Lãnh đạo WTO cảnh báo EU, Nhật Bản, Mỹ không “nhắm mục tiêu” vào Trung Quốc
- Xuân Lan
- •
Khi một số nền kinh tế mạnh nhất thế giới tìm cách thắt chặt các quy tắc thương mại toàn cầu để đối phó với Bắc Kinh, người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới đã cảnh báo rằng họ “phải cho thấy Trung Quốc không phải là mục tiêu”, nếu không các kế hoạch cải cách sẽ phải đối mặt với “rất nhiều phản kháng”.
Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ là một vài trong số những cường quốc trên thế giới đang thúc đẩy các quy định mạnh mẽ hơn về trợ cấp công nghiệp tại WTO, cũng như yêu cầu minh bạch hơn về vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong các nền kinh tế.
Vào tháng tới, EU sẽ công bố sách trắng về trợ cấp, trong khi Nhật Bản và Mỹ đang xây dựng một tuyên bố ba bên về vấn đề này từ năm ngoái, được coi là để nhằm vào các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh.
Valdis Dombrovskis, ủy viên thương mại EU, nói với những người tham dự Ngày Chính sách Thương mại của khối vào thứ Hai: “Chúng tôi chia sẻ những lo ngại về việc mô hình kinh tế xã hội của Trung Quốc bóp méo thương mại thế giới, làm lệch lạc sân chơi bình đẳng, như trợ cấp công nghiệp và tính minh bạch về trợ cấp công nghiệp.”
Tuy nhiên, bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc mới của WTO, cảnh báo rằng việc nhắm mục tiêu trực tiếp vào Trung Quốc sẽ phản tác dụng, bởi vì với tư cách là một thành viên WTO và là một nước có quyền lực tại đó, bất kỳ cải cách nào muốn được thông qua đều phải có sự tham dự của Trung Quốc.
Bà Okonjo-Iweala nói tại sự kiện: “Chúng ta phải chứng tỏ rằng Trung Quốc không phải là mục tiêu bị nhắm vào. “Thẳng thắn mà nói rằng, khi Trung Quốc cảm thấy mình đang bị nhắm mục tiêu và là nước duy nhất bị nhắm mục tiêu, thì chúng ta sẽ gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ.”
“Nhưng nếu chúng ta trình bày điều này một cách phù hợp với các dữ kiện sẵn có, để Trung Quốc có thể thấy tác động của các chính sách của họ, [và] họ cũng có thể thấy chúng ta đang cố gắng làm điều gì đó đối với các loại trợ cấp khác, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt được một số tiến bộ.”
Ông Dombrovskis cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục với Mỹ và Nhật Bản về các vấn đề Trung Quốc và có thể dẫn đến việc “mở rộng [các cuộc đàm phán] thành một nhóm rộng hơn gồm các quốc gia cùng chí hướng”.
Bà Okonjo-Iweala cho biết bà “rất vui” khi biết rằng EU và Mỹ đang cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc bên ngoài WTO, vì nhiều vấn đề chính trị “vượt quá khả năng của chúng tôi”.
“Nhưng [họ] đôi khi có xu hướng sử dụng WTO hoặc thương mại như một loại vũ khí để giải quyết những vấn đề này, vốn dĩ không liên quan đến thương mại”, bà nói.
Okonjo-Iweala nói: “Các cuộc đàm phán với Trung Quốc rất mang tính xây dựng. “Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đặt các sự kiện lên bàn cân, về tác động tiêu cực lan tỏa từ các khoản trợ cấp công nghiệp như vậy, và chia sẻ chúng với Trung Quốc… không chỉ đối với các nước phát triển mà còn với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, họ sẽ sẵn sàng để xem xét điều đó.”
Bà Okonjo-Iweala đã trở thành lãnh đạo hàng đầu của WTO vào tháng 3 sau khoảng thời gian tổ chức này bế tắc trong việc lựa chọn tổng giám đốc do chính quyền Trump ngăn cản.
Sự kiện Ngày Chính sách Thương mại của EU được thiết kế để xem xét lại các chính sách thương mại được công bố vào tháng Hai. Tài liệu ưu tiên một cách tiếp cận mới đối với “mô hình tư bản nhà nước riêng biệt” của Trung Quốc, nói rằng nó “đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến một sân chơi bình đẳng cho các công ty châu Âu cạnh tranh trên toàn cầu và trong nước”.
Trước đó, EU đã đồng ý một thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh nhằm cung cấp thêm khả năng tiếp cận thị trường và điều kiện thương mại tốt hơn cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc đại lục.
Nhưng những tháng tiếp theo, nhiều xáo trộn đã xảy ra đối với quan hệ EU-Trung Quốc. Một tháng trước, để đối phó với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Trung Quốc kể từ lệnh cấm vận vũ khí sau cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả bằng một loạt các biện pháp trừng phạt, nhắm vào một loạt đại sứ và các thành viên của Nghị viện châu Âu.
Politico đưa tin vào Chủ nhật rằng báo cáo sắp tới của EU về Trung Quốc sẽ lên án “sự thay đổi độc đoán” của chế độ cộng sản dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi Nghị viện châu Âu sẽ tranh luận về các biện pháp trừng phạt đáp trả của Trung Quốc và các phản ứng vào hôm thứ Tư.
Các quan chức châu Âu đã đề xuất vào hôm thứ Hai rằng với việc Trung Quốc sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước này phải nhận trách nhiệm đi kèm với vị thế đó.
“[Trung Quốc] phải chấp nhận rằng họ cần đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn nhiều trong hệ thống thương mại toàn cầu; họ cần có khả năng thực hiện các cam kết tương ứng với sức nặng của họ trong hệ thống,” Ignacio Garcia Bercero, giám đốc bộ phận thương mại của EU cho biết.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Tổng Giám đốc WTO trừng phạt Trung Quốc thương mại toàn cầu Dòng sự kiện