Mỹ kết tội công dân Trung Quốc đánh cắp công nghệ tàu ngầm
- Xuân Thành
- •
Một ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố chương trình hành động mới nhằm tích cực xử lý tình trạng gián điệp Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ, cơ quan này đã thông báo rằng các công tố viên liên bang vừa bổ sung thêm một số tội danh đối với một công dân Trung Quốc từng bị kết tội xuất khẩu bất hợp pháp công nghệ quân sự Mỹ.
Tàu ngầm tấn công nhanh USS Virginia
Trong thông cáo báo chí phát hành hôm 2/11, Bộ Tư pháp đã thông báo rằng ông Tần Thụ Nhân (Qin Shuren) – thường trú nhân tại Wellesley, bang Massachusetts bị bổ sung thêm các tội danh buôn lậu, rửa tiền và nói dối các quan chức chính phủ Mỹ. Trước đó, vào tháng Sáu, ông Tần đã bị bắt vì cáo buộc âm mưu xuất khẩu các thiết bị chống tàu ngầm cho một viện nghiên cứu quân sự Trung Quốc, cùng một số tội danh khác.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, từ năm 2015 tới năm 2016, ông Tần đã xuất khẩu ít nhất 60 máy hydrophone – thiết bị được sử dụng để phát hiện sóng âm dưới nước, cho Đại học Bách Khoa Tây Bắc, một viện nghiên cứu quân sự ở thành phố Tây An, tây bắc Trung Quốc, có liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Ông Tần, 41 tuổi, đã chuyển hơn 100.000 USD tới các tài khoản ngân hàng Mỹ từ nhiều tài khoản Trung Quốc để thuận lợi cho kế hoạch xuất khẩu trái phép công nghệ Mỹ sang Trung Quốc, theo hồ sơ của tòa án.
Do các rủi ro về an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu một công ty muốn xuất hàng cho thực thể nước ngoài liên quan tới quân đội phải xin giấy phép xuất khẩu. Tuy nhiên, các công tố viên cho biết ông Tần đã xuất khẩu các thiết bị công nghệ quân sự cho Đại học Bách Khoa Tây Bắc của Trung Quốc mà không xin giấy phép xuất khẩu và ông cũng cố tình không cho các nhà cung cấp máy hydrophone biết bên nhận hàng là Đại học Bách Khoa Tây Bắc.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, ông Tần ban đầu bị kết tội âm mưu thực hiện hành vi vi phạm xuất khẩu, gian lận thị thực và âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ. Tổng cộng, ông Tần đối mặt với án phạt 70 năm tù giam và 2 triệu USD tiền phạt.
Thực tế, những nỗ lực đánh cắp công nghệ quân sự và dân sự Mỹ để phục vụ lợi ích của Trung Quốc không phải là vấn đề hiếm gặp.
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 1/11 đã kết tội một công ty nhà nước Trung Quốc vì nỗ lực đánh cắp bí mật kinh doanh từ Tập đoàn Công nghệ Micron, doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu của Mỹ.
Bộ Tư pháp đã công bố cáo trạng đối với công ty Vi mạch Tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa (Trung Quốc), công ty UMC (Đài Loan), cùng ba công dân Đài Loan tội danh đánh cắp công nghệ Mỹ.
Trong thông báo về cáo trạng này, Tổng Chưởng lý Jeff Sessions nói rằng: “Gián điệp Trung Quốc chống lại Mỹ đang gia tăng, và nó gia tăng với tốc độ nhanh chóng… Đã đến lúc Trung Quốc phải tham gia vào cộng đồng các quốc gia tuân thủ luật lệ. Thương mại quốc tế là có lợi cho Trung Quốc, nhưng việc lừa gạt phải chấm dứt”.
Hồi tháng Bảy, một nữ công dân Trung Quốc đã nhận tội xuất khẩu trái phép từ Mỹ sang Trung Quốc thiết bị liên quan tới “radar tiên tiến, các bộ làm nhiễu thông tin loại quân sự, bộ khuếch đại tiếng ồn thấp, và truyền thông không gian Ka-band”. Người phụ nữ Trung Quốc này đã có thể tiếp cận các công nghệ nêu trên thông qua vai trò cung cấp các dịch vụ kế toán cho các công ty hàng không vũ trụ Mỹ, trong đó có các nhà thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, theo Bộ Tư pháp.
