Hai đề cử viên tổng thống 2024 của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có quan điểm khác biệt về vấn đề phá thai, và cả hai đều phải đối mặt với sự chỉ trích từ nội bộ đảng của mình.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bạn nghĩ ai sẽ đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024?

Gửi ý kiếnXem kết quả
Loading ... Loading ...
Harris Trump lap truong ve pha thai scaled
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump có quan điểm khác biệt về vấn đề phá thai. (Ảnh tổng hợp của The Epoch Times)

Đối với cử tri Hoa Kỳ, phá thai là một vấn đề nóng bỏng trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024. Cứ ba trong số bốn cử tri Hoa Kỳ nhìn nhận rằng phá thai là một vấn đề quan trọng hoặc rất quan trọng đối với họ, theo một cuộc thăm dò ý kiến ngày 13 tháng 8 của The Economist/YouGov.

Khi cuộc đua giữa ông Trump và bà Harris ngày càng thu hút sự chú ý ở cả Hoa Kỳ và trên thế giới, hãng tin The Epoch Times đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng lại lập trường của cả hai đề cử viên tổng thống về vấn đề nóng và gây tranh cãi dai dẳng: phá thai.

Qua phân tích, The Epoch Times phát hiện ra một số điểm đồng thuận hạn chế cùng nhiều bất đồng sâu sắc giữa hai đề cử viên, và một số chuyên gia nhận định rằng có một số điểm chưa rõ ràng trong lập trường ở cả hai bên.

Dưới đây là những gì The Epoch Times phân tích được về quan điểm của từng đề cử viên đối với chính sách phá thai.

Lập trường của ông Trump

Lập trường của ông Trump về vấn đề phá thai đã thay đổi dần dần theo thời gian. Trong thập niên 1990, ông tự nhận mình là một công dân ủng hộ quyền lựa chọn phá thai của phụ nữ, tuy nhiên vào năm 2011, ông đã thay đổi quan điểm thành ủng hộ quyền được sống của thai nhi.

Cựu tổng thống tuyên bố rằng ông là tổng thống chống phá thai mạnh mẽ nhất trong lịch sử, nhấn mạnh vai trò của ông giúp đề cử ba thẩm phán Tối cao Pháp viện khi ông còn tại chức, những thẩm phán này đều bỏ phiếu thuận vào năm 2022, qua đó lật ngược án lệ Roe v. Wade, một phán quyết mang tính bước ngoặt vào năm 1973 giúp hợp pháp hóa phá thai ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, lập trường của ông Trump sau khi án lệ Roe bị lật ngược đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nhà vận động chống phá thai do họ không chắc chắn về quan điểm của ông trong vấn đề này.

Đối với Đảng Cộng hòa, quan điểm phản đối phá thai đã là một phần không thể thiếu trong cương lĩnh của Đảng kể từ năm 1976.

Trước đây, khi thủ tục phá thai còn hợp pháp, Đảng Cộng hòa tập trung cắt giảm trợ cấp từ tiền thuế cho các trung tâm phá thai và cấm phá thai do giới tính không ưng ý, hay do trẻ bị khuyết tật trong thai kỳ, hoặc trong các giai đoạn muộn của thai kỳ.

Sau phán quyết, Đảng Cộng hòa phải đối mặt với những vấn đề cụ thể hơn, chẳng hạn như có nên áp dụng lệnh cấm phá thai trên toàn quốc hay không và mức độ quyết liệt mà đảng nên theo đuổi để điều chỉnh các quy định về phá thai, thuốc gây sẩy thai và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở cấp tiểu độ bang. 

Ông Trump tuyên bố rằng những vấn đề cụ thể nên để các tiểu bang tự quyết định, và cương lĩnh của Đảng Cộng hòa năm 2024 không kêu gọi lệnh cấm phá thai trên toàn quốc.

Ông đồng thời cũng chỉ trích quy định phá thai khác biệt tại một số tiểu bang. 

Ông Trump phản đối phá thai trong giai đoạn cuối, điều đã được hợp pháp hóa tại 20 tiểu bang. Ông đã chỉ trích một số luật tiểu bang đặt ra những giới hạn hẹp hơn cho phép phụ nữ phá thai, chẳng hạn như lệnh cấm phá thai sau tuần thứ sáu của thai kỳ ở tiểu bang Florida.

