Hôm thứ Ba (26/3), Cố vấn An ninh Nội địa Hoa Kỳ, bà Laura Murphy cho biết chính quyền Biden sẽ mở rộng danh sách các công ty bị cấm nhập khẩu do nghi ngờ có liên quan đến lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.

Bo an ninh noi dia My
Logo Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS).

Danh sách này được gọi là “Danh sách thực thể theo Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”, liệt kê các công ty tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mà Mỹ cáo buộc có liên quan đến hoạt động cưỡng bức lao động ở Tân Cương.

Tại một hội thảo thương mại ở Philadelphia, bà Murphy cho biết Hoa Kỳ rất tập trung vào việc củng cố và mở rộng danh sách thực thể này. Bà hy vọng trong những tháng tới sẽ có thêm nhiều công ty được đưa vào danh sách.

Theo “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” (UFLPA), từ tháng 6/2022, Hoa Kỳ bắt đầu cấm nhập khẩu hầu hết hàng hóa liên quan đến Tân Cương.

Tân Cương là quê hương của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Hoa Kỳ tin rằng họ đang bị cưỡng bức lao động. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phủ nhận những tuyên bố này, và coi việc kiểm duyệt Tân Cương là sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của mình.

UFLPA đã khiến hàng hóa trị giá 2,9 tỷ USD bị chặn ở biên giới, chủ yếu là đồ điện tử và quần áo. Các nhà lập pháp của cả hai đảng đang cố gắng tăng cường trấn áp.

Danh sách thực thể của đạo luật này chỉ định các công ty cụ thể có hàng hóa hoặc sản phẩm đã qua chế biến bị cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Hiện có 30 công ty có tên trong danh sách. Bà Murphy không nêu rõ có bao nhiêu công ty sẽ được tiếp tục thêm vào danh sách này.

Các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng các công ty nên xem lại chuỗi cung ứng của mình, nếu không hàng hóa có thể không được nhập khẩu.

Tháng trước, Tập đoàn sản xuất ô tô Volkswagen cho biết, hàng ngàn xe Bentley, Porsche và Audi của họ đã bị thu giữ tại các cảng của Mỹ. Nguyên nhân là do một trong các linh kiện của xe được sản xuất bởi nhà cung cấp nằm trong danh sách các thực thể trên…

Năm 2022, bốn học giả từ Đại học Sheffield Hallam ở Anh và một nhóm các nhà nghiên cứu ẩn danh đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng. Họ phát hiện ra rằng Chính phủ Trung Quốc đã cố tình chuyển việc khai thác, xử lý nguyên liệu thô và sản xuất phụ tùng ô tô sang Tân Cương.

Báo cáo chỉ ra rằng mọi thương hiệu ô tô lớn gồm Volkswagen, BMW, Honda, Ford, GM, Mercedes-Benz, Toyota, các thương hiệu thuộc sở hữu của Stellantis như Fiat, Chrysler, Dodge, và Jeep, Tesla và NIO, v.v., đều có nguồn gốc từ các công ty bị nghi ngờ tham gia cưỡng bức lao động.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc “đàn áp có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ, kết hợp với chuỗi cung ứng không minh bạch đã khiến ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào các nhà cung cấp vi phạm nhân quyền.”

Cuộc khảo sát cho biết rủi ro lớn nhất đến từ “thép và nhôm” được sử dụng để chế tạo khung, trục, thân xe, vỏ động cơ, bánh xe và phanh, cùng những thứ khác.

Khoảng 5 tháng trước, chính quyền Biden đã bổ nhiệm bà Murphy làm cố vấn. Đây có thể là tín hiệu cho thấy chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn.

Bà Murphy là giáo sư về nhân quyền và chế độ nô lệ đương đại tại Đại học Sheffield Hallam ở Anh. Bà thường xuyên báo cáo về các vấn đề chuỗi cung ứng trong sản xuất pin mặt trời và ô tô.

Bà cảnh báo rằng các công ty nên hành động nhanh chóng, để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không liên quan đến lao động cưỡng bức.

Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong những “trại cải tạo” ở vùng viễn tây của nước này.

Ngày 31/10/2022, Ủy ban thứ Ba của Đại hội đồng LHQ (UN General Assembly Third Committee) đã tổ chức thảo luận liên quan vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, Trung Quốc.

Theo AFP, 50 quốc gia đã ký văn kiện chung được hội luận tại Liên Hợp Quốc, lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có hệ thống của ĐCSTQ gây ra ở Tân Cương.

Bình Minh (t/h)