Trong những tháng cuối cùng của mình, chính quyền Biden cho phép các công ty hợp đồng làm việc tại Ukraine có thể sửa chữa bảo dưỡng các vũ khí do Mỹ sản xuất, theo Reuters được biết hôm Thứ Sáu, một thay đổi chính sách đáng kể hỗ trợ Kiev trong chiến tranh. Hiện nay, khi Tổng thống Đắc cử Donald Trump tuyên bố tìm cách chấm dứt chiến tranh Ukraine trong thời gian sớm nhất, chính quyền Biden vẫn đang tiếp tục các nỗ lực trong thời gian trước ngày bàn giao nhiệm sở để có thể có được thêm gói viện trợ cho Kiev.

zelensky biden 2
Tổng thống Zelensky (trái) và Tổng thống Biden tại Kyiv hôm 20/2/2023. (Nguồn ảnh: Adam Schultz/ Nhà Trắng)

Một quan chức Mỹ giấu tên đã cho Reuters biết rằng các công ty hợp đồng tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa vũ khí Mỹ ở Ukraine, một số lượng nhỏ các công ty sẽ hoạt động ở gần chiến tuyến, nhưng sẽ không tham gia chiến đấu.

Vũ khí Mỹ “sẽ được sửa chữa nhanh chóng và được bảo dưỡng khi cần,” quan chức nói với Reuters.

Hiện nay, việc sửa chữa và bảo dưỡng vũ khí Mỹ sản xuất đòi hỏi phải mang vũ khí đó ra khỏi Ukraine, hoặc phải thông qua hội đàm video. Điều này trở nên đặc biệt bất tiện khi các vũ khí phức tạp như máy bay phản lực F-16 được Mỹ đưa vào chiến trường Ukraine.

Một quan chức thứ hai nói với Reuters rằng hiện nay ở Ukraine có nhiều vũ khí không dùng được vì hỏng hóc, và việc gỡ bỏ hạn chế lần này là một chính sách mang tính cải thiện đáng kể cho Kiev trong chiến tranh Ukraine.

Một quan chức thứ ba nói rằng quyết định này sẽ cần phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ, vốn đã đặt một số công ty hợp đồng của mình tại Ukraine rồi. Họ đã hoạt động ở Ukraine, nhưng mà đối tượng sửa chữa và bảo dưỡng không phải là vũ khí Mỹ.

Quan chức này cho biết rằng sẽ không có lực lượng quân đội tham gia, họ sẽ không tham chiến, theo Reuters đưa tin.

Reuters bình luận rằng đây là những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Biden, vào thời điểm mà quân Nga đang chiếm đất Ukraine nhanh nhất ở chiến tuyến phía Đông, kể từ sau khi Nga tấn công Kiev vào hồi 2022.

Reuters cũng bình luận rằng không rõ sự thay đổi về chính sách này sẽ kéo dài được bao lâu, bởi vì cánh hữu nhiều lần chỉ trích chính quyền Biden đã cung ứng quá nhiều viện trợ cho Kiev, đồng thời Donald Trump đã hứa nhiều lần rằng ông muốn kết thúc chiến tranh Ukraine sớm, thậm chỉ chỉ trong 24 giờ khi ông chính thức đắc cử.

Theo Politico và nhiều nguồn tin khác, chính quyền Biden đang có các nỗ lực để có được một gói viện trợ quân sự trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine. Đây là khoản cuối cùng nằm trong ngân sách 60 tỷ USD mà đã được thông qua bởi Quốc hội Mỹ hồi tháng 4.

Politico dẫn nguồn 2 quan chức Mỹ giấu tên nói rằng chính quyền Biden muốn gói viện trợ này được thực hiện trước ngày bàn giao nhiệm sở cho ông Donald Trump vào tháng 1/2025.

Politoco nhắc lại rằng, hồi tháng 9, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới thăm Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rút cạn quỹ mà Nhà Trắng có thể chi để cung cấp cho chính quyền Kiev, gộp lại thành gói viện trợ 8 tỷ vào tháng 9.