Tôi nghĩ sáu tuần là quá ít“, ông Trump chỉ trích trên đài NBC News vào ngày 29 tháng 8, nhưng ông cũng không nói rõ bao nhiêu tuần nên được cho phép phá thai. 

Cần phải có thêm thời gian hơn. Và tôi đã nói với họ rằng tôi muốn có thêm nhiều tuần nữa“, ông Trump nói trên NBC News. 

Một ngày sau cuộc phỏng vấn đó, ông Trump đã bày tỏ rõ ràng rằng ông sẽ bỏ phiếu chống cho một đề xuất tu chính hiến pháp ở tiểu bang Florida, mà ông nhận định là “cực đoan“. 

Tu chính án mới đề xuất rằng phụ nữ có quyền phá thai cho đến khi thai nhi có khả năng sống sót và sau đó trong những trường hợp bác sĩ nhận thấy cần phải phá thai để bảo vệ sức khỏe của người mẹ. Những nhà hoạt động phản đối tu chánh án mới lo ngại rằng rằng tu chánh án này sẽ cho phép phụ nữ phá thai cho đến khi sinh và phá thai sẽ được tài trợ bởi người đóng thuế.

Trong cùng cuộc phỏng vấn trên NBC News, ông Trump đã né tránh câu hỏi liệu ông có phủ quyết lệnh cấm phá thai liên bang hay không, mặc dù đề cử viên đồng hành tranh cử cùng ông, Thượng nghị sĩ JD Vance (Đảng Cộng hòa, Ohio), đã khẳng định ông Trump sẽ phủ quyết đạo luật như vậy.

Ông Trump tuyên bố vào ngày 30 tháng 8 rằng ông sẽ ủng hộ đạo luật yêu cầu chính phủ chi trả toàn bộ các chi phí liên quan đến IVF hoặc yêu cầu các công ty bảo hiểm tư nhân chi trả cho thủ tục này. Thủ tục IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) gây tranh cãi vì các bác sĩ phải phá hủy một số phôi thai.

Lập trường của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích từ một số đảng viên Đảng Cộng hòa chống phá thai, những chính trị gia này yêu cầu liên bang thực hiện nhiều hành động hơn đối với vấn đề này.

Nhà sáng lập và là chủ tịch của tổ chức Live Action bà Lila Rose nhận định rằng lập trường của ông Trump là sự phản bội đối với phong trào chống phá thai, đồng thời cảnh báo ông Trump rằng cựu tổng thống đang “đánh mất phiếu bầu của những cử tri chống phá thai“.

Với tình hình hiện tại, chúng ta có [đề cử viên tổng thống] ủng hộ phá thai“, bà Rose viết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 29 tháng 8. “Chiến thắng của ông Trump hiện không phải là chiến thắng của phong trào chống phá thai“. 

Bà Rose và các nhà lãnh đạo chống phá thai khác đã bớt chỉ trích ông Trump sau khi ông làm rõ thêm nhận xét của mình về tu chính án mới của Florida. Những cử tri khác vẫn hy vọng tu chánh án mới có sự điều chỉnh – nếu không phải trước cuộc bầu cử, thì ít nhất là sau đó.

Chủ tịch tổ chức Students for Life of America (Sinh viên vì Cuộc sống nguowiif Mỹ) bà Kristan Hawkins chia sẻ với The Epoch Times rằng tổ chức của bà hiện đang thúc đẩy một “thỏa thuận mới” với ông Trump để đổi lấy sự ủng hộ của cử tri chống phá thai.

Chúng tôi có rất nhiều cách để thực hiện cam kết của mình ở đây – như việc cắt giảm tài trợ và ngăn cấm Planned Parenthood, tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất quốc gia, và nhận gần 700 triệu USD từ người đóng thuế mỗi năm“, bà Hawkins nói.

Một số cư tri rõ ràng nhận thấy quan điểm của ông Trump về vấn đề phá thai khá mơ hồ.

