Mỹ loan báo chế tài mới lên Nga, nhắm tới 500 cá nhân và tổ chức
- Hải Đăng
- •
Mỹ hôm thứ Sáu (23/2) đã loan báo áp chế tài mới lên 500 cá nhân và thực thể có liên quan đến Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng những hạn chế này sẽ đảm bảo Tổng thống Nga Vladimir Putin “trả giá nhiều hơn cho hành vi gây hấn của ông ta”. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã gọi những chế tài này là “vô ích”.
Những thực thể bị Mỹ chế tài lần này gồm cơ quan điều hành của hệ thống thẻ thanh toán Mir của Nga. Mir đã nổi lên sau khi Nga bị phương Tây loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và Visa/MasterCard năm 2022. Các công ty năng lượng Nga và các công ty liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng nước này chiếm tới 100 thực thể bị chế tài trong danh sách Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm thứ Sáu (23/2).
Trong số những cá nhân bị Mỹ chế tài có những binh lính, những nhân vật liên quan đến mua sắm quân sự, và các nhà quản lý điều hành trong ngành tài chính tại Nga. Hơn 20 cá nhân trong danh sách chế tài không cư trú tại Nga, bao gồm ở Trung Quốc, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Việt Nam.
Trong tuyên bố phát đi hôm 23/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng danh sách chế tài này cũng bao gồm “những cá nhân liên quan tới vụ bỏ tù ông Alexey Navalny”.
Gói chế tài hôm 23/2 là danh sách án phạt dài nhất mà Washington công bố kể từ khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ hai năm trước. Ông Biden, trong tuyên bố hôm 23/2, cho biết gói chế tài mới này được đưa ra để phản ứng với “cuộc chiến tranh xâm lược đang tiếp diễn của Nga tại Ukraine và vì cái chết của ông Alexey Navalny”.
Những chế tài này “sẽ đảm bảo ông Putin trả giá nhiều hơn vì hành vi gây gấn ở nước ngoài và đàn áp nội địa của ông ta”, ông Biden nói thêm.
Những cá nhân bị chế tài sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, trong khi công dân Mỹ và các công ty tại Mỹ bị cấm giao thương với các cá nhân hoặc thực thể bị trừng phạt. Trong một động thái đồng thời, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã loan báo chế tài 200 cá nhân và công ty Nga, trong đó cũng có một số có tên trong danh sách chế tài của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga đã gọi những chế tài mới này là “những nỗ lực vô ích để đặt áp lực lên Nga” và đáp trả bằng loan báo Moscow “đã mở rộng đáng kể” danh sách chế tài các quan chức, công ty và các cá nhân châu Âu, trong đó có những cá nhân và thực thể “chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ quân sự cho chế độ tân phát-xít tại Kyiv”.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov viết trên Telegram rằng: “Washington không nhận ra rằng những chế tài đó sẽ không hạ gục được chúng tôi hay sao?”
Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đã đang áp đặt chế tài lên hàng nghìn các cá nhân và tổ chức Nga hoặc liên quan đến Nga kể từ khi Moscow phát động “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào ngày 24/2/2022. Cuộc chiến tranh này đã khiến hàng chục nghìn người của cả hai bên bị thiệt mạng và nhiều thành phố tại Ukraine đã bị phá hủy.
Tuy nhiên, nền kinh tế 2,2 nghìn tỷ USD tập trung xuất khẩu của Nga đã đang chứng minh khả năng kháng cự tốt trong hai năm qua bất chấp phải chịu các chế tài chưa từng có tiền lệ.
Phía Nga tuyên bố rằng các vòng chế tài liên tiếp của phương Tây đã không thể “nhấn chìm” được nền kinh tế Nga như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự đoán vào năm 2022.
Thay vì bị suy thoái, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 4% trong năm 2023, theo loan báo của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đầu tháng này. Con số này là cao hơn đáng kể so với mức dự đoán 2,7% mà Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra hồi tháng Một.
Hải Đăng (T/h)
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Nga Mỹ chế tài Nga Dòng sự kiện chế tài Nga