Ấn Độ và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận cung cấp cho nhau các nguồn lực quan trọng đối với an ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ loan báo hôm thứ Năm (22/8).

Lloyd Austin va Rajnath Singh
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin chào mừng Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tới Lầu Năm Góc tại Washington DC vào ngày 23 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: ROBERTO SCHMIDT/AFP via Getty Images)

Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký Thỏa thuận An ninh Cung ứng (SOSA) song phương, không ràng buộc, Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo trong một tuyên bố phát đi vào thứ Năm (22/8).

Thỏa thuận này sẽ cho phép cả hai nước có được các nguồn lực công nghiệp mà họ cần từ nhau để giải quyết các gián đoạn chuỗi cung ứng không lường trước được nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia“, tuyên bố viết.

Thỏa thuận nêu trên được hai nước ký kết trong chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tới Washington và gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin. Lầu Năm Góc mô tả ký SOSA là “thời khắc then chốt” trong mối quan hệ đối tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm thứ Sáu (23/8) nói rằng SOSA khuyến khích hợp tác giữa hai nước và tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Ấn Độ là đối tác SOSA thứ 18 của Hoa Kỳ, cùng với Vương quốc Anh, Israel, một số quốc gia EU, Úc, Hàn Quốc và các quốc gia khác.

Năm 2023, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã nhất trí về lộ trình hợp tác trong tương lai của ngành công nghiệp quốc phòng trong các lĩnh vực như không chiến và hỗ trợ, tình báo, giám sát và trinh sát, và đạn dược. Lộ trình này được đưa ra ngay trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Hoa Kỳ vào tháng Sáu cùng năm đó.

Vào thời điểm đó, các hãng truyền thông hàng đầu như Washington Post và Financial Times đã đưa tin rằng mặc dù có sự hợp tác rộng rãi giữa hai quốc gia, nhưng Ấn Độ không phải là đồng minh của Hoa Kỳ và sẽ không bao giờ là đồng minh. Theo tạp chí Time, giới lãnh đạo Ấn Độ từ lâu đã “ưu tiên độc lập về chính sách đối ngoại như một đặc điểm trung tâm” trong “cách tiếp cận thế giới” của đất nước tỷ dân này.

Vào cuối tháng Bảy, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell cũng đưa ra lập trường tương tự khi cho biết Ấn Độ là một cường quốc nhưng sẽ không bao giờ là đồng minh hoặc đối tác chính thức của Hoa Kỳ. “Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể có mối quan hệ mạnh mẽ nhất có thể với tư cách là các quốc gia đồng minh trên trường quốc tế“, ông Campbell nói thêm.

Tháng trước, ông Modi đã đến thăm Nga hai ngày, và đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong một bài đăng trên X (tên mới của Twitter), thủ tướng Ấn Độ cho biết ông “mong muốn làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt và Được ưu tiên” giữa Moscow và New Delhi.

Cả hai nước đều sẽ ký kết một thỏa thuận hậu cần quân sự, mở đường cho nhiều cuộc trao đổi quốc phòng hơn, ông Chietigj Bajpaee, một nghiên cứu viên cao cấp về Nam Á tại Chatham House có trụ sở tại Anh, đã nói với AP vào thời điểm đó. Ông Chietigj Bajpaee lưu ý rằng khoảng 60% thiết bị và hệ thống quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga.

Vào tháng Sáu, chính phủ Nga đã phê duyệt một dự thảo thỏa thuận giữa Moscow và New Delhi về các thủ tục điều động quân nhân, máy bay và tàu chiến chung. Theo thỏa thuận, các lực lượng có thể được cử đi để tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện chung, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và giúp giải quyết hậu quả của các thảm họa thiên nhiên và do con người gây ra.

Trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, hai nước Nga và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận có thời hạn đến năm 2030 về hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của họ và về cung cấp và phát triển vũ khí và thiết bị quân sự.

Ấn Độ nổi lên là một trong những đối tác thương mại chính của Nga sau khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow vì vấn đề Ukraine. Chính phủ của ông Narendra Modi đã nhiều lần kêu gọi đối thoại và yêu cầu giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột dai dẳng Nga-Ukraine.

Hải Đăng, theo RT