Có vẻ như ông ấy không có bất kỳ lập trường rõ ràng nào liên quan đến phá thai và ngừa thai“, bà Alta Charo, giáo sư luật và đạo đức sinh học tại Đại học Wisconsin, chia sẻ với The Epoch Times. Bà cũng cho biết thêm rằng lập trường của ông Trump dường như đã được cân nhắc cẩn thận nhằm đáp ứng yêu cầu của những cử tri ủng hộ.

Tôi nghĩ cách duy nhất để tóm tắt lập trường của ông Trump là ‘không rõ ràng’“, bà Charo nói.

Bà Jesse Charles, một cử tri khác đến từ Romulus, Michigan, cũng nhận thấy lập trường của ông Trump không rõ ràng.

Ông ấy khiến tôi hơi bối rối“, bà Charles bày tỏ. “[Trước đây] ông ấy nói rằng ông ấy đang ủng hộ [quyền tiếp cận phá thai], và bây giờ ông ấy nói rằng ông ấy không ủng hộ nó, và bây giờ ông ấy nói rằng việc phá thai nên kéo dài hơn một chút thay vì sáu tuần. [Lập trường của] ông ấy không ổn định“, bà Charles nói. 

Lập trường của bà Harris

Phó Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, bà Kamala Harris duy trì lập trường nhất quán rằng phá thai là quyền cơ bản của phụ nữ đồng thời bày tỏ bà ủng hộ sử dụng luật pháp nhằm khôi phục quyền phá thai liên bang theo án lệ Roe v. Wade.

Theo án lệ Roe v. Wade, quyền phá thai liên bang được công nhận cho đến khi thai nhi có khả năng sống sót – thường là giữa tuần thứ 22 và 24 – và sau đó, nếu được coi là cần thiết để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của bà mẹ.

Bà Harris cũng ủng hộ IVF và các bác sĩ có thể cung cấp thuốc gây sẩy thai cho phụ nữ qua đường bưu điện.

Tuy nhiên, bà Harris chưa thể hiện lập trường rõ ràng về phá thai giai đoạn cuối. Trang web chiến dịch tranh cử của bà tuyên bố rằng, bà “đã thúc đẩy chiến lược của Chính quyền nhằm bảo vệ quyền tự do sinh sản và bảo đảm quyền riêng tư của bệnh nhân và bác sĩ“.

Trang web đó cũng đề cập đến đề cử viên đồng hành tranh cử cùng bà Harris, Thống đốc Tim Walz, chính trị gia đã dẫn dắt Minnesota trở thành tiểu bang đầu tiên ban hành đạo luật bảo đảm quyền phá thai sau khi án lệ Roe bị lật đổ.

Luật pháp tiểu bang Minnesota bảo đảm quyền phá thai mà không đề cập đến thời hạn của thai kỳ.

Bà Harris đã nhận được sự ủng hộ từ cả tổ chức Planned Parenthood Action và Reproductive Freedom for All, trước đây gọi là Hiệp hội Quốc gia về Bãi bỏ Luật Phá thai (NARAL).

“Đây là sự thật không thể chối cãi: Phó Tổng thống Kamala Harris là đề cử viên tranh cử tổng thống duy nhất mà chúng ta có thể tin tưởng để bảo vệ quyền tiếp cận phá thai”, ông Alexis McGill Johnson, chủ tịch và giám đốc điều hành của Quỹ Hành động Planned Parenthood, viết trong một tuyên bố ngày 23 tháng 7.

Tuy nhiên, bà Harris cũng đối mặt với những lời chỉ trích đến từ nội bộ Đảng Dân chủ.

Bà ấy chưa thể hiện rõ ràng lập trường của mình“, bà Merle Hoffman, đồng sáng lập của Liên đoàn Phá thai Quốc gia, chia sẻ với The Epoch Times.

“Bà ấy sẽ làm được gì [để hỗ trợ] phụ nữ và trẻ em gái về tất cả các vấn đề về quyền lựa chọn và tự do sinh sản đây?” bà Hoffman đặt câu hỏi.

Bà Hoffman cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng khôi phục quyền phá thai thời còn án lệ Roe v. Wade với những hạn chế mà bà cho là “có vấn đề”, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ đạo luật khôi phục nào cần phải được thông qua ở cả hai viện của Quốc hội. 

