Mỹ: Khủng hoảng chuỗi cung ứng tồi tệ hơn, số lượng tàu chờ dỡ hàng đạt kỷ lục mới
- Minh Ngọc
- •
Trong nhiều tháng qua, các tàu vận chuyển giao hàng tiêu dùng từ các thị trường châu Á đã ngừng hoạt động ở Thái Bình Dương do Hoa Kỳ đối mặt với tình trạng thiếu lao động, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quan trọng của California. Do đó, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp trên khắp Hoa Kỳ đang thiếu hàng hóa để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngay cả sau một số hành động từ chính quyền Biden, số lượng hàng tiêu dùng vẫn bị mắc kẹt nhiều hơn bao giờ hết.
Tờ Business Insider đưa tin hôm 9/11, theo dữ liệu từ Marine Exchange, có tổng cộng 111 tàu container đang lênh đênh trên biển quanh các cảng Los Angeles và Long Beach, chờ cập cảng và dỡ hàng, phá vỡ kỷ lục 108 tàu trước đó được báo cáo vào ngày 21/10.
Hai cảng này vẫn bị tắc nghẽn bất chấp nỗ lực tăng tốc xử lý các container trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng vọt. Nhà Trắng đã đạt đồng thuận thay đổi lịch trình làm việc của các hãng vận chuyển lên đến 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày một tuần từ tháng 10, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Các nhà phân tích dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài trong tương lai gần. Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Wall Street Journal với các nhà kinh tế, khoảng một nửa trong số họ coi nút thắt trong chuỗi cung ứng là “mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế trong 12 – 18 tháng tới”. 45% ước tính, tình trạng tắc nghẽn sẽ không giảm thiểu cho đến nửa cuối năm 2022.
Phía chính quyền Biden luôn nhấn mạnh rằng, các vấn đề của chuỗi cung ứng là do nhu cầu tiêu dùng tăng lên sau COVID-19 và suy thoái do phong tỏa gây ra. Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg cũng nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng trước, cuộc khủng hoảng cho thấy cách mà Tổng thống Biden đã vận hành nền kinh tế thành công như thế nào. Ông này đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng là do cơ sở hạ tầng không đầy đủ.
Ông còn giải thích: “Chắc chắn là, có rất nhiều thách thức mà chúng ta đã phải trải qua trong năm nay sẽ tiếp diễn trong năm tới. Nhưng có cả những bước ngắn hạn và dài hạn mà chúng ta có thể tiến hành, ít nhất là để làm điều gì đó. Hãy nhìn xem, một phần của những gì đang diễn ra không chỉ là phía cung. Mà còn là phía cầu. Cầu đang vượt mức. Doanh số bán lẻ đang đột phá.”
“Và nếu các bạn nghĩ về hình ảnh những con tàu, chẳng hạn như đang neo đậu ở Bờ Tây, các bạn biết đấy, mỗi một con tàu đó đều chứa đầy lượng hàng hóa kỷ lục mà người Mỹ đang đặt mua, bởi vì nhu cầu tăng lên, bởi vì thu nhập lên, bởi vì tổng thống đã thành công trong việc dẫn hướng nền kinh tế này thoát khỏi sự suy thoái kinh hoàng,” ông Buttigieg cho hay. “Hiện giờ, vấn đề là, dù các cảng của chúng ta đang phải xử lý nhiều hơn bao giờ hết, số lượng hàng hóa vượt mức kỷ lục, thì chuỗi cung ứng của chúng ta vẫn không thể theo kịp. Và tất nhiên, chuỗi cung ứng của chúng ta, đó là một hệ thống phức tạp mà hầu hết là trong tay tư nhân, và đúng như vậy.”
Đáng chú ý, vài ngày trước đó, Politico tiết lộ rằng ông Buttigieg đã nghỉ phép có lương trong nhiều tháng sau khi nhận nuôi một cặp song sinh: “Trong khi các cảng của Hoa Kỳ phải đối mặt với lưu lượng neo đậu kỷ lục và Quốc hội gần như bùng nổ vì dự luật cơ sở hạ tầng của tổng thống trong những tuần gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải lại luôn yên ắng.”
Người phát ngôn của Bộ Giao thông vận tải nói với trang tin Politico rằng: “Trong bốn tuần đầu tiên, ngoại trừ những quyết sách lớn về bộ máy cơ quan và những việc không thể giao, phần lớn thời gian ông ấy đều ở trạng thái ngoại tuyến. Kể từ đó, ông ấy vẫn tăng cường hoạt động [ngoại tuyến] của mình.”
Tháng trước, ngày 13/10, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã tweet chỉ trích nặng nề ông Pete Buttigieg vì “hoàn toàn không đủ tư cách để đối phó với các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Lý do duy nhất mà ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là vì ông ủng hộ ông Joe Biden. Ngay cả bản thân ông Pete Buttigieg cũng biết điều này.”
Minh Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện khủng hoảng chuỗi cung ứng chuỗi cung ứng Mỹ