Sợ mất lòng Bắc Kinh, lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu chấm dứt thảo luận về độc lập
- Xuân Thành
- •
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hôm thứ Ba (19/9) đã kêu gọi cần chấm dứt ngay các cuộc thảo luận về chủ đề Hồng Kông độc lập khỏi Trung Quốc. Bà Lam cho rằng phong trào đấu tranh đòi độc lập đang gây tổn hại cho mối quan hệ của trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á này với các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà Carrie Lam phát biểu trong hội nghị Vành đai & Con đường tại Trung Quốc
Bà Carrie Lam cho hay: “Điều này đã đi chệch khỏi quan điểm tạm gọi là ‘tại sao chúng ta không thể nói chuyện về điều này? Điều đó rõ ràng đang tấn công vào [nguyên tắc] ‘một đất nước, hai chế độ’…và phá hủy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hồng Kông. [Những cuộc thảo luận đó] không phải vì lợi ích của sự phát triển Hồng Kông và phải dừng lại”.
Trưởng Đặc khu nói rằng các cuộc thảo luận kêu gọi độc lập “đã vi phạm” Luật Cơ Bản – được coi là Hiến Pháp Hồng Kông, quy định quyền tự do ngôn luận, lập hội sau khi Vương Quốc Anh trao trả hòn đảo này về chế độ Trung Quốc năm 1997. Anh – Trung đã thống nhất cho Hồng Kông được hưởng cơ chế “một đất nước, hai chế độ” sau đó.
Trong khuôn viên các trường đại học ở Đặc khu những ngày gần đây có khá nhiều băng rôn trên “các bức tường dân chủ”, làm bùng phát sự tức giận và phản kháng từ các sinh viên đại lục đang theo học tại Hồng Kông.
Các cuộc thảo luận độc lập thậm chí đã chuyển dịch sang giới chủ lưu sau nhiều năm chỉ là các cuộc đấu tranh chính trị của giới học sinh, sinh viên và các nhóm khác.
Cuộc tranh cãi lan rộng này đã gây bùng phát những chỉ trích từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Ngay cả hiệu trưởng các trường đại học Hồng Kông mới đây đã đưa ra một tuyên bố chung hiếm thấy lên án “những lạm dụng” gần đây về tự do ngôn luận. Họ tuyên bố rằng các trường đại học không ủng hộ Hồng Kông độc lập.
Với động thái bất ngờ này của các trường đại học, bà Carrie Lam tin rằng quản lý tại các trường đại học sẽ có thể giải quyết được vấn đề thảo luận độc lập mà không cần hành động của chính quyền Đặc khu.
Bà Lam tuyên bố rằng giới chức Hồng Kông không muốn can thiệp vào tận khuôn viên các trường học để xử lý những người có liên quan đến việc treo các biểu ngữ đòi độc lập. Trưởng đặc khu khẳng định rằng các chiến dịch này được “tổ chức và có hệ thống” hoàn chỉnh chứ không đơn giản chỉ là vấn đề tự do ngôn luận.
Khi được hỏi về lời cảnh báo của bà Lam, Ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Anh Quốc tại Hồng Kông, đã kêu gọi nỗ lực hơn nữa để thu hút những người trẻ tuổi ở Hồng Kông tham dự chính trị mặc dù ông cảm thấy họ nên “từ bỏ” vấn đề độc lập.
Ông Patten, hiện đang là hiệu trưởng Trường Đại học Oxford, nói rằng: “Thật không khôn ngoan khi nghĩ rằng quý vị có thể đơn giản dập tắt các cuộc thảo luận, và tôi chắc rằng bà Carrie Lam sẽ không đề xuất điều đó, bằng cách ‘khóa miệng’ sinh viên lại”.
“Sinh viên không phải là những người đáng sợ. Họ là tương lai [của đất nước]. Và quý vị cần thuyết phục để họ thấy rằng tại sao họ sai”. Ông Patten nhận định.
Các lãnh đạo chính quyền Trung Quốc đại lục, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, đã từng cảnh báo rằng các cuộc thảo luận đòi Hồng Kông lập là lằn ranh đỏ không thể vượt qua và tuyên bố rằng thành phố này là một phần không thể chia tách của Trung Quốc.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Chính trị Hồng Kông