Lãnh đạo Đảng trẻ nhất Hàn Quốc thề đối đầu với ‘sự tàn bạo’ của Trung Quốc
- Vy An
- •
Ông Lee Jun-seok, nhà lãnh đạo Đảng trẻ nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc, cho biết những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ của ông sẽ đẩy lùi “sự tàn bạo” của Trung Quốc, bao gồm cả các chính sách ở Hồng Kông. Điều này cho thấy sẽ có một quan điểm chính trị cứng rắn hơn với Bắc Kinh nếu Đảng của ông giành được quyền lực.
(Ông Lee Jun-seok – Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân Hàn Quốc/Nguồn ảnh: Getty Image)
Ông Lee Jun-seok 36 tuổi, từng được đào tạo tại Đại học Harvard, là nhà lãnh đạo mới của Đảng Quyền lực Nhân dân (People Power Party). Ông cho biết sự dịch chuyển giữa các thế hệ đang diễn ra và ông sẽ tận dụng điều này tại quê nhà để đưa Đảng bảo thủ của mình giành lại nhiệm kỳ Tổng thống, cũng như tại nước ngoài để củng cố lại quan hệ giữa Seoul và cộng đồng quốc tế.
Ông Lee phát biểu: “Chúng tôi chắc chắn sẽ phải chiến đấu chống lại những kẻ thù của nền dân chủ.“
Ông Lee đã từng tham gia các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019; ông cho biết phong trào ủng hộ dân chủ tại thành phố trung tâm tài chính của châu Á này gợi nhớ đến phong trào dân chủ Gwanju vào những năm 1980 đã lật đổ chính phủ chuyên quyền của Hàn Quốc.
“Chúng tôi đã cùng những người Hồng Kông khác tham gia các cuộc biểu tình, vượt qua các hàng rào cảnh sát.” Ông Lee kể lại: “Họ đã hát vang bài hát ‘March for the Beloved’ (Tạm dịch: Tháng Ba tưởng nhớ Những người yêu dấu – một bài hát kỷ niệm phong trào dân chủ Gwangju) và kêu gọi sự ủng hộ từ Hàn Quốc.”
“Các cuộc biểu tình thực sự rất khốc liệt. Đối mặt với những đoàn quân cảnh sát đang di chuyển về phía chúng tôi, cầm khiên và dùi cui, tôi tự nhận mình là một chính trị gia đến từ Hàn Quốc và … phát trực tiếp những hành vi bạo lực của họ ra thế giới bên ngoài. Nhưng chính phủ Hàn Quốc đã quay lưng với Hồng Kông.”
Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gồm rất nhiều người từng tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào những năm 1980. Tuy nhiên, ông Moon hiện vẫn “giữ kẽ” với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của đất nước mình. So với Mỹ và Liên minh châu Âu, Hàn Quốc có thái độ nhẹ nhàng hơn trong việc chỉ trích những hành vi đàn áp quyền tự trị ở Hồng Kông và lao động cưỡng bức ở Tân Cương của Bắc Kinh.
Mặc dù cam kết bảo vệ nhân quyền, nhưng chính phủ của Tổng thống Moon vẫn vấp phải sự chỉ trích từ phe đối lập vì không đưa ra quan điểm mạnh mẽ đối với các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ như Trung Quốc và Triều Tiên.
Ông Lee nhận định: “Tôi có thể chắc chắn rằng chính quyền Moon đang nghiêng về Trung Quốc”, và nói thêm rằng công chúng Hàn Quốc “không hài lòng về điều đó”.
Ông Lee cáo buộc Tổng thống Moon đã “làm tổn thương niềm tự hào của đất nước với tư cách là một nền dân chủ kiểu mẫu ở Đông Á khi tỏ thái độ thờ ơ đối với vấn đề Hồng Kông”.
Ông nói: “Các đảng viên của chúng ta phải hành động như những người bảo vệ cho nền dân chủ và chống lại những kẻ phá hoại nền dân chủ, bất kể họ ở đâu, cho dù họ ở Hồng Kông, Myanmar hay Triều Tiên.“
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trước đó đã tuyên bố rằng họ ủng hộ “mức độ tự trị cao” của Hồng Kông trong khuôn khổ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc.
Nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon sẽ kết thúc vào năm 2022, và một trong những nhiệm vụ lớn nhất của ông Lee sẽ là tìm kiếm một ứng cử viên để lãnh đạo Đảng bảo thủ của ông ấy. Ông Lee vẫn còn quá trẻ để tranh cử, vì Hiến pháp Hàn Quốc yêu cầu một người ít nhất phải 40 tuổi mới có thể trở thành tổng thống.
Ông Lee cũng đặt câu hỏi về chính sách hiện tại với chế độ Triều Tiên của nhà độc tài Kim Jong-un, người chỉ hơn ông 1 tuổi. Ông Lee cho biết nếu thống nhất 2 miền, hệ thống của Triều Tiên sẽ không có gì hữu dụng.
“Chúng ta có muốn bảo tồn bất cứ điều gì từ hệ thống kinh tế của họ không?Tôi nói không.” Ông Lee phát biểu: “Đó là một mối quan hệ khác với trước đây. Điều đó gần như có nghĩa rằng việc đàm phán với Triều Tiên có thể khó khăn hơn một chút bởi vì bây giờ chúng tôi không có gì để mất nhưng họ sẽ phải mất tất cả.”
Ông Lee Jun-seok cũng đề cập đến các vấn đề quan trọng khác:
- Giáo dục
“Khi làm việc với các bài nghiên cứu và con số, tôi hy vọng họ thực sự biết những con số đó có ý nghĩa gì. Thế hệ trẻ chắc chắn mong đợi người đại diện của họ sẽ có trình độ hơn họ.” Ông Lee chia sẻ: “Chúng tôi sẽ cung cấp các chương trình giáo dục và đào tạo cho các đảng viên hiện tại của chúng tôi. Ai có thể thích ứng với sự thay đổi đó, sẽ vượt qua được bài kiểm tra.”
- Dân chủ
“Thế hệ trẻ chắc chắn quan tâm nhiều về dân chủ. Tôi sinh năm 1985 và người dân Hàn Quốc đã giành được, hay có được nền dân chủ vào năm 1987. Chúng tôi chắc chắn sinh ra đã được hưởng đặc quyền của nền dân chủ. Thế hệ trẻ này tin rằng nếu người dân các nước khác bị tước đi đặc ân như vậy, chúng tôi sẽ cảm thấy tiếc cho họ.”
- Kim Jong-un
“Tôi nghe nói, anh ta học ở một trường phương Tây, và điều đó có nghĩa là anh ta biết các giá trị của nền dân chủ và hệ thống xã hội của một quốc gia phát triển. Vậy thì, tại sao anh ta lại hành động theo cách như vậy?”
- Thế hệ trẻ
“Tôi khá tự tin rằng họ đang thực sự mong đợi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào tháng 3 [năm] sắp tới. Họ tin họ có thể thay đổi quốc gia.”
- Bất bình đẳng giới
“Trong những năm 1960 và 1970, chắc chắn đã có một số thời điểm mà phụ nữ Hàn Quốc bị loại khỏi các cơ hội giáo dục và/hoặc cơ hội làm việc. Đó là câu chuyện về các bà mẹ của chúng ta, nhưng vào năm 2021, tôi nghĩ rằng không ai trong số các cô gái và phụ nữ Hàn Quốc sẽ bị loại khỏi chương trình giáo dục cơ sở và họ có cơ hội việc làm như nhau. Nhưng chính quyền Moon Jae-in đang cho thấy vẫn còn quá nhiều bất bình đẳng để có được sự cạnh tranh công bằng.”
- Tranh cử tổng thống vào năm 2027?
“Tất nhiên là không. Tôi tin rằng nếu bạn tranh cử tổng thống, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận về các tình huống toàn cầu vì người dân của bạn, và tôi cần được đào tạo thêm.”
Vy An (Theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Chế độ dân chủ Lee Jun-seok Lãnh đạo Đảng trẻ nhất Hàn Quốc Sự tàn bạo của Trung Quốc