ và cần được tìm thấy trong những giấc mơ. Năm 2011, bộ phim “Midnight in Paris” được viết kịch bản và đạo diễn bởi đạo diễn nổi tiếng Woody Allen, người được mệnh danh là “trí thức duy nhất trong làng điện ảnh Mỹ”. Chủ đề của phim là hoài niệm Paris xưa, nhân vật chính là Gil Pender, một nhà biên kịch phim nổi tiếng ở Hollywood, người hy vọng sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình ở Paris.

Nhưng ở thành phố giống như một “bữa tiệc di động” này, anh cảm thấy vô cùng bối rối. Khi đi bộ một mình trên đường phố Paris vào đêm khuya, anh lên chuyến xe điện lúc nửa đêm và du hành xuyên thời gian và không gian để trở về Paris của quá khứ, được dẫn đến một cảnh mà anh thậm chí không thể tưởng tượng được, đó là bữa tiệc của những người nổi tiếng. Tại bữa tiệc, anh không chỉ trò chuyện với những nhân vật văn hóa nổi tiếng như Hemingway, Fitzgeralds, Dali, Buñuel, mà còn có mối quan hệ cộng sinh với Adriana, người tình của Picasso. Bộ phim này sử dụng kỹ xảo cường điệu để diễn giải một kiểu hoài niệm văn hóa Pháp, và chủ đề của việc diễn giải thực chất là “vẻ đẹp của Paris đã thuộc về quá khứ”.

Một số cư dân mạng đã tìm thấy đoạn video về lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Hy Lạp năm 2004 và đưa nó lên X. Mọi người so sánh và ngạc nhiên trước sự suy tàn rõ rệt của nền văn minh châu Âu chỉ sau 20 năm.

Khi Louis XIV xây dựng Cung điện Versailles, ông có tham vọng rất lớn là xây dựng nước Pháp trở thành trung tâm văn hóa thế giới. Từ đó, sau hàng loạt các cuộc cách mạng có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Cách mạng Pháp, Công xã Paris, Tháng Năm Đỏ, rồi đến những “sự thay đổi mang tính cách mạng” trong thế giới văn hóa từ chủ nghĩa hiện sinh sang giải cấu trúc, lễ khai mạc Olympic Paris ngày nay đã chứng minh đầy đủ rằng luận chứng của nhà sử học Arnold J. Toynbee trong “Nghiên cứu lịch sử” là rất đúng: “Các nền văn minh vĩ đại không chết vì bị giết, mà là tự kết liễu”. Có thể nói, lễ khai mạc Olympic Paris, dưới hình thức một tác phẩm trực quan, từ lịch sử đến hiện thực, từ vật chất đến tinh thần, Pháp đã giải cấu trúc và tái cấu trục lại chính mình trước thế giới. Chỉ là việc tái cấu trúc này rơi vào tình trạng tiết mục thuộc tầng lớp thấp hơn mà người Pháp thường chế giễu: Nền văn hóa thức tỉnh được người Mỹ thể hiện trên đường phố trong Tháng Tự hào.

Ánh đèn sông Seine vẫn rực rỡ sắc màu, những người dưới ánh đèn đã thay đổi từ những người nổi tiếng về văn hóa hồi đó thành những người tham gia văn hóa thức tỉnh, mọi người muốn tiếp tục yêu thích nó, nhưng họ chỉ có thể thở dài “khó, khó, khó”.

Hà Thanh Liên
(Bài viết được đăng lại dưới sự cho phép của Up Media, thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, bản gốc tại đây)