Vào tháng Sáu, những kẻ tấn công mạng đã xâm nhập vào hệ thống thông tin của chính phủ Trung Quốc và đánh cắp được các dữ liệu nhạy cảm về các kế hoạch Hải quân Mỹ và kế hoạch chiến tranh dưới đáy biển từ một nhà thầu quân sự.
Trong tháng Một, hai công dân đã được cấp quốc tịch Mỹ và một người Canada đã bị kết tội có kế hoạch xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc chip máy tính sử dụng trong chiến tranh điện tử và hệ thống radar. Ba nghi phạm này là người gốc Đài Loan và Việt Nam. Những người này giả là khách hàng nội địa Mỹ tìm mua các loại chip nêu trên từ một công ty Mỹ, sau đó xuất chúng cho công ty Công nghệ GaStone Thành Đô của Trung Quốc.
Những năm trước đó nữa, thủ phạm đánh cắp công nghệ Mỹ là các học giả người Trung Quốc. Năm 2015, hai kỹ sư nghiên cứu về công nghệ bộ cộng hưởng âm thanh lớn màng mỏng (FBAR) tại một trường đại học ở Nam California, đã bị kết tội làm gián điệp.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai kỹ sư Trung Quốc sau đó đã làm việc cho các công ty công nghệ Mỹ chuyên về FBAR, và đã có âm mưu đánh cắp mã nguồn, các công nghệ quan trọng khác ứng dụng trong quân đội và thông tin quốc phòng của các công ty này. Họ đã lên kế hoạch chia sẻ bí mật thương mại với Đại học Thiên Tân, Trung Quốc trước khi mở một liên doanh với trường đại học này để sản xuất hàng loạt thiết bị FBAR cho các khách hàng thương mại và quân sự ở Trung Quốc.
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) mới đây cũng đã công bố một báo cáo cho thấy Trung Quốc đang gửi các nhà khoa học quân sự bí mật tới các trường đại học phương tây để làm việc trong các chương trình nghiên cứu chiến lược nhằm thu thập thông tin về công nghệ quân sự tối tân của các đối thủ này.
Theo ASPI, PLA đã cố tình gửi các nhà khoa học tới các viện nghiên cứu nước ngoài, phần lớn ở Anh, Mỹ, Đức, Úc và Singapore để bí mật thâu tóm thông tin công nghệ hiện đại trong đó có công nghệ tên lửa siêu âm và công nghệ điều hướng.
Báo cáo của ASPI tiết lộ rằng ít nhất hơn 20 nhà khoa học Trung Quốc “đã dùng vỏ bọc để che dấu thân phận quân đội của họ” khi họ làm việc tại các tổ chức phương tây.
ASPI cho hay: “Những nhà khoa học này sử dụng nhiều kiểu bình phong, từ việc sử dụng các tên có lịch sử gây nhầm lẫn cho các tổ chức của họ tới việc sử dụng các tên của các tổ chức không tồn tại”.
Báo cáo của ASPI cũng tiết lộ rằng đa số các nhà khoa học này đến từ các học viện quân sự hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Đại học Quốc Gia về Công nghệ Quốc phòng nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Quốc phòng Trung Ương.
Chính mô hình đánh cắp tài sản trí tuệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nêu trên của Trung Quốc đã thúc đẩy chính phủ Mỹ rút ngắn thời gian thị thực cấp cho các sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các lĩnh vực về rô-bốt, hàng không và sản xuất công nghệ cao.
Chế độ Trung Quốc coi việc phát triển các lĩnh vực công nghệ này là mục tiêu ưu tiên cao cho ngành sản xuất của họ và được vạch rõ trong kế hoạch kinh tế 10 năm được gọi là “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa ăn cắp công nghệ gián điệp Trung Quốc Quan hệ Mỹ - Trung