Thời điểm đó, theo Politico chỉ ra, ông Trump và cấp phó của ông, JD Vance, đã chỉ trích chính quyền Biden vì đã chi hàng tỷ USD cho viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi toàn bộ châu Âu chỉ xoay sở để ngang bằng với số tiền mà Washington đã cung cấp.

Trong các lời hứa khi vận động tranh cử mà ông Trump cần thực hiện đầu tiên sau khi đắc cử, thì đem lại hòa bình cho Ukraine là vấn đề đầu tiên và cũng là nhạy cảm nhất.

Các hứa hẹn khác, ví như chính sách nhập cư và đường biên giới, hay chính sách khuyến khích khai thác và lưu thông dầu khí, thì có thể khó nhưng mà nói chung có thể thực hiện từ từ, hơn nữa, còn nhìn thấy tính khả thi không nhiều thì ít.

Tuy nhiên, vấn đề đem lại hòa bình cho Ukraine đã trở thành một thách thức lớn đối với Tổng thống Đắc cử Donald Trump. Nó đã khó hơn rất nhiều so với thời điểm ông bắt đầu đưa ra tuyên bố này vào năm ngoái.

Thời điểm đó, Kiev vừa thất bại sau cái mà họ gọi là chiến dịch phản công mùa Hè 2023.

Nhưng tính đến nay, tình hình chiến sự ở Ukraine đã thay đổi nhiều, và tình hình chính trị đã khiến bài toán này trở nên khó khăn hơn nhiều.

Đầu tháng 8, quân Kiev tiến hành đột kích tỉnh Kursk của Nga, và hiện nay vẫn đang đóng quân ở đó. Nga đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không thể hòa đàm nếu quân Kiev đang hiện diện tại lãnh thổ Nga.

Hội nghị BRICS năm nay tại Kazan đã cho thấy lại một lần nữa Liên bang Nga trở nên gần gũi hơn với các quốc gia đối đầu với Mỹ, như Iran, Bắc Triều Tiên, và Trung Quốc, đồng thời cho thấy các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã trở nên kém hiệu quả đối với Nga như thế nào.

Theo bình luận của Đại tá Mỹ về hưu và cũng là một học giả về quân sự Douglas Macgregor trong một phỏng vấn được đăng hôm 8/11, thì ông Trump có thể sẽ phát hiện rằng trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì vấn đề giao tranh ở Ukraine đã không thể tách rời với các quan hệ Iran và Trung Quốc, bởi vì cán cân lợi-hại trong quan hệ giữa Mỹ và Nga đã không còn chỉ nằm ở Ukraine. Ngoài ra, lá bài gỡ bỏ trừng phạt kinh tế Mỹ đã mất đi nhiều sức nặng, đặc biệt là khi Đức ở Châu Âu đã biểu hiện trì trệ kinh tế sau khi mất đi nguồn năng lượng rẻ tiền từ Nga kể từ đầu chiến tranh.

Khác với tình hình năm ngoái, khi Kiev mới chỉ là thua trong chiến dịch phản công, thì hiện nay Nga đang thắng trên chiến trường, trong khi Kiev đang gặp khó khăn rất lớn về tuyển quân. Người Nga sẽ cho rằng, là phe thắng trận, họ có thể kiên trì các yêu sách có lợi cho mình.

Tiếp đó, như đã thấy, là chính quyền Biden không những không hợp tác với chủ trương hòa đàm của ông Trump, mà còn làm ngược lại.

Năm 2021, chính quyền Biden bị chỉ trích rất nhiều do vụ rút quân khỏi Afghanistan, mặc dù ông Biden đã giải thích rằng kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan là do ông Trump soạn ra vào nhiệm kỳ trước. Lẽ ra ông Trump là người thực hiện kế hoạch đó, nếu như không có sự cố 2020 ông Biden đắc cử ngoài dự kiến của ông Trump, dẫn tới việc ông Biden mới là người thực hiện kế hoạch Mỹ rút quân khỏi Afghanistan này.

Nhà bình luận chính trị độc lập Judge Napolitano đã nhận xét rằng không ngoại trừ phần nào nhân tố ông Biden trả đũa ông Trump vụ đó khi tìm cách làm cho việc hòa đàm Ukraine trở nên khó khăn hơn.

Nhật Tân