Lãnh đạo NATO hy vọng cuộc phản công của Ukraine sẽ buộc Nga phải đàm phán
- Gia Huy
- •
Ngày 13/6), Tổng thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng rằng Ukraine được phương Tây hậu thuẫn đang “đạt được tiến bộ” trong cuộc phản công đẩy lùi Nga khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Phát biểu tại Phòng Bầu dục, TTK Stoltenberg lưu ý: “Người Ukraine đang đạt được tiến bộ, đang đạt được thắng lợi.”
TTK Stoltenberg, đến thăm Hoa kỳ trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Vilnius của Litva, đã đưa ra nhận xét về cách khối quân sự phương Tây hùng mạnh nhìn nhận nỗ lực của Ukraine trong việc lật ngược thế cờ trước Nga.
Người Ukraine đã bày tỏ sự lạc quan về cuộc phản công được chuẩn bị từ lâu của họ trên khắp các mặt trận phía đông và phía nam cuối cùng sẽ đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi toàn bộ đất nước của mình.
TTK Stoltenberg nhấn mạnh, chiến dịch phản công của Ukraine là một cách để Kyiv đạt lợi thế đàm phán với Nga.
Ông giải thích: “Người Ukraine càng giải phóng được nhiều vùng đất, thì họ càng có nhiều lợi thế hơn trên bàn đàm phán.”
Tổng thống Biden đã đón chào TTK Stoltenberg và ca ngợi rằng phản ứng của NATO trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến liên minh NATO trở nên mạnh mẽ hơn. TTK Stoltenberg dự kiến sẽ từ chức vào cuối nhiệm kỳ vào tháng 10.
Đề cập đến cam kết của các thành viên NATO trong việc bảo vệ lẫn nhau, Tổng thống Biden cảnh báo: “Chúng tôi đã tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của NATO, đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của NATO. Tôi xin nhắc lại lần nữa: cam kết của Hoa Kỳ đối với Điều V của NATO là vững chắc.”
Tổng thống Biden tiếp tục: “Tại hội nghị thượng đỉnh của chúng tôi ở Litva vào tháng tới, chúng tôi sẽ xây dựng trên đà đó.”
Trước đó phát biểu với đài CNN, TTK Stoltenberg lưu ý, “vẫn còn quá sớm để đoán trước điều gì sẽ xảy ra” đối với cuộc phản công của Ukraine, mà ông mô tả là “khó khăn”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố một gói viện trợ đạn dược và vũ khí hạng nặng mới trị giá 325 triệu đô la dành cho Ukraine khi cuộc tấn công lớn của nước này đang diễn ra.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh, gói viện trợ này cung cấp “những năng lực quan trọng để hỗ trợ những nỗ lực của Ukraine trong việc chiếm lại các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ, cũng như hỗ trợ lực lượng phòng không Ukraine khi họ dũng cảm bảo vệ binh lính, dân thường, và cơ sở hạn tầng quan trọng của Ukraine.”
Cảnh báo Trung Quốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh xâm lược nước láng giềng Ukraine vào tháng 2/2022, và nhanh chóng chiếm giữ các vùng lãnh thổ rộng lớn, nhưng sau đó đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt và ngày càng tăng của Ukraine.
TTK Stoltenberg tuyên bố, người Ukraine “có quyền … giải phóng vùng đất của chính họ.”
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, quyết định ủng hộ Ukraine của phương Tây chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của phương Tây nhằm duy trì sự ổn định trên toàn thế giới.
Ông lập luận: “Cuộc xâm lược tàn bạo Ukraine của Nga không chỉ tấn công vào Ukraine, mà còn tấn công vào các giá trị cốt lõi của chúng ta và những người dân tự do ở khắp mọi nơi. Và do đó, Tổng thống Putin không được chiến thắng trong cuộc chiến này bởi vì điều đó [sự chiến thắng của Nga] không chỉ là thảm kịch đối với người dân Ukraine, mà nó còn khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn.”
TTK NATO cảnh báo: “Điều đó [sự chiến thắng của Nga] sẽ gửi một thông điệp đến các nhà lãnh đạo độc tài trên khắp thế giới, kể cả ở Trung Quốc, rằng khi họ sử dụng vũ lực quân sự, họ sẽ đạt điều họ muốn.”
Cuộc gặp giữa lãnh đạo NATO và Tổng thống Biden đã được lên kế hoạch vào thứ Hai (12/6) nhưng đã bị hoãn lại do tổng thống Mỹ phải đi khám răng.
Đề cập đến sự cạnh tranh xung quanh việc ai sẽ thay thế mình làm tổng thư ký NATO sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ, ông Stoltenberg nói với đài CNN: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ tìm được một người kế nhiệm xuất sắc. Trọng tâm của tôi bây giờ là lãnh đạo liên minh này cho đến khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc, bởi vì chúng tôi đang ở giữa một cuộc chiến tại châu Âu.”
Gia Huy (Theo AFP)
Từ khóa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đàm phán hòa bình chiến tranh Ukraine