Thứ Hai (13/11), Liên Hợp Quốc đã dành một phút mặc niệm trên toàn cầu, và treo cờ rủ để tưởng nhớ hơn 100 nhân viên thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc tấn công ném bom của Israel.

Gaza Palestine 1
Người dân tìm kiếm thi thể trong tòa nhà bị quân Israel oanh tạc đổ nát ở phía nam Dải Gaza, khu Khan Yunis, vào ngày 9/11/2023. Giao tranh ác liệt nổ ra ở phía bắc Dải Gaza khi Israel bao vây khu vực này, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngày càng cấp bách. Lãnh đạo các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố chung hiếm hoi để bày tỏ sự phẫn nộ. Hơn 40% số người thiệt mạng ở Gaza sau gần 4 tuần chiến tranh là trẻ em. (Ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty Images)

Tại Bangkok, Tokyo, Bắc Kinh, thủ đô Beirut của Lebanon, thủ đô Geneva của Thụy Sĩ và New York… lá cờ màu trắng trên nền màu xanh của LHQ được hạ xuống, để tưởng nhớ các nhân viên của “Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ” (UNRWA) đã hy sinh tại Dải Gaza kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Hôm thứ Hai ngày 13/11, cơ quan này cho biết, số người chết hiện ở mức 102 người, và ít nhất 27 người bị thương.

Tổng thư ký LHQ, ông António Guterres, đã đăng một thông điệp trên nền tảng “X” (“Twitter” trước đây), bày tỏ sự thương tiếc một lượng lớn nhân viên nhân đạo của LHQ thiệt mạng trong khoảng thời gian xung đột ngắn như vậy.

Vào lúc 9h30 (giờ địa phương), ông Guterres dành một phút mặc niệm tại Trụ sở LHQ ở New York, và nhấn mạnh mọi người sẽ không bao giờ quên họ.

Từ cửa khẩu Rafah, ông Tom White, người đứng đầu UNRWA tại Gaza, cho biết nhân viên của UNRWA tại đây bày tỏ lòng biết ơn đối với LHQ, vì đã hạ cờ trên khắp thế giới.

Ông nói thêm, tại Gaza, chúng ta phải giương cao lá cờ LHQ, để thể hiện rằng chúng ta vẫn ở bên Gaza và vì người dân Gaza.

Ở New York và Geneva (Thụy Sĩ), không có lá cờ nào trong số 193 quốc gia thành viên LHQ được kéo lên, chỉ có lá cờ LHQ tung bay ở phía trước tòa nhà uy nghiêm.

Trong hội trường của trụ sở LHQ ở New York, tên của các nhân viên thiệt mạng ở Gaza được đọc lên trước mặt hàng chục đồng nghiệp. Một số người cầm những tờ giấy trắng có in dòng chữ “Chấm dứt chiến tranh” hoặc “Bảo vệ dân thường”.

Bà Tatiana Valovaya, Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva, bày tỏ lòng kính trọng đối với các nạn nhân từ bên kia Đại Tây Dương. Bà nói, hôm nay chúng ta tập trung ở đây để tri ân những người đã phục vụ dưới lá cờ LHQ, những đồng nghiệp tận tâm và dũng cảm.

Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, chúng ta sẽ luôn nhớ đến họ và dấu ấn mà họ để lại sẽ là bất tử. Sự cống hiến không ngừng nghỉ của họ cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của người khác sẽ trở thành kim chỉ nam của chúng ta, nhắc nhở về tầm quan trọng của sứ mệnh chung của chúng ta.

Hoạt động tưởng niệm cũng được tổ chức tại các tòa nhà của LHQ ở Kathmandu (Nepal) và Kabul (Afghanistan). Bà Rosa Otunbayeva, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Afghanistan, dẫn đầu khoảng 250 người trong một phút mặc niệm.

Theo UNRWA tại Cận Đông, 63 trường học và trung tâm y tế đã bị hư hại kể từ khi chiến tranh nổ ra. Ngoài các nhân viên LHQ thiệt mạng, 66 người đã thiệt mạng, ít nhất 561 người bị thương trong số những người phải sơ tán đến trú ẩn tại các trường học và trung tâm y tế do LHQ quản lý.

Cơ quan này cho biết, họ hiện đang che chở cho gần 780.000 người tại hơn 150 cơ sở ở Dải Gaza. Đây là những người đến những nơi trú ẩn này để tìm kiếm sự bảo vệ và an toàn dưới lá cờ của LHQ. Thật không may, như ông Tom White than thở cách đây vài ngày, lá cờ này đã không còn đủ sức bảo vệ họ nữa.

Israel đã 5 tuần ném bom không ngừng vào Dải Gaza, để trả đũa cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào Dải Gaza trong ngày 7/10.

Theo Bộ Y tế Hamas ở Gaza, các cuộc oanh tạc của Israel từ trên không, trên bộ và trên biển đã giết chết ít nhất 11.240 người ở Dải Gaza, chủ yếu là dân thường, trong đó có hơn 4.600 trẻ em.

Theo chính quyền Israel, khoảng 1.400 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Israel, và khoảng 240 người bị Hamas bắt làm con tin.

Tối ngày 11/11, hàng chục ngàn người dân Israel biểu tình tại các thành phố lớn ở thủ đô Tel Aviv và Jerusalem, yêu cầu Chính phủ ngừng bắn và ưu tiên giải cứu con tin. Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất ở Israel kể từ khi nổ ra xung đột Israel-Hamas.

Ngày 11/11, Hội nghị thượng đỉnh chung đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo Ả Rập-Hồi giáo đã được tổ chức tại Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi, 57 nước tham gia đã lên án “tội ác chiến tranh” của Israel ở Gaza, và nhất trí kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Đồng thời, trong cùng ngày, các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, như Anh, Barcelona của ​​​​Tây Ban Nha, Paris, Pháp, thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ Palestine và kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.

Bình Minh (t/h)