Bà Alta Charo cũng đồng tình với nhận định của bà Hoffman rằng việc này là một kịch bản khó xảy ra trong bối cảnh chính trị hiện tại.

“Rất khó có khả năng một đạo luật như vậy có thể được Thượng viện thông qua trừ khi có sự thay đổi trong quy tắc filibuster“, bà Charo nói.

Bà Charo nói rằng bà Harris có thể thực hiện được nhiều việc hơn với quyền hành pháp, chẳng hạn như bảo vệ hoặc mở rộng tài trợ cho các vấn đề liên quan đến sinh sản của phụ nữ và bảo đảm rằng công chức liên bang và các thành viên quân đội có quyền tiếp cận phá thai và các dịch vụ liên quan.

Tương lai của vấn đề phá thai ở Hoa Kỳ

Cách tiếp cận liên bang của ông Trump đã mở đường cho từng tiểu bang được tự do hình thành cách tiếp cận riêng của mình đối với vấn đề phá thai. Tuy nhiên, các nhà vận động ở cả hai phía vẫn khao khát có một giải pháp thống nhất trên toàn quốc.

Chúng ta không còn sống trong một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ [thực sự nữa]. Chúng ta đang sống trong [một quốc gia chia rẽ thành] các tiểu bang đỏ hoặc một tiểu bang xanh“, bà Audrey Blondin, một luật sư giảng dạy chính sách y tế công cộng tại Đại học New Haven, thổ lộ với The Epoch Times.

Bà Blondin nhấn mạnh rằng cần phải thông qua một chính sách quốc gia đồng bộ. Bà nói: “Quyền chăm sóc sức khỏe của bạn với tư cách là một phụ nữ không nên bị ảnh hưởng bởi mã bưu chính của bạn“. 

Bà Blondin nói rằng bà nghĩ hầu hết công dân Hoa Kỳ ủng hộ quyền riêng tư theo Tu chính án thứ 14 bao gồm cả quyền lựa chọn phá thai của phụ nữ.

Ngược lại, Mục sư Frank Pavone, giám đốc quốc gia của tổ chức “Priests for Life”, lại diễn giải tu chính án này theo cách khác.

“Tu chính án thứ 14 bảo vệ quyền được sống [của thai nhi]“, ông khẳng định, đề cập đến sự sống của thai nhi chưa sinh.

“[Tu chính án thứ 14] chỉ cho chúng ta hướng đi mà chúng ta cần phải hướng tới”, mục sư Pavone nói với The Epoch Times. “[Nhưng] chúng ta vẫn chưa đạt được điều đó về mặt văn hóa”. 

Một số nhà lãnh đạo ở cả hai phía của cuộc tranh luận bày tỏ lo ngại rằng nhu cầu thực sự của người phụ nữ đang bị lấn át bởi cuộc tranh giành chính trị.

“Hàng triệu phụ nữ sẽ mất mạng và sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hiện trạng [chính trị] hiện tại”, bà Blondin nhận. “Chúng ta cần phải thay đổi ngay lập tức“. 

Ông Jeff Bradford, chủ tịch của Human Coalition, mong muốn chuyển trọng tâm cuộc thảo luận từ việc thực hiện thủ tục phá thai sang đáp ứng nhu cầu của các bà mẹ. Theo ông Bradford, 76% phụ nữ mà tổ chức của ông giúp đỡ chia sẻ rằng họ muốn giữ đứa con nếu không phải vì hoàn cảnh khó khăn của họ.

“[Những phụ nữ này] cũng là những khách hàng của Planned Parenthood. Đó cũng chính là đối tượng khách hàng [mà chúng tôi đang nói đến]” ông Bradford cho biết. 

Ông Bradford kêu gọi các chính trị gia nên tập trung nhiều nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề mà người phụ nữ đang phải đối mặt như nhà ở, giáo dục, việc làm và chăm sóc trẻ em.

“Tôi nghĩ các chính trị gia của chúng ta nên tập trung hỗ trợ bà mẹ cần sự giúp đỡ, không phân biệt bên nào“, ông Bradford kêu gọi.

Lawrence Wilson, Samantha Flom/ The Epoch Times

Thiên Vân biên dịch