Malaysia triệu tập đại sứ Trung Quốc về hoạt động “đáng ngờ” của 16 máy bay
- Xuân Lan
- •
Bộ Ngoại giao Malaysia hôm thứ Ba (1/6) cho biết sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích về “sự xâm nhập đáng ngờ” của 16 máy bay không quân vào không phận của nước này trên Biển Đông.
Lực lượng không quân của Malaysia cho biết họ đã phải điều khiển máy bay phản lực vào hôm 31/5 để tiến hành xác nhận trực quan sau khi đội 16 máy bay Trung Quốc bay trong vòng 60 hải lý ngoài khơi bang Sarawak của Borneo.
Theo phía Malaysia, các máy bay của Trung Quốc bao gồm máy bay vận tải chiến lược Ilyushin il-76 và Xian Y-20, đã bay theo đội hình chiến thuật ở độ cao từ khoảng 7.000m đến 8.200m.
Kuala Lumpur mô tả vụ việc là một “mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia và an toàn bay.”
Lực lượng không quân Malaysia cho biết, các máy bay Trung Quốc đã không liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu khu vực mặc dù đã được hướng dẫn nhiều lần.
Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein cho biết Malaysia sẽ đưa ra công hàm phản đối ngoại giao và yêu cầu đại sứ Trung Quốc tại Malaysia giải thích về việc “vi phạm chủ quyền và không phận của Malaysia”.
“Quan điểm của Malaysia là rõ ràng, việc có quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa là chúng tôi sẽ thỏa hiệp về an ninh quốc gia của mình,” ông Hishammuddin nói trong một tuyên bố.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia hôm thứ Ba cho biết các máy bay đang tiến hành huấn luyện bay thường lệ.
“Theo như tôi biết, các hoạt động được tổ chức là hoạt động huấn luyện bay thường lệ của Không quân Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”.
“Máy bay quân sự của Trung Quốc được hưởng quyền tự do bay trên không phận liên quan.”
“Trong đợt huấn luyện này, máy bay quân sự của Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế liên quan và không đi vào vùng lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào khác.”
Người phát ngôn phía Trung Quốc cho biết thêm: “Trung Quốc và Malaysia là hai nước láng giềng thân thiện và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục các cuộc tham vấn hữu nghị song phương với Malaysia để cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Nước này cũng đã và đang xây dựng các cơ sở quân sự trên các hòn đảo nhân tạo.
Năm ngoái, một tàu khảo sát của Trung Quốc đã đối đầu trong khoảng thời gian một tháng với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia (EEZ).
Động thái của Malaysia diễn ra sau nhiều tháng phản đối ngoại giao của Philippines về sự hiện diện của hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc trong EEZ của nước này, mà Manila cáo buộc là do lực lượng dân quân điều khiển. Trung Quốc đã phần lớn phớt lờ những lời cáo buộc, nói rằng đó chỉ là tàu cá đang tránh gió.
Trong một diễn biến khác, Thời báo Hoàn Cầu hôm 29/5 đưa tin Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ kéo giàn khoan “Biển sâu số 1” nặng hơn 100.000 tấn ra Biển Đông để khai thác khí tự nhiên ngay trong tháng 6 này.
CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan HD-981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, CNOOC và các tập đoàn dầu khí, công ty thăm dò địa chất của Trung Quốc đã bị Mỹ cho vào danh sách đen vì hỗ trợ các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.
Xuân Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện quan hệ Trung Quốc - Malaysia máy bay Trung Quốc xâm nhập Malaysia