Mỹ sẽ chia sẻ vắc-xin AstraZeneca với các quốc gia khác
- Phan Anh
- •
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết vào hôm 26/4 vừa qua rằng Mỹ sẽ bắt đầu chia sẻ kho dự trữ vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca với các quốc gia khác.
Mỹ có kế hoạch chia sẻ tất cả các liều vắc-xin mà họ có, miễn là chúng vượt qua các đánh giá về độ an toàn. Có khoảng 60 triệu liều vắc-xin sẽ được gửi đến các quốc gia khác trong những tháng tới.
Chính quyền Biden đã gửi vài triệu liều vắc-xin đến Mexico và Canada vào tháng trước, nhưng đã giữ lại phần lớn số vắc-xin để dự trữ.
Vắc-xin của hãng AstraZeneca đã được cấp phép sử dụng ở một số quốc gia, dù cho có hàng chục người đã tử vong do xuất hiện tình trạng máu đông sau tiêm chủng ở Anh và những nơi khác. Các cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ hiện vẫn chưa cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vắc-xin này.
“Mỹ đã cấp phép sử dụng cho nhiều loại vắc-xin với số lượng tích trữ lớn, bao gồm 2 loại vắc-xin tiêm 2 liều và 1 loại tiêm một liều duy nhất, và do AstraZeneca không được phép sử dụng ở Mỹ, nên chúng tôi không cần dùng tới loại vắc-xin này trong cuộc chiến chống lại COVID-19 trong vài tháng tới”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu trong một cuộc họp tại Washington.
Cố vấn cấp cao vềứng phó với COVID-19 của Nhà Trắng Andy Slavitt đã viết trên Twitter rằng: “Vắc-xin sẽ được chia sẻ với các quốc gia khác ‘vào thời điểm thích hợp'”.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết có đủ liều vắc-xin cho người Mỹ trong số 3 loại được các cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ cho phép, ngay cả khi Johnson & Johnson tạm dừng việc tiêm chủng trong gần 2 tuần trước lo ngại về tình trạng máu đông sau tiêm chủng. Có gần 29% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 26/4.
Trong kho dự trữ vắc-xin của hãng AstraZeneca, hiện có khoảng 10 triệu liều, mặc dù chưa có liều nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận, theo điều phối viên về vấn đề COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient. Có khoảng 50 triệu liều khác đang trong các giai đoạn sản xuất khác nhau và có thể được chuyển đến vào tháng 5 và tháng 6/2021 trong khi chờ đợi FDA chấp thuận.
Mỹ vẫn chưa quyết định những quốc gia nào sẽ nhận được các liều vắc-xin.
Psaki nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang trong quá trình lập kế hoạch vào thời điểm này”.
Các quốc gia sẽ không phải trả tiền khi nhận được vắc-xin của AstraZeneca.
Các loại vắc-xin này được sản xuất tại nhà máy Emergent BioSolutions ở Baltimore, nơi sản xuất hàng triệu liều vắc-xin bị lỗi của hãng Johnson & Johnson.
Psaki cho biết rằng việc đánh giá vắc-xin của hãng AstraZeneca “đang được thực hiện trong bối cảnh FDA đang tiến hành xem xét tất cả các liều vắc-xin được sản xuất tại nhà máy”.
Vào ngày 25/4 vừa qua, bác sĩ Anthony Fauci (một trong những cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Joe Biden) cho hay rằng Mỹ có thể gửi hàng triệu liều vắc-xin của AstraZeneca tới Ấn Độ, quốc gia đang chứng kiến sự bùng phát số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục, đến mức hệ thống y tế nước này đã rơi vào tình trạng “vỡ trận”, còn người dân thì cầu cứu trong tuyệt vọng khi nguồn cung cấp oxy sắp cạn kiệt.
“Tôi nghĩ rằng đó sẽ là điều gì đó cần phải được xem xét một tích cực”, ông Fauci cho biết trên chương trình “This week” của kênh ABC.
“Tôi không muốn nói về chính sách ngay bây giờ với bạn, nhưng, ý tôi là, đó là điều chắc chắn sẽ được xem xét tích cực”.
Ông Biden đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào hôm 26/4 vừa qua.
Theo Nhà Trắng, ông Biden cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ người dân Ấn Độ trong bối cảnh nước này gia tăng số ca mắc COVID-19.
Nhà Trắng cho biết: “Mỹ sẽ cung cấp một loạt các hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm các nguồn cung cấp liên quan đến ôxy, vật liệu vắc-xin và phương pháp điều trị”.
Psaki cho hay rằng Mỹ sẽ gửi nguyên liệu thô tới Ấn Độ để nước này có thể sản xuất vắc-xin AstraZeneca của riêng mình, cùng với các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, thiết bị bảo vệ cá nhân và máy thở.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa vắc-xin AstraZeneca tác dụng phụ của vắc-xin AstraZeneca