Mỹ cấm thêm hai công ty Trung Quốc vì sử dụng lao động cưỡng bức
- The Epoch Times
- •
Hôm 02/10, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã đưa thêm hai công ty Trung Quốc vào danh sách các công ty bị cấm xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ. Động thái này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ khỏi các hoạt động lao động cưỡng bức tại khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
“Các hành động hôm nay tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc xóa bỏ lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và duy trì các giá trị nhân quyền của chúng tôi cho tất cả mọi người“, ông Robert Silvers, thứ trưởng phụ trách chính sách tại DHS, nêu rõ trong một tuyên bố ngày 02/10.
“Không có lĩnh vực nào là không thể giới hạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác định các thực thể trong nhiều lĩnh vực và truy cứu trách nhiệm những người tìm cách kiếm lợi từ việc bóc lột và lạm dụng“, ông Silvers tuyên bố. Ông là người cũng giám sát lực lượng đặc nhiệm liên bang chịu trách nhiệm lập danh sách thực thể cần phải chế tài.
Một trong những công ty bị nhắm mục tiêu là Công ty TNHH Sắt thép Tân Cương Ba Yi, một công ty con của nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, Tập đoàn Thép Bảo Vũ Trung Quốc.
Các quan chức DHS cáo buộc rằng công ty nêu trên “nhiều lần tham gia vào việc thuyên chuyển và tiếp nhận các nhóm dân tộc thiểu số” ở Tân Cương, nơi chế độ Trung Quốc đã bắt giữ và giám sát hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.
Một công ty khác được thêm vào danh sách là Công ty TNHH Phụ gia Thực phẩm Thường Châu Giang Tô, một nhà sản xuất chất tạo ngọt nhân tạo có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, ở ven biển phía đông Trung Quốc. Thông tin mà các quan chức Hoa Kỳ xem xét cho thấy công ty này đã lấy aspartame, một chất tạo ngọt không dinh dưỡng và các nguyên liệu khác từ Tân Cương.
Đây là lần đầu tiên DHS đưa một nhà sản xuất thép và một nhà sản xuất chất tạo ngọt vào danh sách các công ty tham gia vào chế độ lao động nô lệ do nhà nước bảo trợ và lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ của chế độ Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp bị nhắm mục tiêu trước đây bao gồm các doanh nghiệp khai thác kim loại, sản xuất nhôm, sản xuất giày dép, chế biến hải sản và sản xuất đồ điện tử.
Với việc bổ sung thêm hai công ty mới, tổng số công ty có trụ sở tại Trung Quốc trong danh sách – được lập theo Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ năm 2021 – đã lên tới 75 doanh nghiệp.
Cả chính quyền ông Biden và ông Trump đều xác định rõ rằng “tội ác diệt chủng” đang diễn ra ở Tân Cương, viện dẫn việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thông qua một mạng lưới trại tập trung rộng lớn.
Thượng nghị sĩ James Risch (Đảng Cộng hòa, Idaho), là thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã hoan nghênh quyết định của Bộ An ninh Nội địa. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Risch tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về “những vi phạm nhân quyền khủng khiếp“.
Hiệp hội Người Duy Ngô Nhĩ Hoa Kỳ, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Washington, đã cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ trong một bài đăng ngày 2/10 trên X vì đã đưa hai công ty Trung Quốc vào danh sách cấm.
Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc trong năm 2022 đã phát hiện ra rằng hành vi lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh có thể tương đươngi “tội ác chống lại loài người” và cần phải điều tra thêm.
Vào tháng Tám, Liên Hiệp Quốc kết luận rằng ĐCSTQ vẫn duy trì sử dụng các chính sách biện minh cho hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Những người Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng như bà Rahile Dawut, một nhà dân tộc học và ông Ilham Tohti, một giáo sư kinh tế, đã bị kết án tù chung thân tại các nhà tù Trung Quốc.
Các nạn nhân đã mô tả rằng họ đã phải chịu lao động cưỡng bức, ép buộc phá thai và triệt sản, bị nhồi sọ chính trị và các hành vi lạm dụng khác trong thời gian bị giam giữ.
Bắc Kinh đã phủ nhận những cáo buộc này và đe dọa sẽ trừng phạt các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài khác tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Tân Cương như một nguồn cung ứng cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Một trong những mục tiêu mới nhất của Bắc Kinh là Tập đoàn PVH, sở hữu các thương hiệu quần áo bao gồm Calvin Klein và Tommy Hilfiger. Vào tháng Chín, Bộ thương mại Trung Quốc đã khởi xướng một cuộc điều tra đối với Tập đoàn PVH, cáo buộc gã khổng lồ bán lẻ của Hoa Kỳ này tránh mua bông và các sản phẩm khác từ Tân Cương.
Cuộc điều tra nêu trên được thực hiện theo các quy tắc của “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” của Bắc Kinh, cơ chế hoạt động này có thể cấm các công ty kinh doanh tại Trung Quốc.
Tập đoàn PVH trước đây đã nói với The Epoch Times rằng công ty duy trì “tuân thủ nghiêm ngặt mọi luật pháp và quy định có liên quan tại mọi quốc gia và khu vực” nơi công ty hoạt động, và đang liên lạc với Bộ thương mại Trung Quốc.…
Dorothy Li/ The Epoch Times
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung lao động cưỡng bức Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