Mỹ đang gặp khó trong quy trình xử lý cắt giảm vũ khí hạt nhân
- Minh Khuê
- •
Bị đội chi phí quá lớn vượt gấp hàng trăm lần Nga, chính quyền Trump khả năng sẽ từ bỏ một dự án chuyển đổi vũ khí hạt nhân thành năng lượng dùng cho dân sự. Thay vào đó, phía Mỹ dự định sẽ chôn các vũ khí hạt nhân đã loãng hóa xuống lòng đất.
Các chuyên gia năng lượng từ lâu đã chỉ ra sự thiếu hiệu quả trong việc giữ lại các dự án năng lượng hạt nhân, và dự án Oxit Hỗn hợp hay được gọi tắt là dự án MOX đã chứng minh việc xây dựng những công trình này tốn kém như thế nào.
Vào đầu tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã viết thư cho Quốc hội nêu ra chi tiết kế hoạch của chính quyền để hủy bỏ dự án MOX. Ông Perry muốn loãng hóa vũ khí hạt nhân bằng cách pha trộn plutonium đạt chuẩn sản xuất vũ khí hạt nhân với các chất trơ và sau đó chôn chúng dưới lòng đất ở bang New Mexico, theo Reuters.
Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 7,6 tỷ đô la cho dự án MOX tại lưu vực sông Savannah của bang Nam Carolina, nhưng ông Perry cho biết việc hoàn thành cơ sở này với mục tiêu chuyển đổi vũ khí hạt nhân thành nhiên liệu dùng trong dân sự sẽ tốn thêm 48 tỷ đô la.
Tổng cộng, MOX được dự kiến sẽ tốn chi phí gần 56 tỷ đô la và sẽ còn mất nhiều thập kỷ nữa mới hoàn thành. Các quan chức liên bang ban đầu dự kiến chi phí xây dựng dự án MOX thấp hơn 5 tỷ đô la và dự án này bắt đầu đi vào hoạt động ngay trong năm 2018.
Chi phí của dự án MOX trở nên đáng kinh ngạc hơn khi so sánh với chi phí của cơ sở MOX tương tự của Nga – Tổ hợp hóa học và khai khoáng (MCC) ở Zheleznogorsk, bắt đầu xử lý plutonium vào năm 2014. Việc xây dựng tổ hợp này mất khoảng hai năm rưỡi.
Nhà máy MOX của Nga đã được cho là chỉ tiêu tốn khoảng 9,6 tỷ rúp (tương đương 200 triệu đô la), có nghĩa là cơ sở MOX của Mỹ được ước tính tốn gấp 278 lần để hoàn thành so với dự án tương tự của Nga. Hiện tại, Mỹ đã chi hơn 38 lần so với Nga cho nhà máy MOX chưa hoàn thành của mình.
So sánh các con số chi phí nêu trên đặt ra câu hỏi, tại sao ở Mỹ chi phí để chuyển hóa vũ khí hạt nhân thành năng lượng dân sự lại quá tốn kém như vậy?
Ông Jeff Terry, một nhà vật lý hạt nhân tại Viện Công nghệ Illinois, nói với tờ The Daily Caller rằng: “Nhà máy nhiên liệu MOX đã bị hủy bỏ hiện nay là một trong những thất bại lớn về xây dựng năng lượng hạt nhân của Bộ Năng lượng”.
Các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân đã phải đối mặt với các quy định nặng nề trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là sau sự cố tại đảo Three-Mile vào cuối những năm 1970. Cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 và cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima 2011 tại Nhật Bản chỉ tăng thêm gánh nặng pháp lý cho ngành này tại Mỹ.
Trong trường hợp của MOX, sự khăng khăng của Bộ Năng lượng về việc phải đảm bảo rủi ro ở mức bằng không buộc dòng tiền phải chuyển từ xây dựng dự án này thành các biện pháp phòng ngừa mà không xem xét cân đối chi phí-lợi ích, ông Terry nói.
“Thật khó để xây dựng một cái gì đó đúng tiến độ và theo ngân sách khi thiết kế có thể thay đổi dựa trên một tiêu chuẩn rủi ro bằng không trong thực tế là không thể đạt được“, Terry nhấn mạnh.
Chuyên gia vật lý hạt nhân Terry cho biết: “Vì những khó khăn mà Bộ Năng Lượng gặp phải trong việc hoàn thành các dự án này, sẽ là khôn ngoan để ít nhất bắt đầu một cuộc thảo luận về việc thực hiện các dự án này ra ngoài Bộ Năng Lượng và đặt việc thiết kế, mua sắm và xây dựng các cơ sở hạt nhân lớn vào tay của Tổng Công ty Cơ khí Quân đội Mỹ. Hoa Kỳ không có lợi ích lâu dài khi nhượng lại công nghệ hạt nhân cho các nước cộng sản. Nước Mỹ cần chứng minh rằng chúng ta vẫn có thể xây dựng các cơ sở hạt nhân“.
Các nhà lập pháp ở Nam Carolina phản đối việc tạm dừng hoàn thiện nhà máy MOX. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết dự án đã hoàn thành 70% và sẽ sử dụng hàng trăm lao động.
“Với quyết định của Bộ Năng Lượng ngày hôm nay, chương trình MOX – một trong những chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân quan trọng nhất trong lịch sử thế giới – đang bị bỏ rơi mà không có con đường rõ ràng phía trước“, các nhà lập pháp Nam Carolina cho biết trong một tuyên bố chung ngày 10 tháng 5.
Tuy nhiên, luật được thông qua vào tháng Hai đã cho phép Bộ Năng lượng có khả năng bỏ qua dự án MOX nếu họ có thể chỉ ra việc chôn lấp vũ khí hạt nhân loãng hóa chỉ tốn phân nửa chi phí so với việc biến nó thành nhiên liệu dân sự. Thư của Bộ trưởng Perry gửi tới Quốc hội cho biết việc mua Nhà máy thí điểm cách ly chất thải (WIPP) tại bang New Mexico sẽ có giá gần 20 tỷ đô la.
“Chúng tôi hiện đang xử lý plutonium ở Nam Carolina để giao hàng (cho WIPP)”, thư của ông Perry cho biết.
Kế hoạch của ông Perry phản ánh kế hoạch của chính quyền Obama ngừng chi tiền cho MOX, và thay vào đó là loãng hóa vũ khí hạt nhân bằng các chất trơ, sau đó chôn chúng xuống lòng đất. Tuy nhiên, kế hoạch đó vẫn sẽ tốn 99,5 lần so với chi phí mà Nga dành cho nhà máy MOX của họ.
Minh Khuê (Theo Daily Caller)
Xem thêm:
Từ khóa vũ khí hạt nhân phi hạt nhân hóa năng lượng hạt nhân MOX