Mỹ chế tài 17 quan chức Ả Rập Saudi liên quan vụ giết nhà báo Khashoggi
- Xuân Thành
- •
Hôm thứ Năm (15/11) Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo áp đặt chế tài kinh tế lên 17 quan chức Ả Rập Saudi vì có vai trò trong vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi tháng Mười tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Biện pháp chế tài mà Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố là phản ứng cụ thể đầu tiên của chính phủ Trump liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi, người bất đồng chính kiến với lãnh đạo tối cao của Vương quốc Ả Rập Saudi.
Theo Reuters, trong số 17 quan chức Ả Rập Saudi bị chế tài có ông Saud al-Qahtani – cựu trợ lý cao cấp của Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ Mohammad al-Otaibi, cùng 15 nhân viên của lãnh sự quán.
Trong số các quan chức Ả Rập Saudi bị Bộ Tài chính Mỹ chế tài không có Tướng Maher Mutreb, trợ lý của ông Qahtani và là người xuất hiện trong các bức hình cùng Thái tử Mohammed trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ và Châu Âu năm nay.
Ngoài ra, danh sách chế tài cũng không có 4 quan chức đã bị chính quyền Riyadh sa thải cùng ông Qahtani là: Tướng Ahmed al-Asiri, phó giám đốc tình báo nước ngoài của Ả Rập Saudi, và ba tướng tình báo Hamed al-Hamadi, Abdullah bin Khaleef al-Shaya, Mohammed Saleh al-Ramih.
Chế tài lần này của Mỹ cũng không ảnh hưởng tới các thỏa thuận Washington bán vũ khí cho Riyadh, điều mà Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ vẫn duy trì.
Những cá nhân có trong danh sách chế tài sẽ bị hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và bị đóng băng tài sản tại Mỹ.
Trong thông báo về chế tài, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cho hay: “Những cá nhân bị nhắm mục tiêu đã giết hại tàn bạo nhà báo cư trú và làm việc tại Mỹ phải đối mặt với các hậu quả vì hành động của họ”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng nói rằng có thể Mỹ sẽ tăng thêm các biện pháp khác.
Bà Heather Nauert trong một buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao, cho biết: “Đó là một bước đi đúng hướng. Đây là một phát hiện điều tra ban đầu. Điều quan trọng là các bước tiếp tục được thực hiện cho một trách nhiệm giải trình đầy đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cẩn thận để xác định sự thật”.
Canada, nước đang có mâu thuẫn với Ả Rập Saudi về vấn đề nhân quyền, đã lên tiếng hoan nghênh chế tài mà Mỹ mới áp đặt. Chính phủ Canada nói thêm rằng họ cũng đang cân nhắc đưa ra hành động tương tự.
Trong khi đó, một số thành viên Quốc hội Mỹ nói rằng các biện pháp chế tài của chính phủ Trump như vậy là chưa đủ nghiêm khắc, đặc biệt đối với Thái tử Ả Rập Saudi.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin cho hay: “Tôi vẫn quan ngại rằng chính phủ Trump đang tạo điều kiện cho Quốc vương của Ả Rập Saudi nỗ lực bảo vệ Thái tử Mohammed bin Salman khỏi trách nhiệm giải trình”.
Theo Reuters, vào cuối ngày thứ Năm 15/11 (giờ Mỹ), các Thượng nghị sĩ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã giới thiệu ra Thượng viện một dự luật yêu cầu đình chỉ bán vũ khí cho Ả Rập Saudi, coi đó là biện pháp trừng phạt cho cái chết của nhà báo Khashoggi và vai trò của chế độ Riyadh trong cuộc nội chiến tàn phá đất nước Yemen.
Từ trước tới nay, chính phủ Mỹ hiếm khi trừng phạt chính quyền Ả Rập Saudi – một đồng minh kinh tế và an ninh thân cận của Washington tại Trung Đông.
Ngay cả vụ khủng bố 11/9/2001, chính phủ Mỹ cũng không áp đặt chế tài lên các quan chức Ả Rập Saudi mặc dù 15 trong tổng số 19 không tặc thực hiện vụ khủng bố mang quốc tịch Ả Rập Saudi.
Theo Reuters, khi đó một ủy ban của chính phủ Mỹ đã không tìm thấy bằng chứng về việc Ả Rập Saudi trực tiếp tài trợ cho Al-Qaeda – nhóm khủng bố được cho là đã thực hiện vụ tấn công vào New York và Washington ngày 11/9/2001.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Chế tài Jamal Khashoggi nhà báo Ả Rập Saudi mất tích quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi